Chủ nhật, 24/11/2024 08:34 (GMT+7)
Thứ hai, 02/12/2019 06:30 (GMT+7)

Ai cho phép nước sông Đuống ‘lấn làn’ phá vỡ Quy hoạch của Chính phủ về vùng cấp nước sạch?

Theo dõi KTMT trên

Không chỉ lùm xùm về chuyện nước được bán với giá cao ngất ngưởng, rồi chuyện UBND thành phố Hà Nội chấp thuận phương án lấy ngân sách bù tiền mua nước, Nhà máy nước sông Đuống cho đến nay đã nhiều lần “lấn làn” vùng quy hoạch cấp nước mà trước đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt theo đề xuất từ phía thành phố Hà Nội.

Ai cho phép nước sông Đuống ‘lấn làn’ phá vỡ Quy hoạch của Chính phủ về vùng cấp nước sạch? - Ảnh 1
Nhà máy nước mặt sông Đuống liên tục lắp đường ống cấp nước lấn vào vùng quy hoạch của đơn vị khác.

Mới đây, một sự việc “hy hữu” đã xảy ra tại điểm đầu đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thụy, quận Long Biên), đối diện Trung tâm thương mại Savico MegaMall.

Một đường ống nước xảy ra sự cố, bị rò rỉ nước lên bề mặt đường tạo thành những vũng nước lớn. Tuy nhiên, không đơn vị nào nhận đường ống nước này là của mình.

Ai cho phép nước sông Đuống ‘lấn làn’ phá vỡ Quy hoạch của Chính phủ về vùng cấp nước sạch? - Ảnh 2Bí ẩn dòng tiền nghìn tỉ đổ vào AquaOne, một toan tính lợi ích 'khủng'?

Phía Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống cho biết, đây không phải đường ống trong hệ thống của doanh nghiệp.

Trong khi đó phía Công ty Cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội cũng khẳng định: Công ty đã cho kiểm tra kỹ càng và đường ống vỡ không thuộc hệ thống ống của nước sạch số 2.

Ai cho phép nước sông Đuống ‘lấn làn’ phá vỡ Quy hoạch của Chính phủ về vùng cấp nước sạch? - Ảnh 3
Hiện trường vụ vỡ đường ống nước trong quá trình đào lắp ống cấp ở khu vực đối diện Trung tâm thương mại Savico MegaMall.

Vụ việc khiến cho Trung tâm thương mại Savico MegaMall bị mất nước trong nhiều ngày. Theo đại diện đơn vị, phía Trung tâm hiện đang ký hợp đồng mua nước của Công ty Cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội nhưng lại dùng nước của Công ty Cổ phần sông Đuống (?!)

Đáng chú ý, tại Quyết định chủ trương đầu tư 3846/QĐ-UBND thành phố Hà Nội ngày 24/6/2017 về phát triển mạng lưới của Công ty Cổ phần sông Đuống, bao gồm: các xã thuộc huyện Sóc Sơn (18 xã); Đông Anh (9 xã); Gia Lâm (5 xã). Không có phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho địa bàn quận Long Biên.

Thực tế, đơn vị này đã thi công, lắp đặt các đường ống cấp nước cho Công ty Cổ phần Savico, Khu công nghiệp Hà Nội – Đài Tư và một số khu vực khác của quận Long Biên theo đường ống truyền dẫn DN800 dọc Quốc lộ 5.

Trước đó, vào tháng 5/2019, Công ty Cổ phần nước sông Đuống từng gây xôn xao khi lấn làn xây dựng đường ống cấp nước cho khu dân cư Đại Thanh thuộc huyện Thanh Trì. Theo quy hoạch thì khu vực này được Công ty nước sông Đà cấp và hoạt động vẫn hết sức bình thường.

Tuy nhiên, không hiểu vì sao mà tự nhiên, phía Công ty Cổ phần nước sông Đuống lại tiến hành xây dựng đường ống đấu nối từ cầu Bươu từ tuyến ống truyền dẫn DN800 để tiến hành cấp nước cho khu dân cư Đại Thanh gồm 6 lốc nhà chung cư và khu nhà ở thấp tầng.

Ai cho phép nước sông Đuống ‘lấn làn’ phá vỡ Quy hoạch của Chính phủ về vùng cấp nước sạch? - Ảnh 4
Nhà máy nước mặt sông Đuống xây dựng đường ống cấp nước tại khu dân cư Đại Thanh, khu vực này theo quy hoạch của Chính phủ là do Công ty nước sông Đà chịu trách nhiệm cấp nước.

Do cư dân tại khu Đại Thanh đấu tranh quyết liệt phản đối việc thay đổi đơn vị cấp nước nên sau đó sự việc cũng đã được giải quyết. Công ty nước sông Đà vẫn là đơn vị cấp nước cho khu vực này như đã được quy hoạch từ trước đó.

Đại diện cư dân tại khu Đại Thanh cho biết: Việc cấp nước của Công ty sông Đà vẫn diễn ra một cách bình thường thì bất chợt công ty nước sông Đuống họ vào đào đường lắp ống. Chúng tôi không đồng ý việc này vì nếu như vậy sẽ phải chịu cảnh mua nước với giá… cắt cổ.

Ai cho phép nước sông Đuống ‘lấn làn’ phá vỡ Quy hoạch của Chính phủ về vùng cấp nước sạch? - Ảnh 5'Bão' giá nước cao ngất chưa tan, lại lộ đường ống bán nước 'chui' của Sông Đuống

Ở thời điểm đó, phía Công ty nước sông Đuống lý giải là do nhận được đề nghị bổ sung nguồn cấp nước của hai đơn vị phân phối nước cho khu dân cư tại Đại Thanh nên mới đồng ý. Còn việc sửa chữa đường ống để đấu nối với tuyến DN800 là do đơn vị phân phối tự làm, phía Công ty nước sông Đuống không liên quan việc này.

Điều đáng nói là trước đó, trong Quyết định số 4491/UBND-ĐT của UBND thành phố Hà Nội do Chánh văn phòng Phạm Quý Tiên ký đã đồng ý cho Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống triển khai tuyến ống truyền dẫn nước sạch DN800 trên đường 70 đoạn từ Quốc lộ 1A đến Cầu Bươu-Hà Đông. Điều đáng nói là khu vực này trong Quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt là do Nhà máy nước sông Đà Cấp nước?

Ai cho phép nước sông Đuống ‘lấn làn’ phá vỡ Quy hoạch của Chính phủ về vùng cấp nước sạch? - Ảnh 6
Dù lấn làn phá vỡ quy hoạch của Chính phủ nhưng Nhà máy nước mặt sông Đuống cùng Shark Liên đang nhận được rất nhiều sự "ưu ái lạ" từ phía UBND thành phố Hà Nội .

Cụ thể theo Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ghi rõ, phạm vi cấp nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống gồm: Khu vực đô thị trung tâm phía Đông Bắc Hà Nội (quận Long Biên, huyện Gia Lâm, một phần huyện Đông Anh), khu vực Nam Hà Nội (một phần quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai); đô thị vệ tinh Phú Xuyên và nông thôn liền kề.

Trong Quyết định số 2055/QĐ-TTg được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký về việc Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ghi rõ: Đồ án điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đảm bảo kế thừa Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Như vậy có thể thấy, vùng quy hoạch cấp nước tại Thủ đô Hà Nội đã được Chính phủ quy hoạch rất rõ nhưng Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống không hiểu nhờ ai mà vẫn vô tư làm trái không chỉ một lần…

Về vấn đề giá nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết thành phố sẽ thuê công ty tư vấn độc lập để tính giá thành sản xuất nước sạch. "Sau khi có kết quả tính giá thành thì UBND TP sẽ xem xét và quyết định".

Việc Công ty Nước mặt Sông Đuống đưa ra giá nước tạm tính là để làm thủ tục với ngân hàng, theo lý giải của ông Hoàng Trung Hải, nếu như các dự án điện thì hồ sơ vay vốn ngân hàng thường làm chặt chẽ ngay từ đầu với giá thành, giá bán, còn dự án sông Đuống không nhỏ nhưng không quá lớn nên có thể doanh nghiệp mới đưa ra mức giá tạm tính để làm thủ tục vay vốn.

Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết TP Hà Nội đang tính toán, có lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm, tiến tới bỏ. Về lý do, ông Hoàng Trung Hải cho rằng đến từ các thách thức ô nhiễm môi trường, sụt lún.

Ông Hoàng Trung Hải dẫn chứng Đồng bằng Sông Cửu Long riêng việc lấy nước ngầm để sản xuất nông nghiệp đã gây lún khoảng 0,4 cm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết TP Hà Nội đã tính toán đến vấn đề sụt lún, nhưng chưa ảnh hưởng do nền đất cứng hơn khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. "Nhưng không được chủ quan, bởi như Thái Lan cũng đã bị sụt lún. Chúng ta đi trên đường phố Thái Lan, có thể thấy một số vị trí đã sụt lún" - ông Hoàng Trung Hải nói.

Hiện Hà Nội vẫn còn 50% nước ngầm, ông Hoàng Trung Hải cho biết lộ trình sẽ đẩy tỉ lệ sử dụng nước mặt lên bao nhiêu thì giảm nước ngầm đi bấy nhiêu, để tương ứng.

Nhóm PV

Bạn đang đọc bài viết Ai cho phép nước sông Đuống ‘lấn làn’ phá vỡ Quy hoạch của Chính phủ về vùng cấp nước sạch?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới