Chủ nhật, 24/11/2024 10:23 (GMT+7)
Thứ năm, 23/05/2019 12:32 (GMT+7)

Ăn gì để không thiếu vitamin A?

Theo dõi KTMT trên

Vitamin A là một vi chất có vai trò đặc biệt quan trọng đối với con người. Thiếu vitamin A, cơ thể có nguy cơ gặp phải nhiều bệnh nguy hiểm.

Vitamin A là loại vitamin tan trong dầu mỡ, có tác dụng tăng cường miễn dịch, làm tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, tham gia vào chức năng phát triển và biệt hóa tế bào. Đặc biệt, vitamin A có vai trò rất quan trọng với sức khoẻ đôi mắt.

Vitamin A góp phần chống quáng gà do khô mắt, từ đó tránh tình trạng khô kết mạc, loét giác mạc là một trong những nguyên nhân có thể gây mù lòa. Nhu cầu vitamin A cần được đảm bảo đầy đủ, tuy nhiên, thiếu hoặc thừa vitamin A đều gây ra những tác hại khôn lường.

Ăn gì để không thiếu vitamin A? - Ảnh 1
Các loại thực phẩm giàu vitamin A - Ảnh minh họa

Hậu quả của thiếu vitamin A

Gây bệnh khô mắt, trong đó có vệt bitot; khô giác mạc; nhuyễn giác mạc dẫn đến sẹo giác mạc gây mù vĩnh viễn. Làm thoái hóa, sừng hóa các tế bào biểu mô giảm chức năng bảo vệ cơ thể. Làm giảm khả năng đề kháng với bệnh tật, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Làm trẻ chậm lớn, nếu thiếu vitamin A sớm có thể còn ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ của trẻ khi đến tuổi đi học.

Hệ lụy khi bị thừa vitamin A

Thừa vitamin A cũng gây ngộ độc nên không thể sử dụng tùy tiện. Vitamin A tan trong chất béo và có thể được tích lũy trong cơ thể. Tiêu thụ một lượng lớn vitamin A kéo dài sẽ dẫn đến các triệu chứng ngộ độc gan, đau khớp, đau đầu, biến đổi xương, nôn, da khô dễ bong vẩy hay gây thóp phồng ở trẻ em.

Tuy nhiên, các biểu hiện này ít xảy ra do tiêu thụ vitamin A và betacaroten (tiền vitamin A) từ khẩu phần, trừ khi dùng quá nhiều betacaroten với thời gian dài sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa betacaroten trong cơ thể và làm vàng da. Tuy nhiên, hiện tượng được gọi là xantoza này sẽ mất đi khi ngừng sử dụng thực phẩm giàu chất này.

Chương trình phòng chống thiếu vitamin A cho trẻ em mỗi 6 tháng một lần đều sử dụng các viên vitamin A hàm lượng cao từ 100.000IU đến 200.000IU (tương đương 30.000 đến 60.000mcg) tùy theo tuổi của trẻ. Các cháu phải được uống tại cơ sở y tế.

Theo khuyến nghị mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ nữ thời kỳ mang thai không nên sử dụng vitamin A vượt quá 3.000mcg hàng ngày (tương đương 10.000 đơn vị quốc tế - IU) hoặc không nên vượt quá 7.500mcg (25.000IU) hàng tuần, vì sử dụng thừa vitamin có thể gây quái thai.

Khuyết tật trẻ sơ sinh hay gặp do mẹ sử dụng quá mức vitamin A gồm các dị dạng ở mặt và đầu như sứt môi - hở hàm ếch, bệnh ở hệ tim mạch, bộ phận sinh dục, thần kinh trung ương, hệ xương và cơ. Một liều đơn khoảng 150.000mcg (500.000IU) vitamin A có thể gây độc cho phụ nữ có thai. Do đó, phụ nữ có thai phải sử dụng đúng liều lượng vitamin A.

Đối với bà mẹ mới sinh con và đang cho con bú cho đến 2 tháng sau đẻ hoặc với bà mẹ không cho con bú đến 6 tuần có thể được uống một viên liều cao vitamin A là 200.000 IU (tương đương 60.000mcg).

Ăn gì để không thiếu vitamin A? - Ảnh 2
Rau ngót là thực phẩm chứa nguồn tiền vitamin A betacaroten lớn

Nguồn vitamin A có được từ đâu?

Từ các loại thực phẩm giàu vitamin A: Đây là nguồn vitamin A và betacaroten an toàn nhất. Có nhiều ở cả hai nhóm thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật.

Thực phẩm nguồn gốc động vật có nhiều vitamin A hay retinol tốt nhất, hầu hết ở dạng retinil ester. Gan là nơi dự trữ vitamin A nên gan có thành phần retinol cao nhất, như gan gà có 6960mcg/100g; gan lợn có 6000mcg/100g. Ngoài ra, lươn có 1800mcg/100g và các chất béo từ thịt các loại cũng chứa một lượng vitamin A đáng kể .

Nguồn tiền vitamin A carotenoid thường là từ một số sản phẩm động vật như: sữa, kem, bơ và trứng (trứng vịt lộn có 875mcg/100g, trứng gà có 700mcg/100g, bơ có 600mcg/100g….)

Nguồn tiền vitamin A betacaroten có nhiều trong các loại củ màu vàng/đỏ, các loại rau màu xanh thẫm, dầu cọ và các loại dầu ăn khác như gấc có 52.520mcg/100g; cà rốt có 5.040mcg/100g; rau ngót có 6.650mcg/100g; ớt vàng to có 5.790mcg/100g; rau dền cơm có 5.300mcg/100g; dưa hấu có 4.200mcg/100g; rau dền đỏ có 4.080mcg/100g… Theo các nghiên cứu gần đây, khi vào cơ thể tiền vitamin A sẽ được chuyển thành vitamin A (theo tỷ lệ 12:1 đối với hoa quả chín và 22-24:1 đối với rau xanh).

Ba ảnh hưởng đáng chú ý nhất khi dùng vitamin A quá liều là giảm mật độ khoáng trong xương, dị dạng thai nhi và làm rối loạn chức năng gan. Để tránh gặp phải những hệ luỵ này, chúng ta nên sử dụng vitamin A có trong tự nhiên thay vì sử dụng các nguồn nhân tạo.

BS Phạm Thị Thục (Báo SK&ĐS)

Bạn đang đọc bài viết Ăn gì để không thiếu vitamin A?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới