Thứ năm, 28/11/2024 04:18 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/07/2021 06:36 (GMT+7)

An Gia Group: Nghịch lý khi bất động sản không phải là nguồn thu chính (Kỳ 2)

Theo dõi KTMT trên

Quy mô tài sản, vốn của An Gia Group tăng nhanh chóng. Song, các chỉ số tài chính lại cho thấy nhiều điều đáng lo ngại. Hoạt động tài chính dần trở thành nguồn thu chủ chốt dù AGG là nhà phát triển bất động sản nhiều tham vọng.

Tăng vốn “thần tốc”, lợi nhuận thấp hơn lãi suất của ngân hàng

Theo dữ liệu mà Phóng viên Tạp chính Kinh tế Môi trường có được, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (An Gia Group, mã chứng khoán: AGG) được thành lập ngày 18/1/2012, có trụ sở chính tại số 30 đường Nguyễn Thị Diệu, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM. Cổ phiếu AGG của doanh nghiệp này được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM ngày 17/12/2019. Công ty chủ yếu hoạt động kinh doanh bất động sản; Môi giới bất động sản; Dịch vụ quản lý bất động sản; sàn giao dịch bất động sản…

Được biết, trước thời điểm niêm yết trên sàn chứng khoán, AGG đã kịp lớn nhanh một cách thần tốc bằng việc tăng vốn chủ sở hữu từ 839 tỉ đồng lên 1.453 tỉ đồng, mức tăng gần gấp đôi.

An Gia Group: Nghịch lý khi bất động sản không phải là nguồn thu chính (Kỳ 2) - Ảnh 1

Tuy nhiên, mức tăng đó vẫn chưa quá bất ngờ nếu nhìn nhận từ việc trước khi AGG được chấp thuận niêm yết. Năm 2016, An Gia Group chỉ có hơn 40 tỉ đồng vốn chủ sở hữu, chỉ sau 3 năm, tại thời điểm niêm yết con số này tăng lên 1.453 tỉ đồng, tăng gần 3.476%.

Được biết, hết năm 2020, vốn chủ sở hữu của AGG tiếp tục tăng lên thành 2.321 tỉ đồng, tăng gần 60% so với năm 2019. Hết quý I/2021, vốn chủ sở hữu của AGG có giảm song vẫn ở mức 2.277 tỉ đồng. Trong khi lợi nhuận trung bình của AGG giai đoạn này chỉ ở mức 23%.

Đi sâu vào nhìn nhận các chỉ số, một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, đồng thời là chuyên gia phân tích chứng khoán lâu năm (đề nghị không nêu tên – PV) cho rằng, các nhà đầu tư đang chạy theo mô tả về doanh thu lợi nhuận mà chưa hề đánh giá hết các rủi ro, các chỉ số như tỉ suất thanh toán nhanh, ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản), ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu), ROIC (lợi nhuận trên vốn đầu tư)… cho thấy hiệu quả từ dòng vốn nhà đầu tư đem lại gần đây rất thấp.

Bên cạnh đó, trong năm 2020, doanh nghiệp này cũng phát hành cổ phiếu huy động vốn. Cụ thể, tài liệu họp Hội đồng cổ đông năm 2021 cho biết, năm 2020, An Gia Group đã phát hành 3 lần trái phiếu thu về 780 tỉ đồng, trong đó có 180 trái phiếu loại kỳ hạn 24 tháng và 6.000 trái phiếu kỳ hạn 35 tháng, lãi suất 11%/năm.

Liên quan đến An Gia Group, trong quý II/2021, Công ty CP Tư vấn Gia Ân đã phát hành huy động thành công 650 tỉ trái phiếu dùng để tăng quy mô hoạt động và/hoặc thực hiện hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Western City – chủ đầu tư dự án West Gate (thời điểm 31/12/2020, Công ty TNHH Western City là công ty con gián tiếp của An Gia, AGG nắm 50% cổ phần doanh nghiệp này).

Năm 2021, An Gia Group dự kiến sẽ phát hành tối đa khoảng 8 triệu cổ phần (10% lượng cổ phiếu đang lưu hành) tương đương giá trị trên 82 tỉ đồng để trả cổ tức cho năm 2020. Đồng thời, công ty cũng trình kế hoạch phát hành thêm tối đa khoảng 82 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu tương đương với số tiền 827 tỉ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của AGG sẽ nâng từ gần 828 tỉ đồng lên gần 1.738 tỉ đồng.

Thông qua hàng loạt động thái phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, cho thấy An Gia Group đang huy động vốn từ các cổ đông để phục vụ mục đích kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người băn khoăn là: Liệu quyết định đầu tư này của các cổ đông có tiềm ẩn rủi ro khi các dự án được thực hiện qua loạt Công ty con “sân sau” của AGG và tình hình tài chính của doanh nghiệp ngày càng đi xuống?

Hoạt động tài chính vượt doanh thu từ bất động sản

Như đã thông tin, Cổ phiếu AGG của An Gia Group được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM ngày 17/12/2019. Từ đó đến nay, doanh nghiệp liên tục giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế.

Đáng chú ý, hoạt động tài chính gần đây đem lại cho AGG nguồn doanh thu, lợi nhuận lớn, thậm chí vượt hoạt động kinh doanh cốt lõi. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 cho thấy, doanh thu thuần từ hoạt động tài chính đạt 381 tỉ đồng, cao hơn mức 272 tỉ đồng lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ.

An Gia Group: Nghịch lý khi bất động sản không phải là nguồn thu chính (Kỳ 2) - Ảnh 2
Năm 2021, doanh thu thuần của An Gia Group từ hoạt động tài chính vượt lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ. 

Tại báo cáo giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế, An Gia Group cho biết, lợi nhuận sau thuế của Công ty trên BCTC hợp nhất quý IV/2019 tăng gần 275 tỉ đồng chủ yếu đến từ ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính, từ việc mua nhóm Công ty con AGI&HSR, là chủ sở hữu của nhóm Dự án River Panorama, Sky89, quận 7, TP.HCM và hoạt động doanh thu cung cấp dịch vụ tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý II/2020, lợi nhuận sau thuế của công ty trên BCTC hợp nhất tăng gần 114 tỉ đồng tương đương 152,3%, chủ yếu đến từ ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính từ việc mua nhóm Công ty con Hoàng Ân, là chủ sở hữu Dự án The Sóng.

Đến quý III/2020, lợi nhuận sau thuế của Công ty trên BCTC hợp nhất tăng gần 6 tỉ đồng, tương đương tăng 310% so với quý III/2019 và lợi nhuận sau thuế của Công ty trên BCTC riêng quý III/2020 tăng hơn 9 tỉ đồng, tương đương 262% với với cùng kỳ năm trước chủ yếu đến từ ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính từ việc chuyển nhượng dự án Phan Thiết thông qua chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP Quản lý và Đầu tư Sơn Lâm.

Tại quý IV/2020, tổng lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ trên BCTC hợp nhất đã tăng trên 88 tỉ đồng, tương đương tăng 27% do tăng từ nguồn thu bán căn hộ và doanh thu tài chính.

An Gia Group: Nghịch lý khi bất động sản không phải là nguồn thu chính (Kỳ 2) - Ảnh 3
Phối cảnh dự án Sky 89 của An Gia Group. 

Đến quý I/2021, bên thềm Đại hội cổ đông, An Gia Group ghi nhận kết quả rất ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh, song mức lợi nhuận vẫn khá khiêm tốn. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty trên BCTC riêng lẻ tăng 1 tỉ đồng tương đương 124,3% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ doanh thu từ hoạt động tài chính tăng.

Lợi nhuận sau thuế của Công ty trên BCTC hợp nhất quý I/2021 tăng gần 5 tỉ đồng tương đương 635,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ ghi nhận doanh thu hoạt động bàn giao Dự án River Panorama, quận 7, TP.HCM và doanh thu hoạt động tài chính tăng.

Ngày 25/5/2021, An Gia Group công bố Nghị quyết HĐQT thông qua việc cấp khoản vay có giá trị tối đa là 300 tỉ đồng cho Công ty CP An Gia Phú Thịnh, phục vụ mục đích xây dựng triển khai dự án tại phường Phú Nhuận, quận 7, TP.HCM.

Tính đến 31/3/2021, An Gia Phú Thịnh là Công ty con, chuyên kinh doanh bất động sản, do An Gia Group nắm 50,09% tỉ lệ sở hữu. 

Chậm giải trình thông tin chênh lệch kết quả kinh doanh sau kiểm toán

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM có Văn bản số 682/SGDHCM-NY, nhắc nhở Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia chậm giải trình thông tin chênh lệch kết quả kinh doanh.

Theo đó, ngày 9/3/2021, Sở này đã nhận và công bố ra thị trường Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất và riêng lẻ năm 2020 của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã chứng khoán: AGG) được kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi xem xét BCTC kiểm toán năm 2020 của Công ty, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM nhận thấy lợi nhuận sau thuế (LNST) tại Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của kỳ công bố so với báo cáo cùng kỳ năm trước chênh lệch trên 10%.

Cụ thể, tại BCTC kiểm toán hợp nhất, LNST năm 2020 tăng 33,47% LNST năm 2019; tại BCTC kiểm toán riêng, LNST năm 2020 giảm 83,59%.

Đến hết ngày 27/5/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vẫn chưa nhận được công văn giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh năm 2020 so với năm 2019. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 40 Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020, Công ty đã chậm công bố thông tin về việc giải trình nguyên nhân chênh lệch kết quả kinh doanh năm 2020 so với năm 2019.

Do vậy, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM nhắc nhở Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia nghiêm túc thực hiện công bố thông tin theo quy định để đảm bảo quyền lợi của cổ đông và đề nghị Công ty nhanh chóng bổ sung công văn giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh năm 2020 so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam không những là đơn vị kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2020 mà còn là đơn vị được chọn kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia.

Theo ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty CP Chứng khoán Tân Việt-TVSI, thời gian qua thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhờ các nhóm dẫn dắt là ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.

Đặc biệt, tại các mã cổ phiếu có vốn hóa nhỏ hơn trong các nhóm này có mức tăng “nóng”, chứng tỏ dòng tiền hiện tại vẫn đang duy trì tại các nhóm cổ phiếu này. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đối với những cổ phiếu tăng giá mạnh nhưng có nền tảng cơ bản yếu có thể xảy ra các nhịp điều chỉnh.

Nhiều dự án của An Gia Group dính lùm xùm về môi trường

Cụ thể, dự án The Sóng của An Gia Group tại phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua bị người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình thi công. Ngoài ra, tiếng ồn trong quá trình xây dựng dự án The Sóng diễn ra cả ngày lẫn đêm khiến người dân sống cạnh không lúc nào được nghỉ ngơi.

Bên cạnh đó, dự án The Sóng có che chắn khi thi công nhưng không đảm bảo quy định, phát sinh bụi xây dựng, bụi xi măng, bay khắp nhà cửa, không gian sống xung quanh, dính vào đồ ăn thức uống. Nhất là vữa và nước xi măng từ dự án rơi xuống mái nhà dân như “mưa rào”.

Cơ quan chức năng phường Thắng Tam có tới kiểm tra và đề nghị đơn vị thi công áp dụng triệt để các biện pháp nhằm hạn chế tối đa việc phát sinh tiếng ồn, bụi, cát, vữa, xi măng. 

Hiện vấn đề môi trường tại dự án The Sóng được người dân sống quanh khu vực gửi tới Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05, Bộ Công an) đề nghị xử lý.

Còn tại dự án West Gate (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đang bị nghi ngờ huy động vốn trái phép, Sở Xây dựng TP.HCM chỉ cho phép chủ đầu tư huy động vốn theo hình thức “hợp tác kinh doanh”. Nghĩa là bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh tại dự án West Gate chỉ được phân chia lợi nhuận bằng tiền hoặc cổ phiếu, trên cơ sở tỉ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, trên nhiều trang thông tin điện tử đang xuất hiện các thông tin quảng cáo rao bán căn hộ tại Dự án West Gate dưới dạng ký thỏa thuận góp vốn để đặt cọc, giữ chỗ căn hộ. 

Liên quan tới những vấn đề tại dự án West Gate, The Sóng, ngày 14/6/2021, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã liên hệ với bộ phận truyền thông của An Gia Group và gửi nội dung làm việc qua hòm thư điện tử để nhận được phản hồi, có cơ sở đưa thông tin phía An Gia Group để đảm bảo tính khách quan. 

Tuy nhiên, đã 1 tháng trôi qua, Phóng viên nhiều lần liên lạc đề nghị phía An Gia Group thông tin, trả lời nội dung làm việc đã gửi trước đó, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía doanh nghiệp.

Kỳ cuối: An Gia Group - Bài học từ Thuduc House, Quốc Cường Gia Lai

Thanh Anh

Bạn đang đọc bài viết An Gia Group: Nghịch lý khi bất động sản không phải là nguồn thu chính (Kỳ 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới