Thứ năm, 28/11/2024 02:24 (GMT+7)
Thứ bảy, 01/07/2023 14:10 (GMT+7)

An Giang: Loại bỏ công nghệ sản xuất vật liệu lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường

Theo dõi KTMT trên

Tỉnh An Giang đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển các loại vật liệu xây dựng thay thế, vật liệu thân thiện với môi trường.

Mới đây, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch số 497/KH-UBND thực hiện Kế hoạch số 89-KH/TU ngày 15/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh An Giang.

Mục tiêu chung của kế hoạch là tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh được quản lý, kiểm soát chặt chẽ; được khai thác tiết kiệm, hiệu quả gắn với phát triển kinh tế và bảo vệ cảnh quan, môi trường tại các khu vực khai thác khoáng sản. Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động khoáng sản.

An Giang: Loại bỏ công nghệ sản xuất vật liệu lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Cụ thể, đến năm 2025, hoàn chỉnh phương án bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên tích hợp vào Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên địa chất, khoáng sản trên địa bàn tỉnh; thống kê, kiểm kê đánh giá nguồn lực tài nguyên khoáng sản; đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng phục vụ cho các công trình trọng điểm của tỉnh, các công trình cao tốc trọng điểm đi qua địa bàn tỉnh.

Đến năm 2030, từng bước hiện đại hóa công nghệ khai thác chế biến khoáng sản, nhất là đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh; chuyển đổi công nghệ, thiết bị đối với các cơ sở khai thác chế biến nhỏ lẻ không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Thống kê, kiểm kê đánh giá nguồn lực tài nguyên khoáng sản; tiếp tục thăm dò đối với các khoáng sản đã điều tra đánh giá ở thời kỳ trước, đồng thời thăm dò các điểm khoáng có triển vọng, các điểm mỏ mới phát hiện.

Tầm nhìn đến năm 2045, đánh giá, phát huy tối đa hiệu quả từ các loại khoáng sản tiềm năng trên địa bàn đóng góp vào nền kinh tế của Tỉnh; Loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển các loại vật liệu xây dựng thay thế, vật liệu thân thiện với môi trường.

Theo Kế hoạch trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức phù hợp, nội dung thiết thực thể hiện rõ về quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kế hoạch số 89-KH/TU và các chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trong toàn hệ thống chính trị và Nhân dân, nhằm tạo sự đồng thuận về nhận thức, giá trị và lợi ích của việc khai thác tài nguyên khoáng sản để phục vụ cho việc phát triển nguồn lực của địa phương.

Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; thống nhất và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.

Rà soát các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực đấu giá, khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với quy định của pháp luật về khoáng sản và tình hình thực tế của địa phương. Rà soát, yêu cầu các tổ chức khai thác khoáng sản phải thực hiện trách nhiệm an sinh xã hội; quá trình khai thác khoáng sản gây sạt lở (nếu có) phải có trách nhiệm thỏa đáng với địa phương và người dân nơi có hoạt động khoáng sản.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; thực hiện cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo Phương án bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên được phê duyệt. Ưu tiên cấp phép khai thác khoáng sản nhất là các mỏ cát sông theo đúng quy định để chủ động trong cung cấp nguồn cát cho các công trình trọng điểm của tỉnh như cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, các công trình trọng điểm khác của tỉnh và các công trình đường cao tốc trọng điểm theo chỉ đạo của Trung ương như dự án Cần Thơ – Hậu Giang, Hậu Giang – Cà Mau…

Ngoài ra, ngành chức năng có trách nhiệm tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản; xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng khoáng sản và các hoạt động liên quan đến địa chất, khoáng sản. Kiên quyết thu hồi giấy phép khai thác, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là lợi dụng để đầu cơ, tích trữ, nâng giá, thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và Nhân dân.

Tăng cường nguồn lực thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều tra cơ bản tài nguyên địa chất, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.

T. T

Bạn đang đọc bài viết An Giang: Loại bỏ công nghệ sản xuất vật liệu lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới