Chủ nhật, 24/11/2024 03:42 (GMT+7)
Thứ bảy, 24/12/2022 15:45 (GMT+7)

Áp dụng công nghệ số quản lý tài nguyên đất ở ĐBSCL

Theo dõi KTMT trên

Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất là yếu tố sống còn đối với ĐBSCL nên được các các địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp gấp rút triển khai, đặc biệt áp dụng công nghệ số để sử dụng đất đai hiệu quả.

Nhiều năm trở lại đây, việc quản lý nguồn tài nguyên nước; quá trình thâm canh, tăng vụ sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tại ĐBSCL đã tác động trực tiếp đến chất lượng đất và cây trồng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu gây khô hạn và xâm nhập mặn làm độ phì của đất suy giảm; độc chất tích tụ của phèn, mặn trong đất gia tăng.

Theo TS Lê Công Nhất Phương, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, ước tính có gần một nửa dân số thế giới hiện nay có đủ lương thực là nhờ vào việc sử dụng phân bón trong canh tác. Không có phân bón, dưỡng chất trong đất dần cạn kiệt, năng suất giảm và đất bị suy thoái. Phân bón giúp cây trồng có năng suất cao hơn đã bù đắp cho sản lượng lương thực bị mất đi giảm diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu sử dụng phân bón không đúng, dù là phân hữu cơ hay vô cơ đều gây ra những tác động tiêu cực cho đất như chua hóa, ô nhiễm nguồn nước, tăng phát thải khí nhà kính.

Trong khi đó, khâu quản lý tài nguyên đất tại ĐBSCL còn nhiều bất cập ngay từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nhiều địa phương, quy hoạch, kế hoạch sử dụng cấp xã, cấp huyện còn chậm; kế hoạch sử dụng đất hằng năm thiếu đồng bộ, chưa sát với kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt...

Chính vì vậy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu cùng nhiều yếu tố tác động khác, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất vùng ĐBSCL cần phải có những thay đổi, điều chỉnh kịp thời cả trong tư duy, định hướng quy hoạch lẫn quy trình nghiệp vụ trong thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Áp dụng công nghệ số quản lý tài nguyên đất ở ĐBSCL - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới nguồn tài nguyên đất tại vùng ĐBSCL.

Đồng thời, có các giải pháp công trình và phi công trình thích hợp; phát triển và nhân rộng mô hình canh tác nông nghiệp tiết kiệm nước, sử dụng nước liên hoàn từ nước nuôi trồng thủy sản cho hoạt động sản xuất nông nghiệp… để phục vụ cho sử dụng đất đai một cách hiệu quả hơn.

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, những biện pháp canh tác nhằm cải thiện chất lượng đất từ việc ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới giúp nâng cao hiệu quả sử dụng dinh dưỡng cho cây trồng, tăng độ phì của đất đang được nhiều người quan tâm. Chính vì vậy, các nhà khoa học đã cho ra nhiều công trình nghiên cứu, khảo nghiệm về biện pháp cải thiện đất và chế phẩm phân bón trên nhiều điều kiện môi trường đất khác nhau ở ĐBSCL và đạt được một số thành tựu nhất định.

“Trong đó, có thể kể đến công trình nghiên cứu về tiến trình hóa học đất trên hệ thống canh tác lúa - tôm đất phèn nhiễm mặn ĐBSCL; hiệu quả của phân hữu cơ từ rác thải sinh học đến sinh trưởng, năng suất của xà lách (Lactuca sativa) và đặc tính đất ở điều kiện nhà lưới; hiệu quả của chế phẩm vi sinh NPISI và chế phẩm sinh học đến sinh trưởng, năng suất hành lá (Allium fistulosum L.) và một số đặc tính đất ở điều kiện nhà lưới…” – ông Trung cho biết.

Về phía doanh nghiệp, TS Lê Công Nhất Phương cho biết, công ty đã nghiên cứu và cho ra những sản phẩm phân bón mới giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; đồng thời nghiên cứu những giải pháp dinh dưỡng để giúp nông dân sử dụng đúng và bảo vệ nguồn tài nguyên đất. Trong đó, có thể kể đến như nghiên cứu đất làm cơ sở cho sản xuất và khuyến cáo phân bón; nghiên cứu bổ sung vi sinh vật vào phân vô cơ; nghiên cứu phân bón phóng thích có kiểm soát...

Về vấn đề này, PGS.TS Võ Quang Minh, Bộ môn Tài nguyên đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số trong khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên đất đai cần ưu tiên lựa chọn công đoạn, phần việc cốt lõi để tạo hiệu ứng lan tỏa, mang tính dây chuyền.

Bên cạnh đó, cần có chiến lược đầu tư lâu dài trong đào tạo nguồn nhân lực về các lĩnh vực có liên quan (IT, IoT, GIS...); tăng cường liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp để hình thành mô hình đại học mới - đại học doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Ngoài ra, vạch rõ lộ trình chuyển đổi số trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất, có như vậy mới hình thành được năng lực số, gồm nhân lực số, xây dựng thói quen, hình thành văn hóa đổi mới với mô hình hoạt động mới và thực hiện chuyển đổi số trên thực tiễn một cách hiệu quả.

Tổng diện tích của ĐBSCL khoảng 3,96 triệu ha, trong đó khoảng 2,6 triệu ha được sử dụng để phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản chiến 65%.

Trong quỹ đất nông nghiệp, đất trồng cây hằng năm chiếm trên 50%, trong đó chủ yếu đất trồng lúa chiếm trên 90%. Đất chuyên canh các loại cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày khoảng 150.000 ha, đất trồng cây lâu năm chiếm trên 320.000 ha, khoảng 8,2% diện tích tự nhiên.

Thanh Vũ

Bạn đang đọc bài viết Áp dụng công nghệ số quản lý tài nguyên đất ở ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới