Bà Rịa - Vũng Tàu: Sử dụng cát nhiễm mặn trong dự án giao thông phải tuân thủ quy định về môi trường
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương khi sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu đắp nền đường trong các dự án giao thông phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về môi trường.
Theo đó, để thực hiện văn bản số 7311/BGTVT-CQLXD ngày 09/7/2024 của Bộ Giao thông vận tải về việc sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu đắp nền đường và ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường tại văn bản số 6712/STNMT-BNKS ngày 02 /08/2024 về việc báo cáo sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu đắp nền đường, UBND tỉnh đã có kế hoạch chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong trường hợp sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu đắp nền đường.
Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương khi sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu đắp nền đường trong các dự án giao thông phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về môi trường. Đơn vị cần căn cứ vào các tiêu chuẩn và quy chuẩn về độ nhiễm mặn trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công. Được biết, các tiêu chuẩn như TCVN 13656:2023 về nước nuôi trồng thủy sản - Chất lượng nước nuôi thâm canh tôm sú, tôm thẻ chân trắng; TCVN 13952:2024 Nước nuôi trồng thủy sản - Nước ngọt - Yêu cầu chất lượng và TCCS 01:2024/LN Cây trồng nông nghiệp - Ngưỡng chịu mặn của một số cây trồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố sẽ là cơ sở quan trọng để đơn vị áp dụng khi triển khai sử dụng cát nhiễm mặn trong các công trình giao thông.
Chỉ đạo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu rõ cát nhiễm mặn phải đáp ứng các tiêu chuẩn vật liệu quy định trong TCVN 9436:2012 để có thể được sử dụng cho dự án tại những khu vực đã bị nhiễm mặn. Cụ thể, cát này sẽ được áp dụng cho nền đường ở khu vực hạ âm, nơi nền đắp có độ chặt K≤95 và nằm dưới khu vực chịu tác động của hoạt tải.
Đối với những khu vực có điều kiện môi trường khác, các chủ đầu tư cần dựa trên điều kiện canh tác, sản xuất tại khu vực dự kiến thi công cùng với các quy định hiện hành về môi trường, Tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Trước khi sử dụng, cát nhiễm mặn tại mỏ dự kiến khai thác cần được thí nghiệm để đánh giá mức độ nhiễm mặn. Nếu cần thiết, cát phải được xử lý để giảm độ mặn thông qua các biện pháp như hút thổi, sang mạn cát từ tàu hút cát sang xà lan vận chuyển, bơm lên bãi tập kết và các giải pháp khác. Sau khi xử lý, độ mặn sẽ là cơ sở để xác định phạm vi sử dụng và lập phương án kỹ thuật trước khi triển khai thi công.
Trong quá trình triển khai dự án sử dụng cát nhiễm mặn, các chủ đầu tư cần thực hiện một loạt biện pháp quan trọng để đảm bảo chất lượng và an toàn công trình. Trước tiên, cần tổ chức khảo sát, xác định phạm vi thi công sử dụng cát nhiễm mặn và phê duyệt đề cương quan trắc môi trường, đồng thời lựa chọn đơn vị tư vấn đủ năng lực để thực hiện. Chủ đầu tư phải phê duyệt các chỉ dẫn kỹ thuật thi công - nghiệm thu, tiến hành xác định dự toán, khảo sát định mức chi tiết. Tiếp theo, trong suốt quá trình thi công, công tác kiểm soát độ mặn của cát cần được thực hiện chặt chẽ. Đồng thời, hệ thống thoát nước phải được bố trí hợp lý để dẫn nước từ bãi tập kết và phạm vi thi công nền đường đến khu vực thích hợp. Cuối cùng, các chủ đầu tư phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu theo tiêu chuẩn hiện hành về thi công và nghiệm thu nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả của công trình.
Lê Tuấn