Chủ nhật, 24/11/2024 10:47 (GMT+7)
Thứ tư, 19/04/2023 07:05 (GMT+7)

Bà Rịa – Vũng Tàu: Kết nối bến chung giữa 2 cảng biển lớn

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho phép Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) và Cảng Tân Cảng Cái Mép - Thị Vải (TCTT) nghiên cứu phương án hợp tác hình thành bến chung.

Văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang ký nêu rõ, điều này nhằm thực hiện chủ trương khuyến khích nghiên cứu, áp dụng các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng cảng biển, để tận dụng, phát huy tối đa hiệu quả hạ tầng bến cảng đã đầu tư. Đồng thời, thúc đẩy việc thu hút các tàu biển trọng tải lớn, giảm thời gian chờ đợi tàu vào làm hàng tại khu vực Cái Mép.

Theo đó, 2 cảng CMIT và TCTT có trách nhiệm đảm bảo phương án hợp tác hình thành bến chung giữa hai cảng, đáp ứng các yêu cầu về độ bền, độ ổn định kết cấu công trình, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Kết nối bến chung giữa 2 cảng biển lớn - Ảnh 1
Bộ Giao thông Vận tải cho phép nghiên cứu phương án hợp tác hình thành bến chung giữa Cảng TCTT và Cảng CMIT.

Ngoài ra, cần có phương án bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu thuyền hành trình cập rời cầu cảng đảm bảo thuận lợi, an toàn và không làm ảnh hưởng tới hoạt động, hành lang an toàn của các công trình, khu nước, vùng nước hàng hải khác trong khu vực.

Đánh giá cao về việc hai cảng biển kết nối bến chung, ông Trần Khánh Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho rằng, điều này sẽ khắc phục được vấn đề manh mún của cảng biển, tận dụng năng lực nhàn rỗi của hai cảng. Theo phân tích, hai cảng đều có năng lực nhàn rỗi nhưng không đủ để đón thêm một tàu.

“Nếu có thêm bến chung, công năng sử dụng của bến chung sẽ nhỏ hơn so với bến chính thức của hai cảng nhưng sẽ giải quyết được tình huống dư thừa chiều dài cầu bến. Trường hợp hai cảng đều kín tàu, có thể sử dụng bến chung để đón thêm một sà lan hay một tàu phù hợp”, ông Hoàng đánh giá.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng CMIT cho biết, việc kết nối bến chung sẽ có chiều dài 1.200m và có thể đón được 3 tàu một lúc. Đồng thời, hai cảng có hạ tầng kết cấu tương đồng, cùng cao trình bến, tuyến bến, khổ đường ray, kích cỡ nên kết nối chung sẽ tăng được năng lực khai thác của cả hai. Hiện 2 doanh nghiệp đang nghiên cứu phương thức kết nối chung một cách bài bản, chắc chắn nhất theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận Tải.

Để gia tăng năng lực khai thác cảng biển, các chuyên gia cảng biển cho rằng cần hình thành một “liên minh bến cảng” tại Cái Mép – Thị Vải. Theo ông Lê Văn Thức, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, đặc điểm chung của các cảng trung chuyển có chiều dài cầu đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho hai "tàu mẹ" cùng vào làm hàng.

Do đó, Cái Mép – Thị Vải muốn hình thành cảng trung chuyển container quốc tế trước mắt cần tận dụng lợi thế của ba cảng liền kề là: SSIT, TCTT và CMIT (tổng chiều dài các cầu cảng đạt 1,8km); cao trình bến của cảng TCTT và CMIT là như nhau; phần lớn cẩu bờ của các cảng này có kích cỡ và tầm với gần tương đương nhau). Về lâu dài cần nghiên cứu, quy hoạch, đầu tư kết nối hệ thống cầu của các bến cảng: SSIT, TCTT, CMIT và cảng container Gemalink đang đầu tư xây dựng.

Để làm được điều này, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam cần có cơ chế chính sách khuyến khích và làm “nhạc trưởng” để các cảng biển trong khu vực Cái Mép – Thị Vải có thể tạo thành “liên minh bến cảng” nhằm khai thác tối đa lợi thế trong việc đón tàu container cỡ lớn.  

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, khu vực Cái Mép – Thị Vải có 8 cảng container đang hoạt động với tổng chiều dài cầu cảng khoảng 5.200m. Tuy nhiên, việc quy hoạch cảng biển tồn tại hạn chế là trước đây, khi xây dựng cảng, các cảng container quốc tế khu vực Cái Mép – Thị Vải được thiết kế với cầu cảng dài khoảng 600m, phục vụ 2 tàu kích thước 280m vào cảng cùng một thời điểm. 

Trong khi đó, 5 năm trở lại đây các hãng tàu trên thế giới lại thường đưa các tàu cỡ lớn (có chiều dài từ 350m trở lên) vào cụm cảng Cái Mép – Thị Vải làm hàng để tiết giảm chi phí và không phải trung chuyển ở cảng thứ 3 nhằm rút ngắn hải trình. Do vậy, mỗi cầu cảng chỉ đáp ứng 1 tàu trọng tải lớn vào làm hàng. 

Việc mỗi doanh nghiệp cảng quản lý 1 bến cảng nhỏ không chỉ gây khó khăn cho việc cùng lúc đón nhiều tàu trọng tải lớn, mà còn gây lãng phí về công suất của cầu cảng, trang thiết bị nhàn rỗi của nhau, hàng hóa luân chuyển giữa các cảng cạnh nhau vẫn phải đi vòng qua các cổng khác nhau làm gia tăng thời gian, chi phí…

Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT), Công ty liên doanh giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam(VIMC), Cảng Sài Gòn và APM Terminals. Đây là một trong những cảng lớn nhất tại khu cảng nước sâu tại khu vực Cái Mép với chiều dài cầu cảng 600m, công suất hơn 1,1 triệu Teu, có khả năng đón các tàu container có trọng tải lớn đạt 160.000 DWT. Cảng đã được Bộ Giao thông Vận tải cho phép thử nghiệm tiếp nhận các tàu container trọng tải siêu lớn đến 214.000 tấn.

Cảng Tân Cảng Cái Mép-Thị Vải (TCTT) là cảng liền kề với CMIT và có điều kiện cầu bến tương đồng. TCTT nằm trong khu công nghiệp Cái Mép và nằm cách ngã 3 sông Thị Vải – Cái Mép 1km, cách phao số 0 Vũng Tàu 25,7km. Cảng có 2 bến với chiều dài cầu cảng 600m, với năng lực thiết kế thông qua hàng năm là 1,5 triệu Teu. Cảng cũng có khả năng đón tàu có trọng tải khoảng 160.000 DWT.

Yến Thanh

Bạn đang đọc bài viết Bà Rịa – Vũng Tàu: Kết nối bến chung giữa 2 cảng biển lớn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới