Bà Rịa – Vũng Tàu: Ngành nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ đạt hiệu quả cao
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời gian qua đã đạt được nhiều tín hiệu tích cực, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu của ngành Nông nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến cuối năm 2022 trên địa bàn toàn tỉnh đã có 497 cơ sở tham gia đầu tư trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ (công nghệ cao).
Theo đó, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 4.837 tỷ đồng/năm, chiếm 32,8% tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nông nghiệp. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp bình quân đạt 110 triệu đồng/ha, tăng 13,86 triệu đồng so năm 2015.
Nhiều cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đạt được hiệu quả kinh tế cao nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cao.
Đơn cử như mô hình của Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Minh Phú tại xã Lộc An (huyện Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu). Đây là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ cao 400-500 con/m2, quy mô 600 ao nuôi, với diện tích gần 52ha mặt nước nuôi. Thiết kế ao tròn nổi và ao đất lót bạt xung quanh, nuôi trong nhà lưới, nước tuần hoàn khép kín.
Công ty này đã được cấp chứng chỉ Chứng nhận về các thực hành tốt trong nuôi trồng thủy sản toàn cầu (BAP) và Chứng nhận của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC). Năm 2022, Công ty đạt doanh thu thuần 8.925 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 50% so với năm trước.
Tương tự, mô hình trồng bưởi ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 50 ha của Công ty Cổ phần Công nghệ cao Kim Long, ở thôn Tân Long, xã Kim Long (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là một trong những mô hình tiêu biểu, bước đầu thành công trên địa bàn huyện Châu Đức.
Mô hình được lắp đặt hệ thống tưới phun sương và bón phân hữu cơ thông qua hệ thống tưới hoàn toàn bằng điều khiển tự động. Việc áp dụng công nghệ tưới này đã giúp doanh nghiệp chủ động trong việc giữ độ ẩm, bón phân cho vườn cây, đặc biệt tiết kiệm được 80% công lao động cho việc tưới nước, bón phân. Mô hình cũng sử dụng Anten cảm biến để báo gió, độ ẩm của vườn - giúp điều chỉnh lịch tưới cho phù hợp. Nhờ vậy, cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt, cho hiệu quả năng suất ổn định.
Trong số 50 ha bưởi thì hiện 20 ha đang cho thu hoạch với sản lượng khoảng 300 tấn/năm. Giá bán trung bình từ 10-15 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp thu lợi nhuận 6 tỷ đồng/năm.
Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ cao Kim Long bà Cao Ngọc Diệp cho biết, khi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: sử dụng hệ thống tưới, bón phân hiện đại, phun thuốc bằng máy bay không người lái, đo cảm biến gió, độ ẩm của vườn…, đã giúp vườn cây được chăm sóc tốt hơn, giúp doanh nghiệp giảm được nhiều nhân công, giảm bớt phần nào chi phí cho vườn cây về lâu về dài.
Hay như dự án ứng dụng công nghệ sinh học xử lý chất thải rắn từ những phụ phẩm bỏ đi như cành, lá, vỏ các cây nhãn, xoài, chuối… để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh dạng lỏng và rắn của Hợp tác xã Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Ông Phan Thế Hoành, Giám đốc Hợp tác xã Nhân Tâm cho biết, dự án vừa bảo vệ môi trường, vừa đem lại lợi ích kinh tế cao cho Hợp tác xã. Theo tính toán của ông Hoành, chi phí sản xuất một kg phân bón vi sinh từ cành, lá cây… chỉ mất có 3.000 đồng, trong khi giá mua bên ngoài là 8.000 đồng/kg. Dự kiến, dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh của Hợp tác xã hàng năm là 2.000 tấn, Hợp tác xã sẽ thu được lợi nhuận 10 tỷ đồng/năm.
Về vấn đề này, ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất hiệu quả, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả cao của các lĩnh vực trong nền kinh tế tỉnh. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
“Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong dự án sẽ triển khai nhanh trong hai năm 2023 và 2024 để các hợp tác xã, doanh nghiệp kịp thời phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ đề án này, Sở cũng sẽ đề xuất xây dựng sản phẩm nông nghiệp chiến lược cho tỉnh và các địa phương”, ông Nhật cho biết thêm.
Yến Thanh