Chủ nhật, 24/11/2024 06:37 (GMT+7)
Thứ ba, 02/03/2021 09:23 (GMT+7)

Bắc Kạn nâng cao chất lượng rừng trồng

Theo dõi KTMT trên

Mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025, Bắc Kạn quyết tâm nâng cao chất lượng rừng trồng theo hướng đa dạng hóa, có chứng nhận bảo vệ rừng (FSC), rừng gỗ lớn, rừng trồng theo công nghệ châu Âu gắn với chế biến.

Bắc Kạn nâng cao chất lượng rừng trồng - Ảnh 1
Rừng trồng mỡ của người dân xã Bình Trung, huyện Chợ Ðồn.

Thay đổi rõ nét nhất trong phong trào trồng rừng ở Bắc Kạn trong giai đoạn qua là việc người dân đã “dám” trồng diện tích lớn và trồng rừng theo hướng nâng cao chất lượng bền vững. Nếu giai đoạn 2005 - 2015, phần lớn người dân chỉ trồng vài ba héc-ta với các loại cây chu kỳ ngắn như keo, mỡ thì đến nay điều này đã thay đổi.

Khu rừng của gia đình bà Nông Thị Viên, ở thôn Bản Còn, xã Thanh Thịnh (Chợ Mới) là một dải xanh ngút mắt. Ban đầu bà Viên chỉ trồng rừng để lấy gạo hỗ trợ. Tuy nhiên, nhận thấy hiệu quả kinh tế rất cao từ rừng, nhất là rừng trồng lâu năm, gia đình đã mua thêm nhiều đất rừng lân cận để trồng rừng. Từ chỗ chỉ có khoảng 4,5 ha keo, mỡ đăng ký trồng theo dự án, giờ gia đình bà đã có hơn 20 ha rừng keo, mỡ, các loại, trong đó một nửa diện tích bắt đầu cho khai thác. Sau tỉa thưa lần một, mỗi héc-ta rừng keo, mỡ của gia đình bà hiện có khoảng 800 cây. Chỉ cần để vài ba năm nữa, giá trung bình một triệu đồng/cây, thì gia đình bà có thể thu về hàng tỉ đồng sau khai thác.

Tại xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn, gia đình ông Hạ Sỹ Lường “lấy ngắn nuôi dài”, tích tụ đất đai để trồng rừng nên đến giờ đã có trong tay 300 ha rừng thông. Trong đó, có 4 ha được 20 năm tuổi, đến chu kỳ khai thác, còn lại cũng có độ tuổi từ 7 đến 16 năm.

Ðể nâng cao chất lượng rừng trồng, ưu tiên đầu tiên của Bắc Kạn là tập trung xã hội hóa hệ thống vườn ươm rộng khắp theo phương châm, ươm cây gần nhất với chân lô để thuận tiện, giảm chi phí vận chuyển cây giống, cung cấp cây giống bảo đảm chất lượng. Hầu hết các vườn ươm đều có cán bộ kỹ thuật, am hiểu kiến thức chứ không phải chỉ làm theo thói quen.

Công tác quản lý giống theo chuỗi hành trình từ khâu công nhận giống, nguồn gốc giống, vật liệu nhân giống đến cây con trồng rừng cơ bản được quản lý chặt chẽ. Từ năm 2016 - 2020, hệ thống vườn ươm cố định cung cấp cây giống các loại từ 9,5 đến 26,2 triệu cây/năm cho kế hoạch trồng rừng của tỉnh.

Bắc Kạn cũng chỉ đạo, lựa chọn trồng các loài cây phù hợp từng điều kiện lập địa, theo phương châm “đất nào cây đấy” với giống chất lượng cao, nhập khẩu, nuôi cấy mô. Cơ cấu loài cây trồng phù hợp với từng đối tượng rừng, như: rừng phòng hộ trồng hỗn giao cây tầng cao và cây tầng trung, trồng thuần loài đối với các loài cây mỡ, thông, lát, trám ghép…; rừng sản xuất, trồng tập trung cây mỡ, keo tai tượng, thông, sa mộc, lát, tông dù, hồi, quế, bồ đề, xoan ta…; rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây đa mục đích tập trung các loài lát, trám, sao…; trồng cây phân tán bằng lát hoa, trám, tông dù, sấu, dổi xanh, xoan ta.

Sớm đánh giá nhìn nhận nhu cầu thị trường và thực  tiễn thu nhập của người dân.Từ năm 2016, Bắc Kạn quyết liệt chỉ đạo chuyển rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã tích cực cải tạo chuyển đổi 5.000 ha diện tích rừng hiện đang kinh doanh với mục đích cây gỗ nhỏ với chu kỳ kinh doanh dưới tám năm sang kinh doanh với mục đích là cây gỗ lớn với biện pháp là kéo dài chu kỳ kinh doanh trên 12 năm.

Tỉnh triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển rừng gỗ lớn, như: hỗ trợ lãi suất vốn vay từ các tổ chức tín dụng để trồng cây gỗ lớn, mức hỗ trợ lãi suất là 6%/năm; hỗ trợ chi phí nhân công bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng rừng từ rừng kinh doanh gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn, mức hỗ trợ 0,5 triệu đồng/ha/năm, thời gian hỗ trợ tối đa 5 năm; đối với rừng phòng hộ, đặc dụng, người dân được hỗ trợ chi phí một năm trồng, ba năm chăm sóc là 30 triệu đồng/ha. Trồng, chăm sóc rừng sản xuất tại huyện 30a được hỗ trợ gần 12 triệu đồng/ha.

Ðối với các huyện ngoài Chương trình 30a, khi trồng, chăm sóc rừng sản xuất, người dân được hỗ trợ hơn chín triệu đồng/ha rừng gỗ lớn; sáu triệu đồng/ha rừng gỗ nhỏ. Trồng cây phân tán được hỗ trợ không quá năm triệu đồng/ha.

Từ chủ trì của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tài trợ của Chính phủ CHLB Ðức thông qua Ngân hàng Tái thiết Ðức (KFW), Bắc Kạn đầu tư gần ba triệu ơ-rô (đồng tiền chung châu Âu) thực hiện dự án “Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2” (gọi tắt là KFW8), giúp người dân cải tạo rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Ðến nay, dự án đã thực hiện được gần 1.000 ha; thực hiện theo dự án, mỗi héc-ta keo tăng giá trị kinh tế gấp từ 2,5 đến 3 lần; cây thông tăng giá trị gấp từ 2 đến 2,5 lần so với rừng gỗ nhỏ.

Bắc Kạn tập trung nâng cao các biện pháp quản lý kinh doanh rừng trồng, tiến tới đạt tiêu chuẩn và được cấp giấy chứng nhận quản lý FSC. Hiện nay, tỉnh đã triển khai thực hiện quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC tại các huyện Chợ Mới và Ngân Sơn.

Trồng rừng theo phương pháp này, giá gỗ nguyên liệu cao hơn từ 25 - 35% so với giá gỗ cùng loại và cùng chất lượng, sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu sang các nước châu Âu. Ðến nay, toàn tỉnh đã có 921 ha của 322 chủ rừng được cấp chứng nhận rừng FSC. Trong năm 2020, Bắc Kạn tích cực phối hợp, vận động, tạo mọi điều kiện cho Công ty Hoa Phát được giao đất để thực hiện trồng rừng tại huyện Chợ Mới theo công nghệ của châu Âu. 

Nhờ những chính sách trên, giai đoạn 2016 - 2020, Bắc Kạn trồng được hơn 34.000 ha rừng, trung bình mỗi năm trồng khoảng 7.000 ha, đạt hơn 104% so với mục tiêu đề ra, trong đó, có 17.619 ha là rừng trồng cây gỗ lớn. Sản lượng gỗ khai thác đạt 160.000 m3. Tỉ lệ che phủ rừng của tỉnh đã đạt 72,9%, cao nhất cả nước.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn Nguyễn Mỹ Hải cho biết, nhờ thực hiện các biện pháp đồng bộ nên giai đoạn 2015 - 2020, chất lượng rừng trồng của Bắc Kạn nâng lên gấp 1,5 lần. Trong đó, đối với rừng keo, số diện tích được chăm sóc đúng kỹ thuật, bón phân đều đặn chiếm hơn 50%. Các loại cây khác cũng được bón phân đều là điều chưa từng có trước đây. Các loài cây đa mục đích, như: quế, hồi được phòng, trừ sâu bệnh hại rất tốt.

Chất lượng rừng trồng được nâng lên còn thể hiện ở chỗ, gỗ nguyên liệu được khai thác, chế biến và tham gia thị trường xuất khẩu. Bắc Kạn hiện có hai nhà máy chế biến gỗ, gồm: Công ty Le Chen Wood và Công ty CP đầu tư Govina đặt tại khu công nghiệp Thanh Bình.

Năm 2021, Công ty CP đầu tư Govina sớm có hợp đồng đơn hàng sang thị trường Mỹ nên chủ động đẩy mạnh sản xuất ngay từ đầu năm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nguồn nguyên liệu trên địa bàn dồi dào, chất lượng tốt nên sản phẩm của đơn vị luôn đạt từ 98 - 99% hàng loại một là điều kiện thuận lợi để công ty hoàn thành mục tiêu sản xuất khoảng 28.000 m3 gỗ ván ép, gỗ dán, ván mỏng.

Trong khi đó, Công ty Le Chen Wood đặt mục tiêu mỗi năm đạt sản lượng 30.000 m3 ván dán và 200.000 m2 ván sàn/năm xuất khẩu sang các nước châu Á. Bắc Kạn phấn đấu, giai đoạn 2020 - 2025, trong tổng số hơn 100 nghìn héc-ta rừng trồng có 20% là rừng FSC; 100% được quản lý bền vững; 60% là cây gỗ lớn; còn lại là cây phân tán, cây đa mục đích; 20 nghìn héc-ta thực hiện theo dự án KFW8.

Tuấn Sơn

Bạn đang đọc bài viết Bắc Kạn nâng cao chất lượng rừng trồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới