Thứ bảy, 19/04/2025 12:41 (GMT+7)
Thứ năm, 17/04/2025 16:25 (GMT+7)

Nhiều kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh, bền vững được chia sẻ tại CICON Việt Nam 2025

Theo dõi KTMT trên

Tại Hội nghị CICON Việt Nam 2025, gần 100 doanh nghiệp và lãnh đạo Việt – Hàn đã gặp gỡ, chia sẻ định hướng hợp tác kinh tế, chuyển giao công nghệ và phát triển đô thị thông minh, bền vững.

Ngày 17/4, Hội nghị CICON Việt Nam 2025 (Hội nghị hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam) với chủ đề "Thời đại AI: Hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam" đã diễn ra tại Hà Nội.

Hội nghị có sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp hàng đầu từ Hàn Quốc, cùng các chuyên gia, các cơ quan Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc, cùng lãnh đạo các doanh nghiệp của 2 quốc gia.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Park Bong Kyu – nhà sáng lập CICON, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh CEO Hàn Quốc – nhấn mạnh vai trò của Hàn Quốc trong sự phát triển đầu tư tại Việt Nam. Từ mức 500 triệu USD năm 1992, đến nay số vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã đạt 86,8 tỷ USD, mối quan hệ kinh doanh của hai nước dự kiến sẽ vượt mức 100 tỷ USD trong vòng hai đến ba năm tới. Điều này chứng minh mối quan hệ đối tác của giữa 2 nước đã phát triển mạnh mẽ.

Nhiều kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh, bền vững được chia sẻ tại CICON Việt Nam 2025 - Ảnh 1
Ông Park Bong Kyu – nhà sáng lập CICON, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh CEO Hàn Quốc phát biểu khai mạc.

Theo ông Park Bong Kyu, Hàn Quốc sở hữu vốn đầu tư, công nghệ và kinh nghiệm phát triển kinh tế; trong khi đó, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên phong phú, lực lượng lao động lành nghề và thị trường tiêu dùng đầy hứa hẹn, 2 nước cũng có những giá trị văn hóa tương đồng, ông dự báo mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng qua nhiều lĩnh vực chiến lược trong thời gian tới.

Ông Vincent Pham, Chủ tịch IOTA Capital – Trưởng ban tổ chức CICON phía Hàn Quốc, khẳng định CICON Việt Nam 2025 không chỉ đơn thuần là một hội nghị chuyên đề mà còn là nền tảng kinh doanh hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Ông tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của mình, Việt Nam sẽ nổi lên như trung tâm của công nghệ, hạ tầng bền vững và đổi mới sáng tạo.

Nhiều kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh, bền vững được chia sẻ tại CICON Việt Nam 2025 - Ảnh 2
Ông Vincent Pham, Chủ tịch IOTA Capital – Trưởng ban tổ chức CICON phía Hàn Quốc.

Kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh từ Hàn Quốc

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh tại Hàn Quốc, ông Choi Min Ho – Thị trưởng thành phố Sejong cho hay, Hàn Quốc đang trải qua tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng do dân số và hoạt động kinh tế tập trung quá mức ở khu vực đô thị Seoul. Dân số đô thị chiếm 28% vào năm 1970, đã tăng lên hơn 50% vào năm 2019 và hơn một nửa tổng sản lượng của cả nước diễn ra ở khu vực này.

Thành phố tự quản đặc biệt Sejong được hình thành như một sáng kiến cấp quốc gia nhằm giải quyết những vấn đề này. Được thành lập vào năm 2012 với dân số 100.000 người, thành phố hiện đã phát triển lên tới khoảng 400.000 người. Thành phố Sejong đã phát triển vượt bậc, không chỉ là một thành phố mới mà còn trở thành thủ đô hành chính thực tế của Hàn Quốc.

Hiện tại đã có 45 cơ quan chính phủ trung ương và 16 viện nghiên cứu quốc gia đã hoàn tất việc di dời đến Sejong. Ngoài ra, Khu phức hợp Quốc hội Sejong và Văn phòng Tổng thống thứ hai, dự kiến hoàn thành vào năm 2031,cũng đang dần được di dời.

Theo ông Choi Min Ho, những thay đổi này là động lực thiết yếu không chỉ giúp giảm tình trạng quá tải ở khu vực đô thị Seoul mà còn đạt được sự phát triển cân bằng trên toàn Hàn Quốc.

Ông Choi Min Ho cho biết, Sejong đang nhanh chóng chuyển đổi thành một thành phố tương lai ứng dụng công nghệ. Các công nghệ như AI, máy bay không người lái, xe tự hành và di chuyển trên không đô thị (UAM) đang được thử nghiệm trong thành phố.

Khu thí điểm quốc gia Thành phố thông minh Sejong hiện đang trong quá trình phát triển. Khu vực này có diện tích tương đương với Yeouido của Seoul, có mục tiêu triển khai cơ sở hạ tầng đô thị dựa trên AI như một nơi thử nghiệm đẳng cấp thế giới.

Thông qua công nghệ bản sao kỹ thuật số, Sejong đang giới thiệu các hệ thống mô phỏng các vấn đề đô thị như giao thông và xác thực các chính sách trước.

Một điểm nổi bật trong quy hoạch Sejong là hệ sinh thái tự nhiên được tích hợp ngay từ đầu, các dòng sông, công viên đến không gian công cộng liên kết chặt chẽ, tạo nên một môi trường sống hài hòa và hiện đại. Đây là một hướng đi đầy cảm hứng mà các đô thị Việt Nam có thể học hỏi trong quá trình tái thiết và mở rộng.

Nhiều kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh, bền vững được chia sẻ tại CICON Việt Nam 2025 - Ảnh 3
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Trong khi đó, thành phố Hanam – một đô thị tăng trưởng nhanh với trọng tâm đặt vào yếu tố con người – đã triển khai các cải cách hành chính tiên phong.

Ông Lee Hyeon-jae, Thị trưởng Hanam, chia sẻ mô hình “văn phòng lưu động” giúp cán bộ tiếp cận trực tiếp với người dân, lắng nghe và giải quyết thủ tục ngay tại chỗ. Đồng thời, với các đợt đánh giá định kỳ nhằm đo lường năng lực phục vụ hành chính, Hanam không ngừng khẳng định chất lượng dịch vụ và gắn kết cộng đồng.

Ông cũng gợi ý Hà Nội nên áp dụng AI trong điều phối giao thông – giải pháp tiềm năng cho những thách thức đô thị hiện nay, mặc dù ông lưu ý rằng rào cản thể chế và pháp lý vẫn là trở ngại lớn mà Việt Nam cần giải quyết.

Việt Nam cần xây dựng khung năng lực quốc gia cho ngành xây dựng

Trình bày tham luận tại hội nghị, ông Trần Đinh Tùng - Chủ tịch Hiệp Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam (VSCE) cho rằng, ngành xây dựng Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức.

Theo ông Tùng, Việt Nam có đội ngũ kỹ sư trẻ, giàu tiềm năng, nhưng nhiều kỹ sư chưa được tiếp cận đầy đủ với các tiêu chuẩn quốc tế như Eurocode, AS, BS, ASTM hay các công nghệ tiên tiến như BIM và AI; khoảng cách về kỹ năng quản lý dự án, giao tiếp và hợp tác quốc tế vẫn còn hạn chế; việc chuẩn hóa năng lực và công nhận chuyên môn theo tiêu chuẩn toàn cầu vẫn là một hành trình khá dài và nhiều chông gai.

Tuy nhiên, ông Tùng cho đây là cơ hội để Việt Nam đổi mới. “Với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, trường học và đối tác quốc tế, kỹ sư Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên dẫn đầu khu vực và thế giới”, Chủ tịch VSCE nói.

Nhiều kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh, bền vững được chia sẻ tại CICON Việt Nam 2025 - Ảnh 4
Ông Trần Đinh Tùng - Chủ tịch Hiệp Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam (VSCE) trình bày tham luận tại hội nghị.

Chủ tịch VSCE cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần hoàn thiện khung năng lực quốc gia cho ngành xây dựng. Việc này không chỉ giúp nâng cao năng lực kỹ sư trong nước, mà còn là tiền đề để công nhận bằng cấp, năng lực kỹ thuật của kỹ sư Việt Nam trên thị trường quốc tế. Từ đó, tạo điều kiện để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng – đô thị.

Hội nghị CICON Việt Nam 2025 không chỉ là nơi chia sẻ những công nghệ tiên phong và các mô hình thành công mà còn là bệ phóng định hướng phát triển đô thị Việt trong tương lai. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc chứng minh rằng, đô thị thông minh không chỉ dựa trên công nghệ mà còn cần hệ sinh thái toàn diện gồm con người, thể chế và tư duy phát triển bền vững.

Đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp và chính quyền đồng hành, đầu tư vào công nghệ, thiết kế đô thị, hạ tầng số và phát triển nguồn nhân lực – những yếu tố cốt lõi kiến tạo nên đô thị thông minh, đáng sống và linh hoạt trước thử thách của thời đại mới.

H.An

Bạn đang đọc bài viết Nhiều kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh, bền vững được chia sẻ tại CICON Việt Nam 2025. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Thực hiện tốt công tác giao rừng, cho thuê rừng
Năm 2024, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, giá cả vật tư tăng cao, thị trường tiêu thụ lâm sản chưa ổn định, nhưng toàn ngành lâm nghiệp Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tin mới