Chủ nhật, 24/11/2024 06:57 (GMT+7)
Thứ tư, 03/07/2024 14:15 (GMT+7)

Bắc Ninh ban hành Kế hoạch xử lý vi phạm về đê điều, thuỷ lợi trong mùa mưa lũ 2024

Theo dõi KTMT trên

Nhằm xử lý giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều và thủy lợi còn tồn tại và ngăn chặn xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm mới phát sinh, tái phạm nhiều lần, đáp ứng các yêu cầu về phòng chống thiên tai (PCTT).

Mới đây sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bắc Ninh có tờ trình số 793/TTr-SNN-CCTL ngày 16/5/2024; văn bản số 909/SNN-CCTL ngày 05/6/2024. Đã được UBND tỉnh ký ban hành Kế hoạch số 2067, ngày 13 tháng 6 năm 2024. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện kế hoạch. Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương không nghiêm túc, thiếu trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện kế hoạch.

Bắc Ninh ban hành Kế hoạch xử lý vi phạm về đê điều, thuỷ lợi trong mùa mưa lũ 2024 - Ảnh 1

Một bến bãi tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh mới được ghi nhận (Ảnh PV)

Nội dung bản kế hoạch yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, phân loại vi phạm đê điều, thủy lợi, đánh giá mức độ vi phạm đối với từng trường hợp cụ thể và đưa ra các mốc thời gian, các trường hợp cụ thể phải xử lý năm 2024, 2025 và năm 2026.

Tổ chức lực lượng rà soát, lập danh sách các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi xử lý, kiện toàn hồ sơ các công trình vi phạm, thời gian xong trước 10/7/2024. Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh, xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch xử lý vi phạm cụ thể tại địa phương mình để thực hiện. Thời gian xong trước 15/7/2024. Xây dựng các mốc thời gian xử lý giải tỏa, cưỡng chế đối với từng trường hợp cụ thể theo lộ trình từ năm 2024, năm 2025 và năm 2026. Thời gian đồng loạt ra quân cao điểm xử lý vi phạm năm 2024 từ ngày 01/8/2024 đến ngày 30/9/2024.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xây dựng kế hoạch, đánh giá mức độ vi phạm đối với từng trường hợp vi phạm làm cơ sở để các huyện, thị xã, thành phố đưa ra lộ trình, mốc thời gian xử lý. Cung cấp cho UBND các huyện, thị xã, thành phố đầy đủ thông tin các trường hợp đã lập biên bản vi phạm từ trước đến nay. Lập hồ sơ quản lý hành lang bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi sau khi giải tỏa đối với từng trường hợp cụ thể. Tổng hợp thường xuyên kết quả triển khai thực hiện của các huyện, thị xã, thành phố báo cáo UBND tỉnh vào ngày 20 hàng tháng.

Với Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, đôn đốc giải tỏa các bãi tập kết rác thải và tập kết cát sỏi trong hành lang bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi không nằm trong quy hoạch được phê duyệt và nằm trong quy hoạch nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai và cấp phép hoạt động theo quy định. Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh trong việc kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm xả thải trái phép ra công trình thủy lợi làm ô nhiễm môi trường và tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó Công an tỉnh Bắc Ninh Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trên địa bàn; cử cán bộ hỗ trợ UBND các xã, phường, thị trấn trong công tác giải tỏa và tổ chức cưỡng chế các vi phạm theo kế hoạch của UBND cấp huyện. Bảo đảm công tác an ninh trật tự, an toàn khi tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các trường hợp vi phạm. Thường xuyên phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm xả thải trái phép ra công trình thủy lợi. Đề xuất các biện pháp xử lý, xử phạt đối với các trường hợp cố tình vi phạm, tái phạm theo quy định của pháp luật.

Song song là công tác tuyên truyền, Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh: Xây dựng kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Chỉ đạo các Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Truyền thông các huyện, thị xã, thành phố và các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi và công tác phòng chống thiên tai. Công tác tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên trên địa bàn các thôn (khu phố) và liên tục trong suốt thời gian thực hiện kế hoạch.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT từ năm 2021 tới nay các Hạt Quản lý đê điều và các Xí nghiệp KTCT Thuỷ lợi trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đã phát hiện, lập biên bản và kiến nghị chính quyền các địa phương xử lý 893 trường hợp, trong đó có 413 trường hợp vi phạm Luật Đê điều và 480   trường hợp vi phạm Luật Thuỷ lợi. Tuy nhiên kết quả xử lý của các huyện, thị xã, thành phố rất hạn chế, toàn tỉnh mới xử lý được: 39 trường hợp vi phạm Luật Đê điều và 130 trường hợp vi phạm Luật Thủy lợi, còn tồn đọng 374 trường hợp vi phạm Luật Đê điều và 351 trường hợp vi phạm Luật Thủy lợi. Ngoài ra đối với vi phạm cũ từ năm 2020 trở về trước toàn tỉnh còn tồn tại 1.896 trường hợp vi phạm Luật Đê điều và 1.752 trường hợp vi phạm Luật Thủy lợi.

Quang Huy

Bạn đang đọc bài viết Bắc Ninh ban hành Kế hoạch xử lý vi phạm về đê điều, thuỷ lợi trong mùa mưa lũ 2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới