Bài 4: Từ chính sách đến thực tiễn về bảo vệ hành lang đê: Góc nhìn ở huyện Lý Nhân (Hà Nam)
Luật Đê điều quy định bảo vệ đê điều là trách nhiệm của toàn dân, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, hiện nay vẫn để xảy ra nhiều vi phạm về bảo vệ đê điều. Tạp chí Kinh tế Môi trường đã khảo sát và đưa ra góc nhìn tại huyện Lý Nhân (Hà Nam).
Hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, đặc biệt là lũ lụt. Đê điều được ví như là “thành trì” bảo vệ đất đai, nhà cửa, tính mạng và tài sản của Nhà nước, nhân dân cũng như những thành quả phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được. Đồng thời, đê điều còn là những tuyến đường giao thông quan trọng kết nối giao thương giữa các vùng miền. Vì vậy, phát triển và đảm bảo an toàn hệ thống đê điều cũng là điều kiện thiết yếu để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Việc bảo vệ và sử dụng đê điều đã được quy định cụ thể trong Luật Đê điều 2006; sửa đổi, bổ sung năm 2008, năm 2018 và năm 2020. Theo đó, có những hành vi bị nghiêm cấm đối với đê điều. Thông tư 54/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 17/12/2013 cũng quy định về tải trọng của xe được phép hoạt động trên đê. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là xe quá tải đi trên đê. Điển hình tại địa bàn tỉnh Hà Nam, hàng loạt xe có tải trọng ước lượng khoảng 30-40 tấn ngang nhiên đi trên tuyến đê hữu Hồng, huyện Lý Nhân. Từ thực trạng và đánh giá tính cấp thiết của vấn đề trên, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục triển khai chuyên đề về tình hình quản lý, sử dụng, bảo vệ đê điều và những vi phạm về hoạt động bến bãi ven sông, kênh trục nội đồng. Trước đó, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có loạt bài về hiện trạng bến bãi vô tư hoạt động trong mùa mưa lũ tại địa bàn tỉnh Hà Nam, trong đó có nhiều bến bãi vi phạm về chất tải, không phép. Dưới góc nhìn từ chính sách, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục khảo sát, thu thập tư liệu và đánh giá hiện trạng xe quá tải đi trên đê tại huyện Lý Nhân thuộc địa bàn tỉnh này. |
Tải trọng cho phép xe cơ giới đi trên đê - Từ chính sách đến thực tiễn ở Lý Nhân
Căn cứ Khoản 6 Điều 7 Luật Đê điều hiện hành, một trong những hành vi bị nghiêm cấm đối với đê điều là sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê. Điều 13 Thông tư 54/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng quy định về tải trọng cho phép đối với xe cơ giới đi trên đê.
Theo Thông tư, đoạn đê kết hợp làm đường giao thông theo quy định tại Điều 28 Luật Đê điều có tính toán xác định tải trọng thiết kế, cho phép xe cơ giới đi trên đê theo tải trọng thiết kế được phê duyệt. Đoạn đê chưa có tính toán xác định tải trọng cho phép xe cơ giới đi trên đê nhưng mặt đê đã được cứng hóa bằng bê tông hoặc rải nhựa, cho phép xe cơ giới đi trên đê có tổng tải trọng không vượt quá 12 tấn. Đoạn đê không thuộc tất cả các trường hợp nêu trên, cho phép xe cơ giới đi trên đê có tổng tải trọng không vượt quá 10 tấn.
Quy định về tải trọng là vậy nhưng trên tuyến đê hữu Hồng, thuộc địa phận huyện Lý Nhân (Hà Nam) đang xảy ra tình trạng xe quá tải ngang nhiên hoạt động. Theo Văn bản số 428/UBND-NNTNMT của UBND tỉnh Hà Nam ban hành ngày 15/3/2024, Công ty Cổ phần Cảng Thái Hà được phép tháo dỡ 02 khung hạn chế tải trọng (tại K143+050 và K144+300 đê hữu Hồng), sử dụng mặt đê làm đường giao thông trên tuyến đê từ K143+050 đến K144+400 thuộc địa phận huyện Lý Nhân để vận chuyển vật liệu xây dựng phục vụ dự án trọng điểm của tỉnh. Thời gian bắt đầu từ ngày ký văn bản cho đến ngày 30/9/2024.
Văn bản của UBND tỉnh nêu rõ, doanh nghiệp chỉ được sử dụng các phương tiện vận tải hoặc cung cấp hàng hóa, vật liệu cho các phương tiện có tổng tải trọng dưới 18 tấn để tham gia hoạt động vận chuyển vật liệu phục vụ xây dựng công trình Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ QL1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với đường QL21A, QL21B, đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình; kết nối hai di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và khu di tích lịch sử văn hóa đến Trần (tỉnh Nam Định).
Đây là dự án quan trọng góp phần tạo thêm một cửa ngõ mới kết nối tỉnh Nam Định với Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình và các tỉnh phía Bắc, thêm vào đó là tuyến du lịch tâm linh Đền Trần Thương và khu văn hoá thời Trần, mở ra cơ hội mới về giao thương phát triển kinh tế - xã hội cho TP.Nam Định và huyện Lý Nhân.
Theo đó, từ K143+050 đến K144+400 tuyến đê hữu Hồng thuộc địa phận xã Chân Lý, Đạo Lý và Phú Phúc (huyện Lý Nhân), doanh nghiệp được phép sử dụng phương tiện có tổng tải trọng dưới 18 tấn. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, nhiều xe có dấu hiệu vượt quá tải trọng vẫn chạy rầm rập tại đoạn đê này.
Cụ thể, những ngày đầu tháng 8/2024, đoạn từ cảng Thái Hà đi thôn Hoàng Xuyên, xã Trần Hưng Đạo có hàng trăm lượt xe tải đủ các loại từ 4-6 chân, ước lượng tổng tải trọng mỗi xe khoảng 30-40 tấn vẫn chạy rầm rộ trên đường đê gây bụi bay mù mịt. Mặt đường đê có nhiều chỗ bị bong tróc, nứt vỡ, xuất hiện các ổ gà, ổ voi.
Theo chia sẻ của cán bộ chuyên ngành thanh tra giao thông, tải trọng thiết kế của một xe hổ vồ (howo) 3 chân là khoảng 13-14 tấn chưa tính hàng hóa. Nếu đủ tải đăng kiểm mà có hàng hóa thì tổng tải trọng của xe có thể tới 24 tấn; loại xe hổ vồ 4 chân thì tải trọng cả xe và hàng hóa vào khoảng 32 tấn.
Như vậy có thể thấy, tải trọng của những xe hổ vồ 6 chân chở vật liệu xây dựng đi trên tuyến đê này còn lớn hơn nữa. Và Công ty Cổ phần Cảng Thái Hà đang không tuân thủ theo tải trọng được UBND tỉnh chấp thuận.
Bên cạnh đó, dọc 2 bên tuyến trên địa bàn tỉnh Hà Nam và Nam Định còn có rất nhiều các khu, cụm công nghiệp đã và đang được triển khai xây dựng, nhiều khu dân cư với mật độ dân cư đông đúc, đặc biệt có nhiều khu du lịch, khu tâm linh như: đền Trần, Phủ Dầy - Nam Định, đền Trần Thương - Hà Nam, Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Thiên Trường - Nam Định...
Nhiều người dân sinh sống tại dọc tuyến đê cũng bức xúc cho biết, hàng ngày xe tải vẫn ra vào các mỏ cát ở cảng Yên Lệnh để lấy cát. Cát được chở đầy xe và che chắn sơ sài. Sau đó, xe chạy lên đê hữu Hồng, men theo đê để đi ra các dự án của huyện và tỉnh. Khi trời mưa lớn, các ổ gà, ổ voi tạo thành vũng nước trũng gây nguy hiểm cho người đi đường. Ngày nắng thì cát rơi vãi gây bụi bặm, cản trở tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Trách nhiệm quản lý - Góc nhìn phân tích, phản biện từ Luật Đê điều hiện hành
Việc UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận cho xe có tải trọng nhỏ hơn 18 tấn chạy trên đoạn đê nhằm tạo điều kiện phục vụ dự án, thúc đẩy xây dựng hạ tầng và phát triển kinh tế tại địa phương. Tuy nhiên, để xảy ra thực trạng doanh nghiệp không thực hiện đúng yêu cầu thì cần bàn đến trách nhiệm quản lý, tuần tra, giám sát từ các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các phòng nghiệp vụ chức năng của tỉnh, huyện, xã.Về trách nhiệm của UBND tỉnh đối với việc cấp phép các hoạt động liên quan đến đê điều, Điều 25 Luật Đê điều hiện hành quy định: UBND tỉnh có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện theo giấy phép và những hoạt động không có giấy phép, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép khi người được cấp giấy phép vi phạm quy định của Luật này.
Điều 17 Luật Đê điều hiện hành quy định về nhiệm vụ của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều như sau: Thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến tình trạng đê điều; Phát hiện, có biện pháp ngăn chặn kịp thời và kiến nghị xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đê điều. Về trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với đê điều, Điều 43 Luật Đê điều quy định UBND tỉnh, UBND huyện có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về đê điều; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đê điều; giải quyết theo thẩm quyền khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về đê điều trong phạm vi địa phương theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với lực lượng chuyên trách quản lý đê điều để tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều trong mùa lũ, lụt, bão trên các tuyến đê thuộc địa bàn; Ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều; Xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo thẩm quyền, trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý.
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý đê điều đã được quy định cụ thể như vậy, nhưng thực trạng xe quá tải đi trên đê hữu Hồng (Lý Nhân) cho thấy việc quản lý đê điều tại địa phương này vẫn chưa sát sao. Để xảy ra thực trạng kể trên, trách nhiệm thuộc về ai?
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, thiếu tá Đinh Văn Nam, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Lý Nhân cho biết: UBND tỉnh cho phép xe tải chạy trên tuyến đê hữu Hồng phục vụ các dự án trọng điểm của Trung ương, của tỉnh. Còn xe chạy vào đường giao thông dân sinh có biển cấm trọng tải dưới 7 tấn mà xe có tải trọng lớn hơn vẫn chạy vào là để phục vụ dự án tái định cư ở thôn Hoàng Xuyên, xã Trần Hưng Đạo.
Góc nhìn về chế tài xử phạt xe vượt quá tải trọng đi trên đê
Bên cạnh những hạn chế về quản lý đê điều, các chế tài xử phạt hành vi vi phạm xe quá tải đi trên đê vẫn chưa đủ sức răn đe để xử lý dứt điểm. Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng đang áp dụng xử lý vi phạm theo Nghị định số 03/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 6/1/2022.
Cụ thể, Điều 31 Nghị định này quy định mức phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu nếu làm hư hỏng đê điều đối với các hành vi vi phạm quy định về tải trọng xe đi trên đê. Với mức phạt kể trên, nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn xem nhẹ nên chưa tuân thủ theo quy định tải trọng cho phép đi trên đê.
Qua khảo sát thực tiễn và các lập luận về chính sách, điều luật để chứng minh cho chuyên đề về thực trạng đang xảy ra tại đê hữu Hồng (Lý Nhân), quan điểm của người viết nhận thấy vẫn còn nhiều bất cập trong quản lý đê điều tại địa phương này. Xe chở vật liệu phục vụ dự án nhằm thông thương, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vô hình trung từ vấn đề chạy quá tải sẽ có nguy cơ gây hư hỏng tuyến đê, đó lại là điều làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế bền vững ở địa phương. Kính mong các ngành chức năng, địa phương tăng cường tuần tra, giám sát, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm và có biện pháp quản lý hoạt động giao thông phù hợp, chặt chẽ, an toàn.
Sông Hồng