Chủ nhật, 24/11/2024 07:28 (GMT+7)
    Thứ năm, 05/05/2022 09:00 (GMT+7)

    Bàn giải pháp về cơ chế đặc thù làm đường Vành đai 3, Vành đai 4

    Theo dõi KTMT trên

    Giải pháp nào để đạt mục tiêu cơ bản hoàn thành dự án Vành đai 3 TP. HCM vào năm 2025 và Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô cơ bản hoàn thành năm 2024? Xung quanh vấn đề này, các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra những kiến giải rất tâm huyết.

    Bàn giải pháp về cơ chế đặc thù làm đường Vành đai 3, Vành đai 4 - Ảnh 1
    Phối cảnh 1 nút giao đoạn Vành Đai 4- Vùng Thủ đô.

    Xây dựng cơ chế đặc thù

    Ngày 4/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá”. Tại Tọa đàm, các vị khách mời đã trao đổi cơ chế, chính sách và quyết tâm để thúc đẩy hai dự án quan trọng làm đường Vành đai 3 TP. HCM, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội trong nhiệm kỳ này để thúc đẩy sự phát triển đột phá của đất nước.

    Bàn giải pháp về cơ chế đặc thù làm đường Vành đai 3, Vành đai 4 - Ảnh 2
    TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

    Chia sẻ tại cuộc tọa đàm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng: Về việc phân cấp, phân quyền cho địa phương trong triển khai dự án Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, cũng có những so sánh thấy rằng thách thức là có nhưng lợi ích sẽ hơn. Lần này chúng ta sẽ cân nhắc giữa lợi ích và thách thức. Quốc hội cũng sẽ đánh giá và cân nhắc nhắc rất kỹ khi lợi ích lớn hơn. Có lẽ phương án Quốc hội lựa chọn là phương án cuối.

    "Trong vấn đề này, vai trò điều phối của Trung ương, của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ở đây rất quan trọng. Qua việc phân cấp phân quyền cho địa phương, một loạt cơ chế chính sách được Chính phủ đề xuất để triển khai nhanh, gọn, đặc biệt là dự án đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM. Đây là những cơ chế chính sách chưa có tiền lệ đó là gì", TS. Dũng phân tích.

    Bàn giải pháp về cơ chế đặc thù làm đường Vành đai 3, Vành đai 4 - Ảnh 3
    Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ.

    Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT được giao nhiệm vụ tiếp tục phát triển mạng lưới đường cao tốc. Hiện nay, chúng ta đồng thời triển khai giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của đường cao tốc phía Đông, phấn đấu đến năm 2025 liên thông.

    Từ thực tiễn tổ chức triển khai có những bất cập, cần ban hành các chính sách để tháo gỡ điểm nghẽn đẩy nhanh tiến độ mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra. Trên cơ sở các quyết định, văn bản, cần điều chỉnh cơ chế chính sách phù hợp để có thể khơi thông trong vấn đề đầu tư, hạn chế khó khăn vướng mắc.

    Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, đối với dự án cao tốc phía Đông, từ thực tiễn giai đoạn 1, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ đưa ra một số cơ chế chính sách thuộc các nhóm vấn đề. Thứ nhất về phân cấp phân quyền. Thứ hai về cơ chế chỉ định thầu. Thứ ba cơ chế nguồn vật liệu. Đây là 3 điểm nghẽn trong quá trình triển khai, ảnh hưởng đến tiến độ chất lượng dự án.

    Chính vì thế, 3 nhóm cơ chế này được Chính phủ trình Quốc hội, được Quốc hội cho phép thông qua tại Nghị quyết 43 và Nghị quyết 44 về xây dựng đường cao tốc phía Đông giai đoạn 2.

    Bộ GTVT đang tổ chức triển khai thực hiện trên cơ sở Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 18 thực hiện dự án. Có thể nói, cơ chế chính sách này rất hiệu quả, tháo gỡ khó khăn về thời gian, thủ tục, tất cả các việc điều hành tổ chức một loạt khâu trong dự án.

    "Với cơ chế chính sách Quốc hội cho đối với cao tốc, đến nay giai đoạn 2 dự án đã thực hiện đạt được tiến độ với thời gian ngắn. Chúng ta đưa ra mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành 729 km cao tốc", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

    Từ đó, trên cơ sở nhiệm vụ triển khai Vành đai 3 của TP.HCM, Bộ GTVT đã cùng TP.HCM phối hợp nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách cho Chính phủ để Chính phủ xem xét trình Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù cho hai dự án này.

    Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, về vấn đề phân cấp, phân quyền, chỉ định thầu, vật liệu đối với 2 dự án này, Bộ GTVT cũng đề xuất nhóm dự án về nguồn vốn cho đầu tư. Đối với cơ chế nguồn vốn cho đầu tư, chúng tôi xin phép cho sử dụng linh hoạt nguồn vốn của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để phát triển dự án.

    Thứ hai, cho phép tăng tổng mức đầu tư trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn dự kiến tạm thu của các địa phương.

    Xin phép Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để các địa phương vay lại nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ giải ngân cho dự án, đặc biệt trong giai đoạn 2024-2025.

    Các địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn thu ngân sách địa phương, bao gồm nguồn thu sử dụng đất để hoàn trả ngân sách địa phương trong giai đoạn 2026-2030. Đó là cơ chế mới chúng tôi đề xuất.

    Đối với 1 số gói thầu, xem xét quyết định chỉ định thầu

    Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ: Cơ chế chỉ định thầu, đề xuất Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chỉ định thầu trong quá trình triển khai dự án đối với các gói thầu tư vấn phục vụ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư, gói thầu xây lắp các dự án thành phần.

    Các nhà thầu thực hiện các gói thầu quy định đến khi hoàn thành dự án, trình tự thủ tục chỉ định thầu theo quy định hiện hành. Đây là cái mới, trong thực tiễn tại Nghị quyết 43 chỉ định thầu cho phép áp dụng trong 2 năm 2022-2023.

    Về vấn đề khai thác khoáng sản và làm vật liệu xây dựng, thông thường để thực hiện dự án, Bộ GTVT kiến nghị cho phép giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khai thác vật liệu xây dựng phục vụ dự án. Việc khai thác khoáng sản quy định được thực hiện đến khi hoàn thành dự án.

    Cái này trong Nghị quyết 43, cơ chế trong thời gian qua chúng tôi đã xin trong quá trình thực hiện dự án.

    Cùng với đó, nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiệu đánh giá tác động môi trường, chịu sự quản lý giám sát đối với việc khai thác sử dụng khoáng sản, nộp thuế phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ cải tạo phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

    Xin cho phép các mỏ, cát sỏi lòng sông đã cấp phép đang hoạt động còn thời gian khai thác thì UBND các cấp được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác, không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh đánh giá cân bằng môi trường.

    Đối với địa phương, ngoài khu vực dự án có các mỏ khoáng sản vật liệu thông thường làm hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng sử dụng, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù như đối với mỏ khoáng sản ở các địa phương có dự án đi qua.

    Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, đây là một số cái mới đối với đường Vành đai 3 TP. HCm, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, kiến nghị cơ chế đặc thù trên cơ sở triển khai cao tốc phía Đông giai đoạn 2 đã được Quốc hội cho phép.

    Trao đổi thêm về nội dung này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng: Thứ trưởng Lê Đình Thọ nêu rất là kỹ, cụ thể. Có những cơ chế chính sách đã được kiểm điểm trong việc thực hiện đường cao tốc. Một số đề xuất mới rất cần thiết. Đây là các vấn đề nếu được cho phép sẽ thúc đẩy triển khai dự án nhanh.

    TS. Nguyễn Sĩ Dũng bày tỏ: "Tôi nghĩ vấn đề sẽ được các đại biểu Quốc hội xem xét tích cực bởi vì đó là những thứ phát sinh từ thực tế, có thể tạo đột phá về mặt thể chế để chúng ta có thể triển khai dự án nhanh".

    Trao quyền chủ động cho địa phương

    Bàn giải pháp về cơ chế đặc thù làm đường Vành đai 3, Vành đai 4 - Ảnh 4
    PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

    Nêu quan điểm về việc địa phương kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng linh hoạt vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cho công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng theo tiến độ triển khai dự án, trong đó ưu tiên hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 2021-2025,  PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, đây là ý tưởng rất hay.

    Giải phóng mặt bằng nhiều khi bị chốt chặt bởi cái nguyên tắc giá cả, thế là chỉ cần một vài hộ gia đình không đồng ý là toàn bộ dự án bị hỏng hết. Lúc đó cần có phương án xử lý linh hoạt hơn bởi có thể những trường hợp đòi hỏi có lý của họ, hoặc là có những yêu cầu riêng mà chúng ta phải có. Những cái khác thì giao cho địa phương quyền tiếp cận để chọn phương án xử lý linh hoạt vấn đề này tốt nhất, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho hay.

    Tình thế thay đổi rất nhiều, điều kiện phong phú lắm, Trung ương không thể nào xử lý hết mọi việc được. Cho phép địa phương linh hoạt xử lý thì có thể giúp chúng ta giải quyết những tắc nghẽn, những điểm lãng phí rất ghê gớm.

    Ông Thiên nêu quan điểm: "Tôi đọc những đề xuất ở đây, cũng có yêu cầu rất chặt chẽ, linh hoạt điều chuyển trong phạm vi để làm sao tổng mức không quá mức cần thiết. Tức là không được lạm dụng quyền linh hoạt để hưởng lợi. Cái này cũng là một yếu tố chặt chẽ. Tôi thấy cách tiếp cận này giống như một sáng kiến trao cho địa phương quyền chủ động để chúng ta giải quyết cho phù hợp. Tất nhiên, địa phương muốn làm tốt thì phải có giải pháp để giám sát việc này thỏa đáng".

    TP.HCM, Hà Nội được giao chịu trách nhiệm trước Quốc hội

    Về phân cấp và tổ chức thực hiện dự án, trước hết phân chia dự án thành các dự án thành phần, giao địa phương tổ chức thực hiện, TP.HCM và Hà Nội có ý kiến, giao hai thành phố này chủ trì, chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

    Kiến nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp cần điều chỉnh theo quy định.

    Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận việc điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án thành phần trong điều kiện không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án đã được Quốc hội thông qua.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Bàn giải pháp về cơ chế đặc thù làm đường Vành đai 3, Vành đai 4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới