Chủ nhật, 24/11/2024 02:42 (GMT+7)
Thứ năm, 14/09/2023 20:38 (GMT+7)

Bản tin Kinh tế xanh ngày 14/9: Phát triển xanh là lựa chọn tất yếu và đối với TP.HCM

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về kinh tế số, kinh tế xanh; Chủ tịch UBND TPHCM: 'Kinh tế xanh là động lực thúc đẩy phát triển bền vững giai đoạn tới'; TP.HCM hợp tác với IMF thực hiện chiến lược phát triển Kinh tế Xanh.

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về kinh tế số, kinh tế xanh; Chủ tịch UBND TPHCM: 'Kinh tế xanh là động lực thúc đẩy phát triển bền vững giai đoạn tới'; TP.HCM hợp tác với IMF thực hiện chiến lược phát triển Kinh tế Xanh; TP. HCM kỳ vọng đạt 1.500 MW điện mặt trời mái nhà vào năm 2030;... đó là những thông tin về Kinh tế trong ngày 14/9 Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tổng hợp lại trong ngày.

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về kinh tế số, kinh tế xanh

Trong các ngày 13 và 14.9.2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dự Hội nghị cấp cao Vành đai và con đường lần thứ 8 với chủ đề Kỷ niệm 10 năm sáng kiến Vành đai và con đường, tại Hong Kong (Trung Quốc). Mục tiêu của Hội nghị nhằm tăng cường hợp tác quốc tế và khám phá những cơ hội mới để tăng trưởng kinh tế.

Bản tin Kinh tế xanh ngày 14/9: Phát triển xanh là lựa chọn tất yếu và đối với TP.HCM - Ảnh 1
Hội nghị cấp cao Vành đai và con đường lần thứ 8 với chủ đề Kỷ niệm 10 năm sáng kiến Vành đai và con đường. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ rõ hơn về tình hình và kinh nghiệm phát triển kinh tế của Việt Nam. Theo đó, những năm vừa qua, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả ba “khâu đột phá” chiến lược về cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Việt Nam cũng đang chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nguồn lực con người; tích cực thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Hiện, hợp tác Vành đai và con đường giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khu vực đang được tiếp tục triển khai trong bối cảnh mới, với những nét đáng chú ý như Cách mạng công nghiệp 4.0 và các xu hướng phát triển lớn như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ…

Chủ tịch UBND TPHCM: 'Kinh tế xanh là động lực thúc đẩy phát triển bền vững giai đoạn tới'

Chiều 14/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với lãnh đạo các tập đoàn mang tên CEO 100 Tea Connect tại Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập, quận 1, TP.HCM). Hoạt động nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) 2023. Thông tin từ báo Công luận. 

“Để ứng phó với những thách thức này, TPHCM đang tái cơ cấu kinh tế, trong đó xác định kinh tế xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng phát triển bền vững giai đoạn tới. Thành phố rất quyết tâm bằng việc nghiên cứu đề ra khung chiến lược phát triển xanh và cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện, hướng tới Net Zero vào năm 2050 (phát thải ròng bằng 0)”, người đứng đầu chính quyền TPHCM thông tin.

Bản tin Kinh tế xanh ngày 14/9: Phát triển xanh là lựa chọn tất yếu và đối với TP.HCM - Ảnh 2
Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi gặp chiều 14/9.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM mong muốn xây dựng Cần Giờ như địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam với quốc tế.

TP.HCM hợp tác với IMF thực hiện chiến lược phát triển Kinh tế Xanh

Vietnamplus đưa tin, sáng 14/9, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi tiếp Giáo sư Jochen M. Schmittmann, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam.

Chia sẻ phương hướng chiến lược phát triển của thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế giúp thành phố định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, các hoạt động chống biến đổi khí hậu, xu hướng phát triển Kinh tế Xanh.

Bản tin Kinh tế xanh ngày 14/9: Phát triển xanh là lựa chọn tất yếu và đối với TP.HCM - Ảnh 3
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tiếp Giáo sư Jochen M. Schmittmann, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). (Ảnh:TTXVN)

IMF hỗ trợ kết nối về chuyên gia để chia sẻ kinh nghiệm xây dựng khung pháp lý, chương trình hành động của việc tính tín chỉ carbon, giảm phát thải ròng; trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tài chính.

Kỳ vọng đạt 1.500 MW điện mặt trời mái nhà vào năm 2030 tại TP.HCM

Thông tin trên được báo Công thương đưa tin. Theo đó ông Phan Quang Vinh - Phó Trưởng Ban Kinh doanh Tổng công ty Điện lực TP. HCM chia sẻ tại Hội thảo 'Công nghệ năng lượng sạch Hoa Kỳ - Việt Nam - Lưu trữ năng lượng và giải pháp lưới điện', tính đến năm 2023, TP. HCM có khoảng 350 MW điện mặt trời mái nhà. Thành phố đang đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 750 MW và đến năm 2030 đạt 1.500 MW điện mặt trời mái nhà, 340 MW điện rác và khoảng 1.000 MW điện gió.

Liên quan đến chủ đề Công nghệ và Giải pháp chuyển đổi số cho ngành năng lượng, Công ty GE đã chia sẻ về “Chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam và các giải pháp điều phối năng lượng”, giới thiệu Phần mềm điều phối cho các công ty điện lực chuyển đổi sang lưới điện sạch và thực tế trong phát triển các dự án tại Hoa Kỳ và khu vực. 

Doanh nghiệp Nhật còn vướng khi muốn biến rác thải thành điện

Tại chương trình gặp gỡ 100 CEO các tập đoàn áp dụng mô hình kinh tế xanh chiều ngày 14/9, ông Han Sang Deog, Phó Tổng giám đốc điều hành Samsung Engineering Co,Ltd cho biết, thời gian qua Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội và cần tiếp tục duy trì sự phát triển này trong tương lai.

Tuy nhiên, sự phát triển của công nghiệp dẫn đến một vấn đề không thể tránh khỏi đó là ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, Việt Nam cần phải nỗ lực để hiện thực hóa cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Vì vậy, để giải quyết các thách thức này, Samsung Engineering đang đề xuất một chiến lược tên là “Tổ hợp môi trường tích hợp” cho các dự án môi trường tại Việt Nam.

Theo ông Deog, đây là khu phức hợp môi trường kinh tế tuần hoàn, tích hợp xử lý nước thải, xử lý chất thải và khí sinh học sử dụng năng lượng tự sản xuất mà không cần sử dụng đến nguồn năng lượng từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, Samsung Engineering từ lâu đã quan tâm và xem xét đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải và đốt rác phát điện giải quyết vấn đề môi trường tại TP.HCM.

Samsung Engineering sẽ hợp tác với UBND TP.HCM đầu tư vào các dự án môi trường có thể cải thiện môi trường sống của người dân thành phố.

Tuy nhiên, ông Deog cho rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và Samsung Engineering là điều cần thiết để phát triển thành công các dự án môi trường.

Trong khi đó ông Hiroshi Matsumura, Chủ tịch Hội đồng quản trị-Tổng Giám đốc Công ty TNHH KOA cho biết, công ty hoạt động ở lĩnh vực tái chế rác giấy thành sản phẩm là thùng các tông.

“Chúng tôi cần thu gom 1.300 tấn giấy phế liệu/ngày để tái chế 1.000 tấn giấy. Quá trình thu gom công ty đã tiến hành phân loại, trong số này có 200 tấn rác nhựa hoặc các rác khác thì chúng tôi muốn biến thành năng lượng sản xuất phục vụ trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, do vướng pháp lý, công ty đang làm các thủ tục nhưng chưa được cấp phép thực hiện”-ông Matsumura nói.

Ông Matsumura cho biết, để có thể phát triển năng lượng xanh sạch, sản xuất xanh... cần có các chính sách để cho DN có thể thuận lợi triển khai.

Tại Nhật Bản, những DN sản xuất xanh, biến rác thải thành năng lượng tuần hoàn được nhà nước ủng hộ khuyến khích và công nhận. Tuy nhiên, để triển khai được DN cần có bản thiết kế, kế hoạch… gửi cho cơ quan ban ngành và phải được cấp phép DN mới làm. Công ty mẹ tại Nhật đã làm việc này từ nhiều năm nay.

“Việt Nam có cam kết đến năm 20250 đạt net zero, tuy nhiên công ty đặt mục tiêu trước đó 10 năm nghĩa là năm 2040 sẽ đạt net zero. Theo đó, công ty đặt ra kế hoạch năm năm một lần triển khai các hoạt động để đạt được mục tiêu nhỏ, dần đến năm 2040 đạt được mục tiêu chính.

Bản thân DN chúng tôi tin tưởng Việt Nam có thể đạt được cam kết, tuy nhiên cần có giải pháp khoa học kỹ thuật công nghệ…” ông Matsumura nói.

Thông tin trên được tờ plo.vn đưa tin vào chiều ngày 14/9.

Phạm Huyền

Bạn đang đọc bài viết Bản tin Kinh tế xanh ngày 14/9: Phát triển xanh là lựa chọn tất yếu và đối với TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới