Bản tin môi trường ngày 4/3
Quá tải thu gom rác nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; Đề xuất chính sách xây dựng Luật Khoáng sản sửa đổi; Sạt lở tăng cao tại An Giang... là những tin tức môi trường nổi bật trong ngày hôm nay (4/3).
Quá tải thu gom rác nguy cơ lây nhiễm tại một số địa phương
Theo nhận định của ông Nguyễn Thành Lam, đại diện Vụ quản lý chất thải, Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết công tác thu gom rác thải ở một số địa phương đang có hiện tượng quá tải, với 87% số F0 (người bị COVID-19) cách ly, điều trị tại nhà, dẫn tới phát sinh lượng lớn rác thải y tế, rác thải sinh hoạt.
Theo đó, thực trạng với lượng lớn rác thải (y tế, sinh hoạt) phát sinh do tăng số F0 cách ly, điều trị tại nhà, một số nơi ở xa, xe rác không thể vào thu gom được đã khiến lượng rác này tồn đọng, không được xử lý đúng quy định.
Đáng chú ý, tại một số khu vực trên địa bàn TP.Hà Nội, theo ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội - chi nhánh Hoàn Kiếm (Urenco 2), việc số lượng F0 tăng nhanh trong thời gian gần đây đã gây nhiều khó khăn, áp lực trong việc thu gom rác thải; phần lớn hộ gia đình không bỏ rác vào túi riêng.
Cùng với đó, hiện nay, việc bỏ rác thải của F0 vào “túi màu vàng” vẫn còn hạn chế, nên công nhân khi đi thu gom rác không nhận biết được màu sắc túi riêng. Bên cạnh đó, còn tình trạng nhiều hộ gia đình đưa rác ra điểm thu gom rác không đúng giờ. Trong khi đó, lực lượng thu gom rác, công nhân của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội bị F0 nhiều, dẫn tới thiếu hụt lực lượng và áp lực tăng ca để phục vụ thu gom.
Trước thực trạng nêu trên, đại diện Vụ quản lý chất thải cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuẩn bị các đề xuất cũng như phương án hỗ trợ chi phí cho bên (doanh nghiệp) xử lý rác thải. Trong đó, hướng dẫn các tỉnh, thành phố bố trí nguồn lực cho các địa phương cùng với hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phân loại, thu gom, xử lý rác đúng quy định.
Ngoài ra, các địa phương cần sâu sát và bố trí điểm tập kết đối với rác thải có nguy cơ lây nhiễm, bởi nếu rác không được phun khử khuẩn, thu gom kịp thời sẽ rất lo ngại.
Cùng với đó, Bộ Y tế khuyến nghị các địa phương cần nhanh chóng, rà soát phương án thu gom, xử lý chất thải trên từng địa bàn.
Sạt lở các tuyến kênh rạch tăng dần tại An Giang
Ngày 4/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang thông tin, sạt lở bờ sông đang diễn biến ngày càng phức tạp, xu thế sạt lở trên các tuyến kênh, rạch cấp I, cấp II sẽ tăng dần theo thời gian, đặc biệt là đối với các kênh rạch tại 7 huyện, thị xã, thành phố.
Theo đó, tổng số các đoạn sông cảnh báo sạt lở gồm 56 đoạn, trong đó, có 6 đoạn thuộc sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, sông Châu Đốc được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 36 đoạn ở mức độ nguy hiểm; 14 đoạn ở mức độ bình thường. Theo thống kê, trong năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 43 điểm sạt lở, sụt lún, rạn nứt bờ sông, kênh, rạch với tổng chiều dài hơn 2 km, ảnh hưởng đến 39 căn nhà và gây tổng thiệt hại về nhà và đất hơn 2 tỷ đồng.
Nguyên nhân sạt lở do diễn biến thời tiết bất thường, tác động của quá trình biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mê Kông gây suy giảm bùn cát từ thượng nguồn về ĐBSCL, yếu tố thủy lực, dòng chảy, hình thái dòng sông, cấu trúc địa chất bờ sông, vận động kiến tạo và hoạt động kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, dân cư phát triển làm tăng tải trọng xây dựng từ nhà ở, công trình xây dựng công trình kho bãi, nhà máy kiên cố, công trình giao thông, chất tải gần bờ sông làm tăng tải trọng vượt khả năng chịu tải của bờ sông; việc gia tăng phương tiện giao thông trên bờ, dưới sông làm gia tăng tải trọng động và sóng… là những nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất ven sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh.
Trước tình trạng đó, nhằm chủ động phòng tránh, ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại về người và tài sản do sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh các nguyên tắc, giải pháp và tổ chức thực hiện như ưu tiên di dời khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao để bảo đảm an toàn, tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân; nghiên cứu, ứng dụng các phương án để bảo vệ cơ, đường bờ, giảm thiểu sạt lở.
Đề xuất các chính sách mới để xây dựng Luật Khoáng sản sửa đổi
Chiều 4/3, tại Hà Nội, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổ chức họp trực tuyến về các nội dung xây dựng Luật Khoáng sản sửa đổi.
Theo đó, Phó Tổng Cục trưởng Lại Hồng Thanh và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan đã tập trung thảo luận các nội dung công việc để lập Hồ sơ Luật gồm: Xây dựng nội dung chính sách; đánh giá tác động của chính sách; lấy ý kiến về đề nghị xây dựng Luật; xây dựng dự thảo Hồ sơ Luật; trình thẩm định Hồ sơ Luật; trình Chính phủ xem xét, thông qua đề nghị xây dựng Luật. Thời gian thực hiện các công việc này từ tháng 2/2022 đến hết 15/7/2022.
Phó Tổng Cục trưởng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu kỹ các chính sách mới, tính toán các vấn đề cần giải quyết và các tác động khi ban hành chính sách mới trong Luật Khoáng sản (sửa đổi), đảm bảo phù hợp với các quan điểm, mục tiêu và chính sách trong Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Lâm Đồng: Đình chỉ công tác 2 cán bộ bảo vệ rừng vì thiếu trách nhiệm
Ngày 4/3, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh (Lâm Đồng) cho biết đã có quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với hai cán bộ của đơn vị này, vì đã để xảy ra tình trạng san ủi, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại Tiểu khu 267C (thuộc xã Hiệp An, Đức Trọng).
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng, qua kiểm tra mới đây, tại Tiểu khu 267C có 7 vị trí tái lấn chiếm đất rừng trồng cà phê, cây nông nghiệp dưới tán cây rừng với tổng diện tích hơn 28.000 m2.
Ngoài ra, tại khoảnh 2 thuộc tiểu khu này còn có 1 vị trí lấn chiếm mới được trồng cà phê năm 2021, tổng diện tích hơn 1.000 m2; tại khoảnh 1 có 1 nhà chòi dựng trái phép trên đất rừng; tại khoảnh 3 và khoảnh 4 có 2 vị trí san gạt đất rừng trái phép với tổng diện tích gần 16.000 m2, được san băng và trồng cây nông nghiệp, thời gian tác động khoảng tháng 1 và tháng 2/2022.
Ngoài Tiểu khu 267C, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng còn phát hiện tại các Tiểu khu 278A và 268 (lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý) cũng xảy ra tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm đất rừng để trồng cây nông nghiệp tại nhiều vị trí với tổng diện tích gần 20.000 m2. Tại khoảnh 2, Tiểu khu 268 còn có 2 vị trí khai thác khoáng sản (đất) trái phép trên diện tích hơn 500m2.
Lan Anh (T/h)