Chủ nhật, 24/11/2024 06:44 (GMT+7)
Thứ bảy, 19/06/2021 06:39 (GMT+7)

Báo chí tiên phong bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, cần sự nỗ lực và chung tay của cả cộng đồng xã hội, cả nhân loại trên toàn cầu. Trong đó, báo chí là phương tiện truyền thông chủ lực.

Tầm quan trọng của truyền thông

Ngày nay, khoa học công nghệ phát triển năng động với mạng xã hội và vô vàn các hình thức truyền tải thông tin, liên kết xã hội thông minh đang dần trở nên phổ biến thì sự nổi trội về trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp và ý thức chính trị vẫn tạo cho báo chí vị thế vững chắc. Đó là niềm tin, là sự gửi gắm trách nhiệm của cả cộng đồng.

Trong rất nhiều nhiệm vụ và thách thức đặt ra thì truyền thông về bảo vệ môi trường vẫn giữ một vai trò quan trọng, là mắt xích không thể thiếu để việc bảo vệ, gìn giữ môi trường trở nên hiệu quả nhờ sự thống nhất ý chí và hành động trên phạm vi rộng rãi nhất.

Báo chí tiên phong bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong truyền thông về bảo vệ môi trường.

Trước đó, tại Diễn đàn Nhà báo với môi trường và biển đảo lần thứ III – 2019, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã nhấn mạnh: “Thay mặt Bộ TN&MT, tôi đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng và chân thành cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần không nhỏ trong quá trình lớn mạnh của ngành tài nguyên và môi trường”.

Bởi trong xu thế tin tức hiện nay, chủ đề tài nguyên môi trường luôn là trọng tâm, được cộng đồng đặc biệt quan tâm, được các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương thường xuyên đăng, phát với dung lượng, thời lượng nhiều hơn, nội dung chuyên sâu hơn. Đồng thời các cơ quan báo chí cũng đã thành lập, vận hành các chương trình, chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề về tài nguyên và môi trường.

Khi môi trường sinh thái bị đe dọa

Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã tạo ra nhiều áp lực lớn, đe dọa đến môi trường sinh thái.

Trao đổi về vấn đề này với Phóng viên Kinh tế Môi trường, Nhà báo Minh Sang (Báo Đại Đoàn Kết) nhấn định: “Nhiều năm trở lại đây, ở nước ta tồn tại một thực trạng đáng buồn, đáng báo động, đó là phát triển kinh tế phần nào đó đã dẫn đến các vấn đề về ô nhiễm môi trường. Và thực trạng trên gây bức xúc trong quần chúng nhân dân”.

Nhà báo Minh Sang nói rằng, mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chế tài mạnh tay trong việc xử lý các doanh nghiệp phát triển kinh tế hủy hoại môi trường nhưng tình trạng này vẫn đang ở mức báo động. “Chế tài đã có, việc tuyên truyền cũng được thực hiện nhưng nhiều doanh nghiệp vì phát triển kinh tế mà “bỏ rơi” việc bảo vệ môi trường. Thậm chí, không ít trường hợp họ cố tình vi phạm môi trường để lấy cái lợi về phía mình”, Nhà báo Minh Sang chia sẻ.

Báo chí tiên phong bảo vệ môi trường - Ảnh 2
Dòng sông Ngũ Huyện Khê đã bị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy tại Phú Lâm (Tiên Du), Phong Khê (TP.Bắc Ninh) bức tử, trở thành dòng sông chết, gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Báo Dân Việt)

Nhà báo Minh Sang dẫn chứng, đầu năm 2021, tại khúc sông Cầu, đoạn chảy qua địa bàn xã Dũng Liệt, (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) có đến hàng chục tấn cá chết trắng. Theo ông Nguyễn Văn Hợi, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Phong, khẳng định hiện tượng cá lồng trên sông Cầu chết một cách bất thường là do… thiếu ôxy.

Tuy nhiên, sau đó không lâu, trong văn bản gửi tỉnh Bắc Ninh, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT chỉ rõ: “Mỗi ngày dòng sông Ngũ Huyện Khê phải hứng chịu cả chục nghìn m3 nước thải chưa qua xử lý từ những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy thải thuộc CCN Phú Lâm (xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), Làng nghề giấy Phong Khê (TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), trước khi qua cống tiêu Đặng Xá dẫn thẳng tới sông Cầu, gây ô nhiễm trầm trọng. Và đây là nguyên nhân chính khiến cá lồng nuôi trên sông Cầu chết nhiều tới vậy, vào dịp cận Tết Tân Sửu vừa qua.

Tuy những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy ở Phú Lâm đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển cho địa phương, cho xã hội nhưng gần 6 năm qua, dự án Nhà máy xử lý nước thải và thu gom rác trên vẫn nằm trên giấy. Theo đó, hậu quả để lại là sông Ngũ Huyện Khê, sông Cầu đang phải oằn mình gánh chịu lượng nước thải ô nhiễm trầm trọng thải ra mỗi ngày.

Và mới đây, khi các cơ quan báo chí vào cuộc tích cực phản ánh, chỉ rõ thực trạng ô nhiễm hai dòng sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu, bắt nguồn từ nạn xả thải nước thải chưa qua xử lý từ những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy trên địa bàn, thì chính quyền tỉnh Bắc Ninh mới rốt ráo vào cuộc, như tháo gỡ những đường ống xả thải, ban hành lệnh cấm xả thải nước thải chưa qua xử lý ra môi trường…

Báo chí tiên phong bảo vệ môi trường - Ảnh 3
Đốt rác thải công nghiệp chưa qua xử lý, làng nghề Phong Khê đang 'bức tử' môi trường. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Cuộc chiến cam go

Tại một buổi hội thảo diễn ra vào cuối năm 2020, Tiến sĩ, Nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã chỉ ra những thách thức cho nhà báo môi trường như áp lực thương mại của báo chí, áp lực kinh tế của người viết, khó khăn từ tòa soạn, nhận thức, hiểu biết của độc giả và sự phức tạp của vấn đề môi trường.

Trao đổi một số nội dung liên quan đến cơ sở pháp lý của sự phối hợp giữa báo chí và môi trường, Nhà báo Trần Bá Dung đã nhấn mạnh đến các nội dung của Luật Tiếp cận thông tin, quy định quyền tiếp cận thông tin của công dân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Nhà báo Trần Bá Dung đã nêu một số nội dung trong Luật Bảo vệ môi trường. Đó là quy định cung cấp công khai thông tin về môi trường, gồm các cơ quan, tổ chức, cá nhân công khai thông tin về môi trường theo quy định trên cổng thông tin của cơ quan, tổ chức, trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức khác, bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin.

Có thể thấy, báo chí cũng có vai trò đặc biệt quan trọng trong truyền thông về bảo vệ môi trường. Theo GS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng Biên tập báo Đại biểu Nhân dân từng phát biểu, bên cạnh những doanh nghiệp, doanh nhân làm tốt bảo vệ môi trường thì sai phạm môi trường của doanh nghiệp cũng là điều đáng chú ý. Hầu như không có ngày nào, báo chí không đưa tin về các hành vi xâm hại môi trường, trong đó phần nhiều là vi phạm của các doanh nghiệp: Xả thải ra sông ngòi, gây ô nhiễm khói bụi quá mức cho phép, sử dụng công nghệ quá cũ, quá lạc hậu, ảnh hưởng đến cộng đồng…

Về vai trò của báo chí trong công tác bảo vệ môi trường, Nhà báo Minh Sang khẳng định: “Có rất nhiều sự việc vi phạm môi trường đến khi báo chí phản ánh thì cơ quan chức năng mới biết và xử lý. Điều này cho thấy báo chí có một vai trò không nhỏ trong vấn đề bảo vệ môi trường. Đối với tôi, việc có những bài viết bảo vệ môi trường không chỉ để hoàn thành trách nhiệm với công việc mà còn đang bảo vệ cho chính mình và người thân. Bởi hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đang gây ra tác hại quá lớn đối với sức khỏe con người”.

Tiến sĩ, Nhà báo Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam: Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cần có bộ phận chuyên trách có kỹ năng hợp tác với báo chí trong cung cấp thông tin, xử lý thông tin một cách chuyên nghiệp; thực hiện đúng các quy định của pháp luật về cung cấp thông tin...

Báo chí tiên phong bảo vệ môi trường - Ảnh 4

GS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng Biên tập báo Đại biểu Nhân dân: 

Để nâng cao hiệu quả truyền thông trong công tác bảo vệ môi trường, báo chí cần có một số giải pháp điều chỉnh cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần có thêm những kênh truyền thông chuyên biệt, hiệu quả về môi trường và phát triển bền vững cho từng đối tượng khác nhau.

Báo chí tiên phong bảo vệ môi trường - Ảnh 5

Thứ hai, cần khuyến khích và tổ chức thêm nhiều cuộc thi tác phẩm báo chí, các hình thức sáng tạo slogan, clip bảo vệ môi trường trên báo chí. Bảo đảm tránh hình thức, để nhiều người có thể tham gia, đưa giải thưởng theo tuần hay tháng để tránh sự nhàm chán, trùng lặp, tạo hiệu ứng xã hội cao.…

Thứ ba, tăng cường truyền thông về các sáng kiến bảo vệ môi trường, các công nghệ bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện doanh nghiệp hiện nay.

Thứ tư, cần tránh thái độ nôn nóng, phê bình gay gắt, quá mức hành vi vi phạm của cá nhân, doanh nghiệp. Cần nhận thức đây là một quá trình, cần quan tâm đến điều kiện, nhu cầu cụ thể của cá nhân, doanh nghiệp để tìm giải pháp phát triển vững và bảo vệ môi trường.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Báo chí tiên phong bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới