Chủ nhật, 24/11/2024 07:00 (GMT+7)
Thứ tư, 21/06/2023 09:00 (GMT+7)

Báo chí với “sứ mệnh” gìn giữ môi trường và bảo vệ Trái đất

Theo dõi KTMT trên

Trong những năm qua, báo chí đã thể hiện “tầm ảnh hưởng” trong vấn đề truyền thông bảo vệ, gìn giữ môi trường, bảo vệ Trái đất.

Báo chí với “sứ mệnh” gìn giữ môi trường và bảo vệ Trái đất - Ảnh 1
Đồ họa: Nguyễn Vũ.

“Sứ mệnh” bảo vệ môi trường

Tôi không phải là nhà báo, không phải người làm báo nhưng lại có cơ duyên tiếp xúc và hàn huyên với rất nhiều với các phóng viên. Vẫn biết xã hội phân công mỗi người một việc, mỗi người một vai trò nhưng từ trong thâm tâm, tôi luôn tôn trọng và nể phục những người làm báo.

Dù trong bất cứ lĩnh vực nào từ chính trị, kinh tế, xã hội hay môi trường…, tôi cho rằng, báo chí đều có vai trò rất quan trọng. 98 năm qua, kể từ ngày Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên (21/6/2025) và được chọn là ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam đến nay, báo chí đã có sự phát triển mạnh mẽ trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tiếng nói của quần chúng nhân dân. Báo chí đã tiếp cận động giả thông qua nhiều kênh, với nhiều định dạng vô cùng phong phú, hấp dẫn. Tôi cho rằng, dù ở bất cứ giai đoạn nào, dù ở bất cứ lĩnh vực gì, chúng ta không thể phủ nhận vai trò đặc biệt quan trọng của các cơ quan báo chí.

Những năm tháng chiến tranh, chúng ta có những phóng viên chiến trường lăn xả với súng đạn. Còn thời bình, các phóng viên, nhà báo cũng đang phải đứng giữa “trận địa” thông tin để đập tan các luận điệu sai trái, xuyên tạc và phản ánh những góc khuất, những nhóm lợi ích.

Báo chí với “sứ mệnh” gìn giữ môi trường và bảo vệ Trái đất - Ảnh 2
Các phóng viên, nhà báo không ngại khó khăn, nguy hiểm để tác nghiệp. Ảnh Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hiện nay, vấn đề môi trường đang trở thành nỗi nhức nhối mang tính toàn cầu. Nó đang là vấn đề nóng từ những nước nghèo đến những nước phát triển hay các quốc gia đang phát triển. Trái đất đang oằn mình chống chịu với những tác động thô bạo từ con người. Chặt phá rừng, rác thải nhựa, hiệu ứng nhà kính, nhà máy xả nước thải, khí thải độc hại ra môi trường… đó là những gì đã, đang và sẽ diễn ra. Sự lặp đi lặp lại khiến “Mẹ Thiên nhiên” tổn thương và nổi giận. Và từ đó, những cơn “siêu bão” xuất hiện nhiều hơn và càn quét mọi thứ chúng đi qua trên đất liền gây ra bao đau thương mất mát; những cơn lũ dâng cao “nuốt chửng” xóm làng; bệnh dịch xuất hiện nhiều hơn; hạn hán, bão tuyết ngày càng khốc liệt… Tuy nhiên, lời “răn đe” của “Mẹ Thiên nhiên” dường như chưa khiến con người lo lắng. Minh chứng điển hình là rất nhiều vụ vi phạm về môi trường quy mô lớn đã bị phát hiện.

Vì những lẽ đó, vai trò của báo chí đối với vấn đề tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường là rất lớn. Có thể nói, một trong những “sứ mệnh” lớn của các cơ quan báo chí chính là bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ Trái đất – Nơi hàng tỉ con người đang sinh sống. Hãy tưởng tượng xem, đến một thời điểm nào đó, bề mặt trái đất bị bao phủ bởi rác thải nhựa, chất thải và khí thải… muôn loài có thể đối mặt với sự diệt vong.

Thời gian qua, các cơ quan báo chí, tôi cảm nhận được việc các nhà báo, phóng viên đã rất nhiệt huyết trong việc thực hiện “sứ mệnh” bảo vệ môi trường. Rất nhiều các vụ việc hủy hoại môi trường đã được phát hiện nhờ cơ quan báo chí.

Báo chí với “sứ mệnh” gìn giữ môi trường và bảo vệ Trái đất - Ảnh 3
Đồ họa: Nguyễn Vũ

Tôi xin dẫn lại sự cố môi trường ở Formosa Hà Tĩnh vào thời điểm những năm 2015-2016. Khi đó, sự việc này thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận trong nước và quốc tế. Đến tháng 6/2016, các cơ quan chức năng xác định, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh là thủ phạm gây ra sự cố môi trường này. Formosa Hà Tĩnh trước những bằng chứng không thể chối cãi đã phải thừa nhận. Họ cam kết đền bù thiệt hại 500 triệu USD, cam kết khắc phục hậu quả sự cố môi trường. Nên nhớ, trong vụ việc này không thể phủ nhận được vai trò của báo chí. Bởi khi sự việc đang nóng, báo chí đã minh bạch, cung cấp nhiều thông tin mang tính phát hiện. Thậm chí, cá phóng viên đã cung cấp cho cơ quan chức năng thông tin về một đường ống xả thải lớn, đường kính hàng mét, chiều dài cả chục cây số từ Formosa, đặt dưới đáy biển xả thẳng nước thải ra đại dương. Đó là kết quả của hoạt động điều tra, phỏng vấn ngư dân trên các ngư trường, vùng miền của phóng viên.

Sau đó, vụ chôn lấp chất thải tại trang trại gia đình ở phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, đầu nguồn sông Trí - thông qua hợp đồng với Công ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh và Formosa Hà Tĩnh cũng do báo chí phát hiện. Các địa điểm chôn lấp chất thải tiếp sau đó cũng chính báo chí nêu ra, từ nguồn tin báo của nhân dân. Vai trò và trách nhiệm của phóng viên trong những sự việc này là rất lớn.

Vì một Việt Nam bền vững

Trong những năm qua, Việt Nam luôn  khẳng định và cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Rất nhiều lần lãnh đạo đất nước khẳng định rằng, Việt Nam không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Chúng ta đã có những cam kết rất rõ ràng trên trường quốc tế.

Có thể nói, Việt Nam là quốc gia cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững Việt Nam năm 2004, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự (CTNS) 2030 vì sự phát triển bền vững. Liên Hợp Quốc và các đối tác tại Việt Nam đang nỗ lực để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững: 17 Mục tiêu liên kết với nhau và đầy tham vọng nhằm giải quyết những thách thức phát triển lớn mà người dân Việt Nam và trên thế giới phải đối mặt.

Báo chí với “sứ mệnh” gìn giữ môi trường và bảo vệ Trái đất - Ảnh 4
 Ảnh: An Tran.

Trong những năm qua, hàng trăm sự kiện với hàng triệu tin, bài được các cơ quan báo chí đăng tải, tuyên truyền để hướng tới mục tiêu một Việt Nam phát triển bền vững. Đó là các sự kiện Chiến dịch Giờ Trái đất, Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới,... hay đó là các bài viết tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, phân loại rác thải tại nguồn… Những thông điệp truyền đi như mưa dầm thấm lâu, từng bước làm thay đổi nhận thực của mỗi người dân, mỗi tổ chức trong công tác bảo vệ nói chung và nêu cao trách nhiệm của mình nói riêng.

Tôi cho rằng, báo chí không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà đang xây dựng cho chúng ta một văn hóa bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất. Thứ văn hóa đó sẽ lan truyền qua những câu chuyện hàng ngày, những lời khuyên răn của ông bà, cha mẹ đối với trẻ nhỏ… Và đến một thời điểm nào đó, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng, ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất của người Việt sẽ trở thành “nếp sống” và thói quen. Đó mới là cái gốc của vấn đề.

Chỉ một bức ảnh báo chí về ô nhiễm môi trường, về trái đất tổn thương có thể thay hàng vạn lời nói. Nó lay động tâm can của mỗi người trong việc chung tay bảo vệ môi trường. Và, đó chính là sức mạnh –sứ mệnh “tối thượng” của báo chí.

Tiến sĩ Trần Khắc Tâm
ĐBQH khóa XIII, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng

Bạn đang đọc bài viết Báo chí với “sứ mệnh” gìn giữ môi trường và bảo vệ Trái đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới