Chủ nhật, 24/11/2024 08:17 (GMT+7)
Thứ ba, 11/01/2022 11:00 (GMT+7)

'Bão giá' vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị rà soát

Theo dõi KTMT trên

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi các địa phương đề nghị thường xuyên theo dõi, kịp thời cập nhập, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp.

Bộ Xây dựng cho biết, năm 2021 chỉ số giá xây dựng tăng 4,34% so với năm 2020. Tác động chính là do giá thép xây dựng tăng 30-40%. Chỉ một số doanh nghiệp duy trì được doanh thu tối đa 80%, đa phần doanh thu chỉ đạt 30 – 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Bộ Xây dựng, để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và biến động của giá thép đến các hoạt động xây dựng, Bộ đã đề nghị các địa phương, cơ quan liên quan theo dõi, kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp thực tiễn; kiến nghị các ngành liên quan đẩy mạnh sản xuất, tăng nguồn cung thép trên thị trường.

Hàng loạt doanh nghiệp đứng trước nguy cơ "vỡ trận"

Sau khi các nhà sản xuất công bố tăng giá đồng loạt từ cuối tháng 10/2021, giá nhiều loại vật liệu thiết yếu như: xi-măng, sắt thép lại được đẩy lên một nấc mới. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi-măng đã đồng loạt công bố đợt tăng giá mới trong những ngày cuối tháng 10. Mức điều chỉnh giá trong đợt này cao hơn nhiều so đợt tăng giá gần nhất. Trong đợt này, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất xi-măng đã tăng giá bán khoảng 80.000 - 90.000 đồng/tấn. Thậm chí, có doanh nghiệp đã quyết định tăng đến 100.000 đồng/tấn như Xi-măng Chinfon.

'Bão giá' vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị rà soát - Ảnh 1
Thị trường vật liệu xây dựng vẫn tiếp đà tăng giá.

Tương tự, giá thép cũng đã tăng mạnh. Sau chuỗi ngày giữ ổn định, giá thép xây dựng trong nước tiếp tục được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng lên mức 16.610 đồng - 18.120 đồng/kg tùy thương hiệu… 

Đợt điều chỉnh này là đợt tăng giá thứ 2 trong năm nay của xi-măng và sắt thép. Trước đó, đầu năm 2021, xi-măng, sắt thép trong nước đã có đợt tăng giá mạnh. Riêng mặt hàng sắt thép đồng loạt tăng giá từ 30% đến 40% so quý IV/2020. Giá vật liệu tăng sốc khiến các nhà thầu xây dựng đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản.

Việc tăng giá đồng loạt đã khiến hàng loạt nhà thầu lao đao, đứng trước nguy cơ phá sản. Loạt doanh nghiệp xây dựng lớn như Delta, Vinaconex, Cienco 4, Eurowindow, Thành An, Phục Hưng Holdings... đã có văn bản gửi Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) để kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Cần sớm bình ổn giá

Nhận định về thị trường năm 2022, các chuyên gia dự báo, giá các loại vật liệu xây dựng vẫn sẽ tiếp tục tăng. Hoạt động sản xuất của Việt Nam liên thông với thế giới và chịu tác động trực tiếp từ các đợt tăng giá nguyên liệu nhập khẩu cũng như cung cầu tại từng thời điểm. Do đó, việc điều chỉnh tăng giá là đương nhiên.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam việc giá vật liệu xây dựng tăng trong bối cảnh Chính phủ đang đưa ra nhiều chính sách để khôi phục lại phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng các chính sách chưa kịp đưa vào thực tiễn, đang cho thấy sự mâu thuẫn.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần có chính sách để điều tiết lại bài toán chi phí đối với ngành vật liệu xây dựng. Đồng thời, cần điều chỉnh lại thị trường vật liệu xây dựng, làm thế nào để trong nước “làm chủ” được giá thành vật liệu xây dựng từ việc sản xuất đến cung ứng.

Đại diện các doanh nghiệp xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam (VACC) kiến nghị Thủ tướng giao Bộ xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Bổ sung các chi phí phòng dịch bắt buộc, các chi phí tạm dừng thi công chờ việc, các chi phí kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ, công nhân... vào chi phí đầu tư xây dựng công trình. Xin Thủ tướng hỗ trợ dừng thu BHXH 6 tháng cuối năm cho tất cả lao động thời vụ ký hợp đồng lao động từ dưới 6 tháng tại các doanh nghiệp xây dựng.

Về tài chính doanh nghiệp, VACC đề nghị giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng từ quý II/2021 sang đầu năm 2022 (các khối lượng nghiệm thu hoàn thành đến quý II/2021 đã xuất hóa đơn nhưng chưa được thanh toán); giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp thời điểm từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021 cho tất cả doanh nghiệp xây dựng.

Với các khoản vay ngân hàng phục vụ cho công trường, dự án nhưng phải dừng thi công do giãn cách chống dịch được tính lãi suất 0%. Cho hoãn nộp tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021, đồng thời có phương án giảm giá thuê đất đặc biệt đối với các diện tích đất làm nhà kho, xưởng phục vụ thi công, sản xuất.

Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng kiến nghị các thành viên hiệp hội và nhà sản xuất kinh doanh thép, trong ngắn hạn khi giai đoạn thị trường trong nước diễn biến phức tạp ưu tiên phục vụ thị trường trong nước. Còn về dài hạn, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng kiến nghị các nhà sản xuất thép nghiên cứu đầu tư tăng chuỗi giá trị gia tăng trong suốt quá trình sản xuất thép.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết 'Bão giá' vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị rà soát. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới