Thứ sáu, 10/01/2025 00:54 (GMT+7)
Thứ sáu, 27/12/2024 09:55 (GMT+7)

Bao giờ khởi công dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam?

Theo dõi KTMT trên

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ đã xây dựng kế hoạch tổng thể. Bao gồm: lựa chọn tư vấn; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; đấu thầu các gói thầu thi công xây dựng… dự kiến khởi công Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam vào tháng 12/2027.

Báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, Bộ đã xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai dự án, bao gồm: Lựa chọn tư vấn; lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; đấu thầu các gói thầu thi công xây dựng… Dự kiến, dự án sẽ khởi công vào tháng 12/2027.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ đang xây dựng, lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết của Chính phủ xác định, quy định cụ thể các mốc tiến độ chính của dự án; thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng một số chính đặc thù, đặc biệt đối với dự án.

Bao giờ khởi công dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam? - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Tại phiên họp này, Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thảo luận về một số vấn đề đặt ra trong trong kế hoạch thực hiện dự án, như: Đầu ra ổn định khi phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo đường sắt, đào tạo nhân lực; phương án huy động các nguồn vốn cho dự án; sớm ban hành kế hoạch, chỉ tiêu sử dụng đất, định hướng phát triển quỹ đất đô thị theo hướng tuyến giao thông (TOD) cơ chế chính sách thực hiện dự án; ứng dụng, chuyển giao tiến tới làm chủ công nghệ; định hướng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia… Một số số ý kiến cho rằng kế hoạch phải làm rõ hơn các nhiệm vụ liên quan đến phát triển công nghiệp đường sắt, các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, việc lựa chọn tư vấn thiết kế, giám sát, thẩm định rất quan trọng. Đây phải là những tổ chức có kinh nghiệm, năng lực, chuyên môn hàng đầu thế giới.

Kết luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý việc ban hành nghị quyết Chính phủ về kế hoạch tổ chức thực hiện nghị quyết của Quốc hội liên quan tới dự án phải khoa học, toàn diện, đồng bộ, thể hiện tính khả thi, linh hoạt để có tuyến đường sắt và thậm chí có thể mở rộng hơn.

Việt Nam phải làm chủ quá trình phát triển tuyến đường sắt, từng bước nắm bắt, làm chủ ngành công nghiệp đường sắt, các phân ngành liên quan đến thông tin, điều khiển, vận hành quản lý và các hệ sinh thái kinh tế đi cùng.

"Ai làm, bao giờ làm và chú trọng từng khâu cụ thể" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu quan điểm và yêu cầu có tầm nhìn rõ ràng về khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách, tránh "đẽo cày giữa đường". Trong đó cần sửa Luật Đường sắt, đưa vào hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về đường sắt tốc độ cao như công nghệ, thiết bị vận hành, điều hành, quản lý thông tin, an toàn xây dựng, có cơ chế chính sách đặc thù...

Lựa chọn "trúng, đúng" tổ chức, đơn vị tư vấn quốc tế uy tín, kinh nghiệm, năng lực hàng đầu thế giới. Xác định chỉ tiêu sử dụng đất, thực hiện giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để tạo quỹ đất phát triển đô thị, nông thôn theo hướng tuyến giao thông (TOD), xác định vốn và phương án huy động...

Về xây dựng đường sắt trong nước, Phó Thủ tướng giao các bộ ngành liên quan xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ phục vụ dự án, "xác định rõ doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm chủ những khâu nào, nhập khẩu những trang thiết bị gì", phát triển sản xuất lưỡng dụng, đa mục đích.

Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có phương án tái cơ cấu, kiện toàn tổ chức bộ máy để tham gia vào quá trình triển khai xây dựng dự án, cũng như tiếp nhận quản lý, khai thác, vận hành sau khi dự án hoàn thành.

Đối với việc bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu vận hành, khai thác, xử lý sự cố… cần phải học hỏi, tiếp nhận và làm chủ hoàn toàn.

"Kế hoạch phải rõ sản phẩm, rõ tiến độ, rõ người thực hiện, rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, nhà thầu, xuyên suốt dự án từ Bắc đến Nam, phân chia từng loại công việc (công trình, phi công trình)", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Bao giờ khởi công dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Con đường "đắt nhất hành tinh" bao giờ về đích?
Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục ở Hà Nội, được mệnh danh là con đường “đắt nhất hành tinh”, tiếp tục được đại biểu HĐND TP.Hà Nội đưa ra chất vấn tại kỳ họp thứ 20, HĐND TP.Hà Nội khóa XVI.

Tin mới