Bao giờ nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam đi vào vận hành?
Theo Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội - chủ đầu tư dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, đến nay, các hạng mục thuộc giai đoạn 1 của dự án đều cơ bản hoàn thành. Dự kiến cuối tháng 1/2022 nhà máy sẽ vận hành thử nghiệm.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội, công ty này đang thực hiện các công tác hiệu chỉnh kỹ thuật, nghiệm thu và chuẩn bị vận hành.
Cụ thể, dự án đã được Cục Giám định xây dựng, Bộ Xây dựng tiến hành kiểm tra, nghiệm thu lần 2 vào tháng 4/2021. Chủ đầu tư đã báo cáo Cục về việc nhà máy sẽ vận hành làm 3 giai đoạn và xin phép Cục chia dự án theo giai đoạn để tiến hành kiểm tra, nghiệm thu. Kiểm tra, nghiệm thu lần 3 dự kiến vào ngày 17/1/2022.
Đáng chú ý, đối với công tác nghiệm thu, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, theo hướng dẫn của Sở TN&MT TP, ngày 29/12/2021, công ty đã nộp lại hồ sơ Kế hoạch vận hành thử nghiệm các hạng mục môi trường (giai đoạn 1).
Theo đó, dự kiến cuối tháng 1/2022 nhận được thông báo kết quả kiểm tra các công trình xử lý chất thải để vận hành thử nghiệm; Hoàn thành việc lập đề án xả thải và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép xả thải theo quy định.
Đối với công tác nghiệm thu các hạng mục về điện, công ty đã hoàn thiện hồ sơ xin nghiệm thu điểm đấu nối và trạm biến áp gửi Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc và Công ty Truyền tải điện 1. Dự kiến sẽ được đóng điện ngược vào cuối tháng 1/2022.
Đối với các nội dung còn vướng mắc, tại buổi làm việc, Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội kiến nghị UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành liên quan sớm phê duyệt hồ sơ Điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư, Chứng nhận đăng ký đầu tư cho công ty vào trước ngày 10/1/2022 để sớm đưa Nhà máy vào vận hành; Đề nghị Tổng công ty Điện lực Hà Nội sớm chấp thuận và ký hợp đồng báo điện theo đề nghị của đơn vị; Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hướng dẫn, tạo điều kiện giúp đỡ và ban hành thông báo kết quả kiểm tra các công trình xử lý chất thải đủ điều kiện để vận hành thử nghiệm.
Đồng thời, kiến nghị UBND thành phố sớm thẩm định và phê duyệt đơn giá xử lý rác để công ty làm căn cứ pháp lý thực hiện các công việc tiếp theo.
Tại buổi kiểm tra hiện trường dự án xây dựng Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đề nghị Công ty Cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội cần tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ của dự án. Về phía thành phố, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cam kết hỗ trợ tối đa cho đơn vị thực hiện. Liên quan đến đề nghị của chủ đầu tư về việc xin phép đưa dự án vào hoạt động theo từng giai đoạn, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: Công ty cần phải có cam kết bởi thành phố sẽ không gia hạn, điều chỉnh thời gian dự án đi vào hoạt động lần nữa.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cũng đề nghị Công ty khẩn trương xây dựng các hạng mục xung quanh nhà máy để tạo cảnh quan, có phương án ứng phó với các sự cố có thể phát sinh như cháy nổ, tràn dầu… Đối với các kiến nghị xin mua điện, thẩm định đơn giá xử lý rác, môi trường, không khí…, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị có liên quan có văn bản hướng dẫn Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội hoàn thiện các thủ tục để xây dựng được đơn giá khi dự án vận hành chính thức.
Dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, được UBND TP.Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017, tổng đầu tư 7.000 tỉ đồng. Đây được xem là nhà máy lớn nhất Việt Nam (lớn thứ hai thế giới) với công suất xử lý 4.000 tấn rác khô (tương đương gần 5.500 tấn rác ướt) mỗi ngày.Nhà máy "sử dụng công nghệ đốt rác châu Âu", mỗi giờ có thể tạo ra 75 MW điện.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện mỗi ngày Thành phố có trung bình 6.000 tấn rác cần xử lý. Phần lớn khối lượng trên được chôn lấp tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn dự kiến xử lý hơn 2/3 số rác của toàn Thành phố; được kỳ vọng giảm ô nhiễm, giảm ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực.
Lan Anh (T/h)