Chủ nhật, 24/11/2024 07:51 (GMT+7)
Thứ ba, 14/02/2023 08:28 (GMT+7)

Bảo tồn cây dược liệu quý sa sâm trên vùng đất cát Quảng Bình

Theo dõi KTMT trên

Với nhiều tên gọi khác nhau, sa sâm, hay còn được gọi là sâm biển/sâm cát, hải cúc… có tên khoa học là Launaea Sarmentosa, là một dược liệu quý trong tự nhiên, vừa là một loại rau sạch mang giá trị dinh dưỡng cao.

Cây sa sâm có các hoạt chất mang tính sinh học kháng viêm, kháng khuẩn, chống đau thắc ngực, giãn mạnh, tăng cường trương lực cơ tim, chống ung thư, chống dị ứng, giảm thiểu các biến chứng do đái tháo đường.

Bảo tồn cây dược liệu quý sa sâm trên vùng đất cát Quảng Bình - Ảnh 1
Cây sa sâm được cho là cây “nhân sâm” quý, có giá trị cao về y - dược, vừa là loại rau sạch mang giá trị dinh dưỡng cao.

Tại Quảng Bình, loài cây sa sâm bản địa mọc tự nhiên trên vùng đất cát ven biển. Loại cây này có giá trị dược liệu cao nên trong tự nhiên bị khai thác quá mức và dần trở nên cạn kiệt. Với mong muốn góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển giống cây sa sâm bản địa, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện Dự án "Mô hình tổ phụ nữ bảo tồn sa sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh."

Được biết, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình với nhiều năm gắn kết với cộng đồng, hỗ trợ phụ nữ trong phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và ổn định đời sống xã hội, đã đề xuất dự án "Mô hình tổ phụ nữ bảo tồn sa sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh”. Việc thực hiện dự án sẽ góp phần bảo tồn giống cây bản địa, đồng thời tạo cơ hội cho người dân tham gia trực tiếp vào hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học và cùng chung tay bảo vệ môi trường bền vững theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự án này sẽ được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2023. Dự án do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam hỗ trợ tài chính thông qua dự án “Quỹ bảo tồn” do Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Viện Gustav - Stresemann (GSI, Đức) phối hợp thực hiện. Dự án sẽ thu gom giống tại địa phương để xây dựng vườn ươm với diện tích 200m2; sau đó hướng dẫn kỹ thuật, trồng thí điểm tại hộ gia đình trên 800m2 và tiến tới mở rộng diện tích thêm 2.500m2 trong vụ mùa tiếp theo. Quá trình triển khai sẽ kết hợp hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch, chế biến nhằm tạo tính bền vững của mô hình.

Theo đó, dự án hướng đến ít nhất 1.000 người dân được hưởng lợi, trong đó phụ nữ 70%, nam giới 30%. Tính sáng tạo thể hiện ở sự gắn kết giữa phát triển cộng đồng và bảo tồn đa dạng sinh học; có sự phối hợp của các tổ chức khoa học để đảm bảo quy trình sản xuất có thể nhân rộng, thành lập tổ hợp tác, nhằm xây dựng mô hình quản lý chuyên nghiệp, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao năng lực cho địa phương, hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững.

Bảo tồn cây dược liệu quý sa sâm trên vùng đất cát Quảng Bình - Ảnh 2
Cây sa sâm là loại cây có giá trị cao về y - dược, được dùng nhiều trong y học cổ truyền, đây còn là loại rau sạch có giá trị dinh dưỡng cao.

Theo các nhà nghiên cứu, sa sâm có các thành phần dược liệu như saponin, polyphenol, flavonoid có khả năng chống ung thư, giúp tăng cường hệ tim mạch, giảm thiểu các biến chứng do đái tháo đường và các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Cây sa sâm được cho là loại cây “nhân sâm” quý, có giá trị cao về y dược vì toàn bộ rễ, thân, lá của cây đều sử dụng được. Lá tươi dùng ăn sống, nấu canh hoặc nấu nước uống giải nhiệt; bột chống lão hóa da, thanh lọc cơ thể.

Ngoài ra, cây sa sâm tươi còn làm thuốc lợi sữa cho phụ nữ, hoặc giã nát đắp chữa đau khớp… Rễ phơi khô sao vàng chữa sốt, giảm ho, long đờm, nhuận tràng, lợi tiểu, có khả năng phòng và chống bệnh ung thư. Loại cây này nếu ngâm rượu sẽ giúp tăng cường chức năng sinh lý cho nam giới. Việc triển khai trồng cây sa sâm vừa góp phần bảo tồn giống cây bản địa, bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường bền vững, chống cát bay, cát nhảy, sa mạc hóa vừa cung cấp nguồn dược liệu quý, giúp nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Tại Quảng Bình, sa sâm là loài cây bản địa mọc tự nhiên trên vùng đất cát ven biển. Đặc biệt, ở xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), cây sa sâm mọc tự nhiên nhiều hơn các xã ven biển khác nhưng còn phân bố rải rác, chưa được trồng, chăm sóc và bảo tồn. Việc triển khai dự án sẽ tạo việc làm cho phụ nữ, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương, đặc biệt là dịp để mỗi người dân cùng chung tay góp phần bảo vệ môi trường. 

Đây là tầm nhìn dài hạn, có tính chiến lược, để doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư vào cây dược liệu, giúp hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Tương lai sẽ hướng đến việc kết nối thị trường với các doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm sa sâm Quảng Bình. Việc đẩy mạnh công tác nhân giống và trồng cây thuốc trên quy mô lớn, phát triển nguồn dược liệu hàng hóa phục vụ cho việc điều trị trong nước và xuất khẩu đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm.

Dự án trồng cây sa sâm đang và sẽ là hướng đi bền vững, ổn định cho người dân về sản vật của địa phương và là điểm nhấn quan trọng của nền nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân ven biển.

Nguyễn Công

Bạn đang đọc bài viết Bảo tồn cây dược liệu quý sa sâm trên vùng đất cát Quảng Bình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới