Chủ nhật, 24/11/2024 03:29 (GMT+7)
Thứ năm, 24/10/2024 17:18 (GMT+7)

Bão Trà Mi ảnh hưởng thế nào đến vùng biển Nam Bộ?

Theo dõi KTMT trên

Dự báo trong khoảng từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, cơn bão sẽ di chuyển chậm lại theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km, sau có khả năng đổi hướng Nam Tây Nam. 

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho hay, vào 13 giờ ngày 24/10, cơn bão TRAMI (Trà Mi), có vị trí tâm ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 120,3 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Tây Bắc đảo Lu Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 11. Di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.

Bão Trà Mi ảnh hưởng thế nào đến vùng biển Nam Bộ? - Ảnh 1
Dự báo đường đi của cơn bão sau khi vào Biển Đông. (Nguồn: Internet)

Trong khoảng từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, dự báo bão di chuyển chậm lại theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km, sau có khả năng đổi hướng Nam Tây Nam.

Vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10 (89-102km/h), giật cấp 12, sóng biển cao 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão 5,0-7,0m; biển động rất mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Vùng biển từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm vùng biển TP.HCM) và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan gió Bắc đến Tây Bắc cấp 4. Độ cao sóng 0.5-2.0m. Trên cả hai vùng biển, thời tiết có mưa rào và dông rải rác, trong cơn dông đề phòng gió giật mạnh, lốc xoáy.

Thời tiết các tỉnh Nam Bộ và TP.HCM đêm 24/10 và ngày 25/10 có mưa rào và dông vài nơi.

Để phòng chống ảnh hưởng của bão Trà Mi, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM đề nghị các địa phương sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền hoạt động trên sông, biển, cảng biển.

Cùng với đó theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến của bão qua qua bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, website Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, APP và website của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM.

UBND huyện Cần Giờ, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin duyên hải TP phải thường xuyên thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão gần biển Đông để chủ động phòng tránh. Cần đảm bảo an toàn, không đi vào khu vực nguy hiểm và có kế hoạch sản xuất, khai thác thủy sản phù hợp.

Các địa phương, đơn vị cần chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống. Cần tổ chức trực ban, kịp thời thông tin, báo cáo những tình huống bất lợi về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.

Về cách đặt tên các cơn bão, ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo khí tượng thủy văn, đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ cho hay, khu vực Biển Đông, trong đó có Việt Nam, các nước đều tuân theo quy tắc đặt tên quốc tế do Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological Organization - WMO) quy định, tuy nhiên mỗi quốc gia lại có tên gọi riêng của mình.

Tại Việt Nam, bão được đặt tên theo số thứ tự cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên khu vực Biển Đông (từ kinh tuyến 120 trở vào). Tuy vậy, theo Cục quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA), nước này sẽ sử dụng danh sách tên bão riêng của họ gồm 25 tên để đặt cho một xoáy thuận nhiệt đới khi nó đi vào khu vực theo dõi của họ (Philippine Area of Responsibility - PAR). Ví dụ, cơn bão Trami hiện tại Philippin gọi là “Kristine”.

WMO cho biết, các cơn bão nhiệt đới được đặt tên theo quy tắc ở từng khu vực.

Riêng khu vực Đại Tây Dương, WMO sử dụng danh sách gồm 21 tên để đặt cho các cơn bão. Tổng cộng, 6 danh sách sẽ được sử dụng luân phiên qua các năm. Theo đó, danh sách tên bão năm 2019 sẽ được sử dụng lại vào năm 2025, điểm đặc biệt, tên các cơn bão không bắt đầu bằng các chữ cái Q, U, X, Y hoặc Z.

Các quốc gia ở Bắc Ấn Độ Dương bắt đầu sử dụng hệ thống mới để đặt tên cho các cơn bão nhiệt đới từ năm 2020. Những cơn bão được liệt kê theo thứ tự bảng chữ cái, theo từng quốc gia và được đặt bằng những cái tên trung tính.

Ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và Biển Đông (trong đó có các cơn bão đổ bộ vào nước ta), phần lớn cơn bão được đặt tên theo tên địa danh, động vật hoặc thực vật. Mỗi quốc gia được đặt 10 tên bão, chia thành 5 danh sách và sẽ xoay vòng theo năm.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khi bão vượt qua quần đảo Hoàng Sa khả năng đạt cấp 12, giật cấp 15. Sau đó, bão tiếp tục hướng về phía bờ biển các tỉnh Trung Bộ.

Nhận định xa hơn, ngày 26 đến ngày 28/10 các tỉnh Trung Bộ xuất hiện đợt mưa lớn trên diện rộng do ảnh hưởng của bảo Trà Mi.

Bích Ngọc

Bạn đang đọc bài viết Bão Trà Mi ảnh hưởng thế nào đến vùng biển Nam Bộ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Siêu bão Man-yi giật cấp 14, chính thức vào biển Đông
Siêu bão Man-yi mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 14, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ 20km/h. Vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông.

Tin mới