Chủ nhật, 24/11/2024 08:06 (GMT+7)
Thứ tư, 09/08/2023 23:15 (GMT+7)

Bảo vệ lòng, bờ, bãi sông ở Nam Định: Tạo sinh kế bền vững cho người dân

Theo dõi KTMT trên

Vì sao đúng vào thời điểm thiếu điện ở miền Bắc, thì tại tỉnh Kon Tum lại xảy ra tình trạng ngành điện không mua điện của những nhà máy thủy điện vừa và nhỏ phát phần vượt công suất lắp máy?

Nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, với 72km đường bờ biển, Nam Định có nhiều điều kiện thuận lợi cho khai thác, nuôi trồng thuỷ, hải sản, phát triển du lịch, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho  người dân. Song đi kèm đó là áp lực lên công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ lòng, bờ, bãi, sông.

Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Quang Trung - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nam Định.

PV: Xin ông cho biết đặc điểm hệ thống sông, ngòi, đê điều trên địa bàn tỉnh Nam Định?

Ông Đỗ Quang Trung: Nằm trong châu thổ sông Hồng - Thái Bình, Nam Định có 14 con sông lớn, nhỏ với độ dài 230 km, chiếm 3% tổng diện tích đất tự nhiên, mật độ sông khoảng 1,5 - 2km/km2. Sông Hồng là sông lớn nhất chảy qua Nam Định, đổ ra biển tại cửa Ba Lạt; sông Đáy đổ ra biển tại cửa Đáy; sông Ninh Cơ đổ ra cửa Lạch Giang và sông Đào là phân lưu của sông Hồng, sông Đáy. Ngoài 4 sông chính, còn có hệ thống sông vừa và nhỏ như sông Vĩnh Giang, sông Sắt, sông Sò, sông Châu Thành... cùng hệ thống hồ đầm, ao, kênh mương phong phú.

Bảo vệ lòng, bờ, bãi sông ở Nam Định: Tạo sinh kế bền vững cho người dân - Ảnh 1
Ông Đỗ Quang Trung - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định

Các sông lớn chảy qua địa phận Nam Định đều thuộc hạ lưu nên lòng sông thường rộng, độ sâu thấp, tốc độ chảy chậm hơn phía thượng lưu và có quá trình bồi đắp phù sa ở cửa sông. Do ảnh hưởng của đặc điểm địa hình, khí hậu nên chế độ nước sông chia làm 2 mùa rõ rệt. Vào mùa lũ, lưu lượng nước sông khá lớn, khi mưa to kéo dài, nếu không có hệ thống đê điều thì đồng bằng sẽ bị ngập lụt. Vào mùa cạn, lượng nước sông giảm nhiều, các sông chịu ảnh hưởng lớn của thủy triều, khiến vùng cửa sông nhiễm mặn.

Cùng với lịch sử hình thành, phát triển lâu dài của vùng đất Nam Định gắn liền với quá trình chẩn trị, khai thác hòa hợp với thiên nhiên đã hình thành hệ thống đê, kè sông, biển tương đối hoàn chỉnh với trên 434.000km đê chính.

PV: Thời gian qua, công tác bảo vệ lòng, bờ, bãi sông trên địa bàn tỉnh Nam Định đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Quang Trung: Nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ lòng, bờ, bãi, sông, Sở TN&MT đã phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai Luật Đê điều, Nghị định 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Tỉnh cũng chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép trong Kế hoạch phòng chống thiên tai với nhiều nội dung đa dạng, hình thức phong phú như: qua các phương tiện thông tin đại chúng, phát thanh, truyền hình, tin nhắn bằng điện thoại cho từng cá nhân; tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, truyền thanh xã, phường, thị trấn. Qua đó, nâng cao nhận thức, kiến thức về pháp luật, các bài học kinh nghiệm, kỹ năng ứng phó của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng trong phòng tránh, giảm nhẹ tác động của thiên tai, con người tới đê kè, bờ bãi.

Tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm. Xây dựng, thực hiện Quy chế phối hợp với các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình trong quản lý khoáng sản khu vực giáp ranh. Hoạt động cấp phép khai thác cát được thẩm định đánh giá cẩn trọng, tuân thủ các bước, quy trình theo quy định, đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, ổn định, phù hợp với trữ lượng cát, gắn với bảo vệ môi trường.

PV: Phát huy lợi thế về hệ thống sông ngòi, bờ, bãi, theo ông, đã đóng góp như thế nào vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống nhân dân?

Ông Đỗ Quang Trung : Hệ thống sông ngòi trên địa bàn tỉnh Nam Định phân bố đều khắp các huyện, thuận lợi cho hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, du lịch… Trong đó, vùng ven biển gồm 3 huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thuỷ có địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai phì nhiêu, thuận lợi phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, đóng tàu, du lịch biển...

Đặc biệt, khu vực này đã thu hút nhiều dự án đầu tư lớn trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, vận tải biển….; hàng năm đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh. Qua đó, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo của người dân ven biển.

PV: Quá trình triển khai bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, Nam Định đang gặp những khó khăn, vướng mắc nào? Định hướng nâng cao hiệu quả bảo vệ lòng, bờ, bãi sông thời gian tới, thưa ông?

Ông Đỗ Quang Trung: Nam Định là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, nhất là hiện tượng xâm nhập mặn, nước biển dâng. Trong khi, các công trình đê kè đầu tư nhiều năm đã xuống cấp, chưa kịp thời tu bổ, sửa chữa, thay thế. Nhận thức của một bộ phận người dân còn xem nhẹ công tác bảo vệ đê kè, bờ bãi; đôi khi có sự xung đột giữa công tác bảo vệ đê, kè và lợi ích, sinh kế của người dân.

Xác định rõ những hạn chế, Sở TN&MT đang tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, người dân, chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ tác động của thiên tai trong bảo vệ đê kè, bờ bãi. Cân đối, ưu tiên kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đê, kè biển, cũng như các công trình phòng chống thiên tai, đảm bảo chống chịu trước tác động của thiên tai, BĐKH. Bám sát, cập nhật các thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai.

Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên đất; sử dụng giống cây có khả năng chống chịu cao. Ở vùng thấp trũng, xây dựng mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm, cá; khu vực bị nhiễm mặn chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nam Định được Trung ương đánh giá là tỉnh trong tốp dẫn đầu toàn quốc về hiệu quả thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,32%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 70 triệu đồng. Dự kiến đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn 0,6%. Nam Định đặt mục tiêu duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 0,05 - 0,1%, phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn hộ nghèo, trừ những hộ không có khả năng lao động.

Bài và ảnh: Việt Linh

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ lòng, bờ, bãi sông ở Nam Định: Tạo sinh kế bền vững cho người dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới