Chủ nhật, 24/11/2024 08:14 (GMT+7)
    Thứ hai, 14/12/2020 08:38 (GMT+7)

    Bất động sản xanh là cơ hội và thách thức cho các nhà đầu tư tại Việt Nam

    Theo dõi KTMT trên

    BĐS xanh là xu thế phát triển hiện đại, khi môi trường sống của con người đang bị tác động bởi biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và tài nguyên đang ngày dần cạn kiệt. Vấn đề này đặt ra nhiều thách thức, cũng như cơ hội cho các nhà đầu tư tại Việt Nam.

    Hiện nay, công trình xanh là một chủ đề được quan tâm ở nước ta. Đặc biệt là trước tình hình biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, ô nhiễm môi trường… Nhiều năm qua, trào lưu công trình xanh tại các nước phát triển được xem là mô hình lý tưởng cho các nước đang phát triển. 

    Ở Việt Nam, kiến trúc dân gian đã có những kinh nghiệm xanh ứng xử với khí hậu, tuy nhiên, ở một trình độ công nghệ thấp và những điều kiện kinh tế hạn hẹp. Nhưng hiện nay, chúng ta có thể áp dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ, học hỏi kinh nghiệm từ những nước đi trước. Tuy nhiên, bên cạnh việc tiếp thu các công nghệ tiên tiến của các nước phát triển, cần quan tâm đến khía cạnh nhân văn, khai thác lợi thế của các địa phương trong việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam và phát triển bền vững của đất nước.

    Là một trong những người có sự nghiên cứu sâu rộng về phát triển công trình xanh, PGS.TS - KTS. Hoàng Mạnh Nguyên - Giám đốc Viện Đô thị xanh Việt Nam, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có chia sẻ về những thách thức và cơ hội phát triển của loại hình BĐS xanh cùng PV Tạp chí Kinh tế Môi trường.

    Thưa PGS.TS - KTS Hoàng Mạnh Nguyên, công trình xanh hay nói cách khác là BĐS xanh được hiểu như thế nào?

    -Công trình xanh được định nghĩa là công trình xây dựng mà trong cả vòng đời của nó, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm, thiết kế, thi công, vận hành sử dụng cho đến giai đoạn sửa chữa, cải tạo tái sử dụng đều phải đạt được hàng loạt các tiêu chí. Cụ thể là sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, nước, vật liệu, giảm thiểu nhỏ nhất các tác động đến môi trường xung quanh và sức khỏe con người, bảo tồn cảnh quan và sinh thái tự nhiên, tạo ra điều kiện sống tốt nhất cho con người.

    Bất động sản xanh là cơ hội và thách thức cho các nhà đầu tư tại Việt Nam - Ảnh 1
    PGS.TS - KTS Hoàng Mạnh Nguyên - Giám đốc Viện Đô thị xanh Việt Nam, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

    Việc phát triển Công trình xanh mang lại lợi ích như thế nào, thưa ông?

    Theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới đầu tư xây dựng các công trình xanh, trung bình sẽ đòi hỏi tăng vốn đầu tư khoảng từ 3 – 8 % so với đầu tư thông thường, nhưng các công trình xanh sẽ tiết kiệm được từ 15 đến 30% năng lượng sử dụng, sẽ giảm khoảng 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30% - 50% lượng nước sử dụng và từ 50% - 70% chi phí xử lý chất thải. Các công trình xanh sẽ góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, tuổi thọ công trình cao.

    Bất động sản xanh là cơ hội và thách thức cho các nhà đầu tư tại Việt Nam - Ảnh 2
    Việc phát triển BĐS xanh sẽ tốn chi phí đầu tư, tuy nhiên lại tiết kiệm và thân thiện với môi trường trong quá trình sử dụng.

    Ông có thể cho biết, điều kiện để phát triển công trình xanh (BĐS xanh) ở Việt Nam cần chú ý những gì?

    -Thứ nhất về khí hậu: Ở Việt Nam rất khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng, bức xạ mặt trời lớn, đặc biệt ở phía Bắc có mùa đông lạnh với độ ẩm cao. Phát triển công trình xanh ở nước ta phải chú ý tới các yếu tố khí hậu theo từng vùng khác nhau của đất nước. Có thể kể đến một số vùng khí hậu đặc trưng như khí hậu vùng núi Đông Bắc Bộ, vùng núi Tây Bắc Bộ, vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng gió Lào miền Trung, vùng ngập lũ Nam Bộ…

    Khí hậu các địa phương Việt Nam hoàn toàn khác với khí hậu các nước Âu – Mỹ. Do vậy có thể thấy những công nghệ của các nước phát triển Âu – Mỹ là không hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm Viêt Nam. Nếu những giải pháp cho khí hậu Âu – Mỹ là sưởi ấm thì tại Việt Nam là làm mát, hút ẩm và chống giá buốt… Ở một góc nhìn khác, điều kiện khí hậu nhiệt đới của nước ta cũng rất thuận lợi cho việc thiết lập những sắc thái riêng với các thành tố xanh trong quy hoạch và xây dựng đô thị xanh.

    Bất động sản xanh là cơ hội và thách thức cho các nhà đầu tư tại Việt Nam - Ảnh 3
    Với điều kiện khí hậu nóng ẩm, ngôi nhà được che phủ bời không gian cây xanh, khí hậu trong lành là điều nhiều người đang hướng đến.

    Thứ hai là bản sắc văn hóa dân tộc: Ở Việt Nam có 54 dân tộc, chính vì vậy bản sắc văn hóa địa phương rất đa dạng. Mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán, phương thức sản xuất canh tác, lối sống riêng… Việc lựa chọn những giải pháp phù hợp với truyền thống văn hóa, lối sống, tâm lý, nhu cầu và khả năng thực tế của cộng đồng dân cư là hết sức quan trọng trong việc tạo dựng môi trường kiến trúc đô thị.

    Phát triển công trình xanh ở Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề bản sắc văn hóa địa phương tại mỗi vùng miền, mỗi nơi có một lối sống và kiến trúc đặc trưng riêng vì vậy phát triển công trình xanh cần đề ra các chiến lược, chính sách, các giải pháp quy hoạch, thiết kế xây dựng phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Yếu tố văn hóa cũng là cơ sở để đạt được sự chấp nhận của cư dân địa phương hướng tới các nhu cầu thiết thực của cộng đồng. Từ đó có thể áp dụng rộng rãi tránh được những nguy cơ phá vỡ các tập quán sinh hoạt truyền thống. 

    Thứ ba là điều kiện kinh tế: Công trình xanh Việt Nam phải được xây dựng phù hợp với điều kiện của nền kinh tế đất nước. Việt Nam là quốc gia đang phát triển còn nghèo so với nhiều nước trong khu vực. Công trình xanh tại Việt Nam nên phát huy sử dụng được các nguồn lưc tại chỗ, hướng đến những giải pháp xây dựng đơn giản phù hợp với trình độ xây dựng của khu vực, dễ bảo dưỡng đạt được mục tiêu giá thành hợp lý phù hợp với khả năng thu nhập của người dân địa phương. Những ràng buộc về địa lý đã hình thành các hoàn cảnh của từng địa phương, cần quan tâm đến điều kiện đặc thù này để áp dụng những giải pháp xanh, những công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt cần quan tâm đến khu vực nông thôn nơi sinh sống của phần lớn dân cư và chứa đựng nhiều giá trị bản địa.

    Bất động sản xanh là cơ hội và thách thức cho các nhà đầu tư tại Việt Nam - Ảnh 4
    Không cần quá nhiều chi phí đắt đỏ, cũng có thể tạo ra những ngôi nhà thân thiện với môi trường.

    Phát triển công trình xanh là mục tiêu hướng đến để nâng cao chất lượng đời sống của người dân, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Vậy phát triển công trình xanh ở Việt Nam hiện nay có những thách thức gì?

    -Việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam lâu nay chỉ dừng lại ở mức chung chung mờ nhạt, thiếu bản sắc, tính hiện đại không triệt để, còn một khoảng cách khá xa với trình độ quốc tế. Đối với xu hướng kiến trúc tiên tiến và đang phát triển trên thế giới như công trình xanh, cách tiếp cận và sự hiểu biết của chúng ta còn rất sơ lược. Số lượng các tài liệu về “công trình xanh” lưu hành tại Việt Nam chưa nhiều và chưa được phổ cập rộng rãi. Đa phần các tài liệu có xuất xứ từ Châu Âu hay Bắc Mỹ, nơi chủ yếu chống lạnh. Trong khi tại Việt Nam, vấn đề chống nóng và thoát ẩm phải đặt lên hàng đầu.

    Bất động sản xanh là cơ hội và thách thức cho các nhà đầu tư tại Việt Nam - Ảnh 5
    Kiểu nhà mang đậm nét Nam Bộ.

    Hiện nay chúng ta chưa có hệ thống hành lang pháp lý do Bộ Xây dựng ban hành nhằm thúc đẩy, khuyến khích và bắt buộc các nhà tư vấn, các chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình tuân theo xu hướng thiết kế và xây dựng công trình xanh phát triển bền vững, chưa có sự định hướng của Nhà nước và các quy định về luật. Đồng thời sự quan tâm của các nhà đầu tư trong việc lựa chọn công nghệ, vật liệu xanh nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu còn chưa nhiều. Chúng ta cũng chưa xây dựng được một hệ thống tiêu chí đánh giá công trình xanh tiêu chuẩn như các nước trên thế giới để ứng dụng cụ thể vào Việt Nam.

    Việc ứng dụng công nghệ xanh trong các công trình xây dựng hiện nay ở Việt Nam mới chỉ là khởi đầu với chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nên việc ứng dụng, triển khai gặp nhiều khó khăn.

    Bất động sản xanh là cơ hội và thách thức cho các nhà đầu tư tại Việt Nam - Ảnh 6
    Cần có hành lang pháp lý rõ ràng đối với BĐS xanh, tránh tình trạng bị trục lợi bởi các nhà đầu tư không uy tín.

    Hiện nay có tình trạng một số tổ chức, doanh nghiệp có hiện tượng mượn cái mác “xanh” để trục lợi từ các chính sách ưu đãi hoặc để tạo ra vẻ ứng dụng công nghệ mới tiết kiệm năng lượng mà không hề thực chất.

    Bên cạnh đó, một yếu tố không thể thiếu là sự thay đổi tư duy thiết kế của các kiến trúc sư và điều quan trọng nhất là sự thay đổi nhận thức của cộng đồng xã hội để từ đó mọi người đều có trách nhiệm trong việc giữ gìn môi trường sống, tiết kiệm tối đa sử dụng tài nguyên. Hướng tới công trình xanh nhưng với những nỗ lực còn riêng lẻ, thiếu sự phối hợp đồng bộ mà đây lại là điều kiện tiên quyết để thành công.

    Theo ông, đối với Việt Nam, ngoài những thách thức trên thì những cơ hội thuận lợi nào giúp chúng ta có thể phát triển nhanh, mạnh, bền vững công trình xanh?

    -Thứ nhất, nước ta đang trên đà phát triển và hội nhập, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Các khu đô thị, các công trình xây dựng phúc lợi xã hội…ngày càng được phát triển. Trước những thách thức lớn của quá trình đô thị hóa thì phát triển công trình xanh là giải pháp giúp kiến trúc Việt Nam phát triển bền vững, có bản sắc và thân thiện với môi trường. Đây chính là một cơ hội mở cho công trình xanh Việt Nam phát triển.

    Bất động sản xanh là cơ hội và thách thức cho các nhà đầu tư tại Việt Nam - Ảnh 7
    Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi nhưng việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo chưa thực sự hiệu quả.

    Thứ hai, xét về phương diện kiến trúc tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên, thân thiện với môi trường thì hình mẫu kiến trúc truyền thống Việt Nam là một hình mẫu công trình xanh. Những kiến trúc dân gian Việt Nam từ lâu đời đã có những kinh nghiệm xanh nhưng ở trong một trình độ công nghệ thấp. Mặc dù vậy những bài học này lại là những nền móng rất vững chắc cho việc phát triển công trình xanh trong điều kiện Việt Nam trong tương lai.

    Thứ ba, công trình xanh đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng ở các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Công trình xanh đã phát triển ở nhiều nước phương Tây và đã đem lại những giá trị tích cực. Do mới bắt đầu cho công cuộc phát triển công trình xanh, nước ta có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm của các nước phát triển. 

    Thứ tư, Nhà nước đã bước đầu có những quan tâm tới phát triển công trình xanh bằng việc ban hành một số văn bản pháp quy. Bộ Xây dựng đang tập trung điều chỉnh, xây dựng mới những tiêu chuẩn, quy chuẩn mới về mặt quy hoạch, đưa dần các tiêu chuẩn xây dựng xanh vào ở mức độ các tòa nhà, các khu đô thị mới.

    Xin cảm ơn ông!

    Hà Điệp

    Bạn đang đọc bài viết Bất động sản xanh là cơ hội và thách thức cho các nhà đầu tư tại Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới