Thứ tư, 16/04/2025 01:37 (GMT+7)
Thứ tư, 09/04/2025 15:30 (GMT+7)

Những phản ứng đầu tiên của doanh nghiệp Việt sau khi thuế quan 46% có hiệu lực

Theo dõi KTMT trên

Kể từ ngày 9/4, hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ chính thức chịu thuế đối ứng 46%. Ngay lập tức, các doanh nghiệp như Hòa Phát, Navico, HAGL đã có phản ứng.

Thuế đối ứng 46% chính thức có hiệu lực

Những phản ứng đầu tiên của doanh nghiệp Việt sau khi thuế quan 46% có hiệu lực - Ảnh 1
Những phản ứng đầu tiên của doanh nghiệp Việt sau khi thuế quan 46% có hiệu lực.

Không có mức giảm, không có ngoại lệ nào, 11h01 trưa nay 9/4 giờ Việt Nam, mức thuế đối ứng của Mỹ áp dụng với loạt quốc gia và vùng lãnh thổ chính thức có hiệu lực.

Theo Hãng tin Reuters, Phó thủ tướng Việt Nam Hồ Đức Phớc dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent trong ngày 9/4 (giờ Mỹ). 

Trong lịch trình nội bộ mà Reuters xem được, ông Phớc cũng có kế hoạch gặp lãnh đạo của các doanh nghiệp Mỹ như Boeing, SpaceX và Apple trong tuần này.

Ông Phớc dự kiến gặp ông Bessent trong khoảng 45 phút tại Kho bạc ở Washington lúc 4h chiều 9/4 (giờ Mỹ). Lịch trình này được cho là vẫn có thể thay đổi.

Phía Mỹ cho biết tổng cộng đã có gần 70 quốc gia liên hệ để đàm phán. Tuy nhiên, Nhà Trắng chưa có cập nhật gì thêm khi thời hạn áp dụng đã điểm.

Trong họp báo ngày 8/4, bà Leavitt cho biết Mỹ sẵn sàng mở cửa đàm phán song phương, với định hướng xây dựng những thỏa thuận được "may đo" riêng với từng quốc gia, thay vì áp dụng mô hình hiệp định đại trà. Dẫu vậy, thời điểm cụ thể cho các cuộc đàm phán vẫn chưa được công bố.

Tác động lớn đến doanh nghiệp

Đòn thuế quan lần này đã tác động trực tiếp, sâu rộng tới các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, các công ty xuất khẩu đồ điện tử, máy móc - thiết bị, dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản... dự kiến chịu nhiều thiệt hại nhất.

Thông tin từ Hiệp hội Gỗ, lâm sản Việt Nam (Viforest), 5 ngày qua, doanh nghiệp gỗ sống trong những thời điểm rất “sốc”. Việt Nam trong những năm gần đây là quốc gia hàng đầu chế biến, xuất khẩu gỗ chỉ sau Trung Quốc. Năm 2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt mức 119,5 tỷ USD.

Bà Lê Hằng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) - cho biết: "Ngay sau khi nhận thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối ứng 46% đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành thủy sản như "ngồi trên đống lửa" với tâm trạng hoang mang và lo lắng".  Doanh nghiệp thủy sản còn đang e ngại việc sẽ mất thị trường Mỹ trong khi đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhất là với các mặt hàng như tôm sú, cá tra... vì thị trường này chiếm tới 1,8 - 2,1 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng, tác động đến cuộc sống của hàng triệu nông - ngư dân và doanh nghiệp trong ngành.

Còn đối với ngành dệt may, dự báo trong ngắn hạn, xuất khẩu dệt may đi Mỹ sẽ giảm bởi giá cả đắt đỏ hơn, trong khi đó, kỳ vọng đàm phán của Chính phủ và những xoay chuyển của các doanh nghiệp trong ngành sẽ giảm thiểu rủi ro. Dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, xuất sang Mỹ hơn 16 tỷ USD/năm 2024. 

Đối với lĩnh vực máy tính linh kiện điện tử, trị giá xuất khẩu sang Mỹ 23,2 tỷ USD, chiếm 32 tỷ trọng xuất khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này chủ yếu là các doanh nghiệp FDI từ Mỹ như Intel, HP, Dell, Amkor. Đứng trước nguy cơ bị áp thuế đối ứng cao, các doanh nghiệp này có thể chủ động dịch chuyển một phần sản xuất trong khâu hoàn thiện đóng gói sản phẩm sang các quốc gia bị đánh thuế đối ứng thấp hơn như Ấn Độ, Indonesia... Tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp bất động sản Khu công nghiệp và vận tải logistics.

Với ngành dệt may, VCBS cho rằng các công ty như Thành Công (TCM), TNG, May Sông Hồng (MSH), Vinatex (VGT), Sợi Thế Kỷ (STK) đều chịu tác động rất tiêu cực do thuế nhập khẩu từ Mỹ tăng, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ lớn, May Sông Hồng lên tới 80%. Lý do là Mỹ đánh thuế lên hàng dệt may từ Việt Nam, trong khi đánh thuế thấp hơn với Ấn Độ và Bangladesh là hai đối thủ cạnh tranh chính trong ngành dệt may xuất khẩu.

Với ngành thực phẩm, chính sách thuế mới sẽ tác động tiêu cực đến Vĩnh Hoàn (VHC), làm giảm lợi thế cạnh tranh do 32% doanh thu sản phẩm chính là cá tra là từ xuất khẩu sang Mỹ. Tương tự, Thực phẩm Sao Ta (FMC) hay Minh Phú (MPC) có sản phẩm tôm xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng cao (FMC khoảng 34%, MPC khoảng 27%) cũng chịu tác động đáng kể.

Trong nhóm ngành hóa chất, Đức Giang (DGC) có sản phẩm chính là photpho bị ảnh hưởng không đáng kể, trong khi Cao su Đà Nẵng (DRC) có sản phẩm chính là săm lốp xuất khẩu sang Mỹ chiếm 28% doanh thu năm 2024 nên chịu tác động rất tiêu cực.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu thép đã bị áp mức thuế 25% sẽ không bị áp thêm, nhưng tình hình cũng được dự báo không mấy sáng sủa do tình hình chung.

Những phản ứng đầu tiên của doanh nghiệp Việt sau khi thuế quan 46% có hiệu lực - Ảnh 2
Ảnh minh hoạ.

Phản ứng khác nhau của doanh nghiệp Việt 

Trước mức thuế đối ứng 46% chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt đã có những bước đi ban đầu.

Theo đó, Hiệp hội Hồ tiêu và gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết Chủ tịch VPSA đang có mặt tại Mỹ để đàm phán trực tiếp với đối tác.

Còn Hiệp hội Điều Việt Nam đang tìm cách tiếp cận thị trường mới nổi và tiềm năng rất lớn là Trung Đông. Các doanh nghiệp điều lập tức điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu, trong đó quan tâm thị trường Trung Đông và quyết liệt hơn trong việc khai thác thị trường mới. 

Trong lĩnh vực thủy sản, Chủ tịch HĐQT Thuỷ sản Nam Việt (Navico, mã chứng khoán ANV), ông Doãn Tới vừa có tâm thư gửi cổ đông trước việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên Việt Nam.

Theo đó, Chủ tịch Navico cho biết sẽ "xuất trận" để cứu nguy cho cổ đông bằng cách đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu ngày 9/4. Nếu thị trường vẫn giảm thì ông Tới nhấn mạnh sẽ mua tiếp đến khi cổ phiếu không thể giảm sâu thêm nữa.

Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức khẳng định chính sách thuế quan 'địa chấn' của Mỹ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu chính của Hoàng Anh Gia Lai.

Đáng chú ý, ông Đức chia sẻ rằng việc tỷ giá USD liên tục tăng gần đây cũng mang lại kết quả tích cực cho doanh thu xuất khẩu của Hoàng Anh Gia Lai, bởi phần lớn chi phí đầu vào của Doanh nghiệp đều chi bằng tiền VNĐ.

Còn đối với Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG), doanh nghiệp này đã ra nghị quyết thay đổi phương án trả cổ tức 2024. Theo đó, công ty sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%. Trước đó, trong tài liệu họp thường niên 2025, họ đã lên kế hoạch trả cổ tức năm 2024 bằng 15% cổ phiếu và 5% tiền mặt.

Việc điều chỉnh phương án trả cổ tức, theo Hội đồng quản trị Hòa Phát, dựa trên cơ sở thận trọng, đảm bảo nguồn tiền mặt trong bối cảnh biến động thị trường quốc tế phức tạp, như chính sách thuế nhập khẩu đối ứng của Tổng thống Mỹ, trong đó Việt Nam chịu mức 46%.

Bà Võ Thị Liên Hương - Tổng giám đốc Secoin - một công ty có hàng xuất khẩu vào Mỹ cho biết, doanh nghiệp này đã ngay lập tức thay đổi kế hoạch bằng cách kích hoạt phương án dự phòng để đàm phán với các đối tác cũ tại EU, Nhật Bản, Trung Đông…

​Việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh đàm phán với Hoa Kỳ để điều chỉnh mức thuế phù hợp, đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

Về phía doanh nghiệp, việc đa dạng hóa thị trường, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ là những chiến lược quan trọng trong thời gian tới. Khi đó, chính sự chủ động và linh hoạt sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ ứng phó hiệu quả với thách thức hiện tại mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Những phản ứng đầu tiên của doanh nghiệp Việt sau khi thuế quan 46% có hiệu lực. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới