Chủ nhật, 24/11/2024 06:47 (GMT+7)
Thứ ba, 29/11/2022 15:17 (GMT+7)

"Bất ổn" thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính ra chỉ đạo nóng

Theo dõi KTMT trên

Trước những bất ổn của thị trường trái phiếu trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực để thực hiện đúng các cam kết với nhà đầu tư, đảm bảo giữ uy tín với nhà đầu tư và trên thị trường.

Yêu cầu doanh nghiệp trả tiền trái phiếu đúng hạn

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Cụ thể, cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Đặc biệt, doanh nghiệp phải ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực để thực hiện đúng các cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu, đảm bảo giữ uy tín của doanh nghiệp với nhà đầu tư và trên thị trường.

Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, Bộ yêu cầu doanh nghiệp phải chủ động có kế hoạch làm việc với nhà đầu tư để có phương án thanh toán gốc, lãi trái phiếu phù hợp, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; không gây mất trật tự xã hội. Các hành vi vi phạm tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

"Bất ổn" thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính ra chỉ đạo nóng - Ảnh 1
Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp trả tiền trái phiếu đúng hạn. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nhiều biến động; thị trường xuất hiện nhiều thông tin không chính thống về các doanh nghiệp phát hành mà không xuất phát từ chính doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp phải tuân thủ chế độ công bố thông tin về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định.

Ngoài ra, cơ quan quản lý còn đề nghị các doanh nghiệp chủ động, kịp thời cung cấp thông tin để nhà đầu tư có thông tin chính thống về hoạt động của doanh nghiệp.

Nhiều sự việc khiến nhà đầu tư mất niềm tin

Tại cuộc họp về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thị trường chứng khoán vừa trải qua một thời kỳ sụt giảm mạnh, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, niềm tin của nhà đầu tư đối với trái phiếu, cổ phiếu xuống thấp.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói: “Chúng ta đã dành nhiều công sức để tạo dựng nên một thị trường vốn nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển của kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, trong năm 2022, từ sự việc của Tân Hoàng Minh, FLC, hay công ty An Đông và ngân hàng SCB đến nay khiến thị trường liên tục chao đảo”.

“Chúng ta đang nỗ lực tập trung phát triển kinh tế, tập trung nguồn vốn để hoàn thành các dự án. Chính phủ đã đưa ra các gói kích cầu nhằm mục tiêu giải quyết khó khăn và nâng cao khả năng chống chịu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tình hình của doanh nghiệp hiện nay có những khó khăn, sức sản xuất, kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng”, Bộ trưởng cho biết và nhấn mạnh nếu tiếp tục tình hình này thì rất khó khăn cho thời kỳ tiếp theo.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện nay triển vọng về kinh tế Việt Nam vẫn được các định chế tài chính đánh giá rất cao, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 8%; thu ngân sách nhà nước có thể vượt khoảng 14,5%, CPI dưới 4%, bội chi ngân sách dưới 4%.

Có thể thấy về chỉ số kinh tế vĩ mô thời điểm này vẫn tăng trưởng tốt, nhưng nếu không có biện pháp gì để thúc đẩy thị trường, đặc biệt là thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì sẽ rất khó khăn trong tương lai.

Bộ trưởng cho rằng, thị trường chứng khoán là “hàn thử biểu” của nền kinh tế.

Tuy vậy, thị trường chứng khoán vừa rồi suy giảm, riêng chỉ số VN-Index mất 600 điểm, tương đương giảm 38% so với đầu năm 2022.

Trên thực tế thì nhiều cổ phiếu mất tới 70% giá trị và vấn đề thanh khoản rất hạn chế.

Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ và tín dụng diễn biến rất phức tạp, đặc biệt lãi suất liên tục tăng cao, lãi suất huy động trên 10%/năm. Như vậy có thể thấy nguồn tín dụng bị thắt chặt.

Còn đối với thị trường bất động sản, sau thời gian tăng trưởng nóng thì hiện đứng trước nguy cơ vỡ bong bóng do thiếu vốn, cũng như niềm tin của thị trường suy giảm,…

Đối với trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định: Trái phiếu doanh nghiệp luôn xác định là một công cụ của thị trường vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng.

Tuy nhiên, tính đến 30/9/2022 toàn thị trường có 1.260.000 tỷ đồng, tức gần 10% so với dư nợ vay ngân hàng thương mại.

Thời gian vừa qua, có một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong vấn đề phát hành bị xử lý hình sự, gây ra tâm lý hoang mang, dẫn đến nhà đầu tư đua nhau đi rút tiền, doanh nghiệp đi vay gặp khó khăn.

Vì vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc mong muốn cuộc làm việc với các công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành có thể tìm ra giải pháp nhằm giúp thị trường chứng khoán quay trở lại bình thường và tiếp tục phát triển, cũng như tìm ra giải pháp để củng cố niềm tin cho trị trường trái phiếu và tăng cường tính thanh khoản.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói: “Chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến của các doanh nghiệp, vì không ai hiểu về thị trường và các khó khăn vướng mắc hơn chính các doanh nghiệp đang có mặt ở đây”.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết "Bất ổn" thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính ra chỉ đạo nóng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới