Chủ nhật, 24/11/2024 10:13 (GMT+7)
Thứ sáu, 18/10/2019 06:40 (GMT+7)

Bảy ngày lặng im!

Theo dõi KTMT trên

Nước sạch có “mùi lạ” đang hiện hữu ẩn dụ về một đời sống đô thị được “khoác lớp áo” bình yên nhưng ẩn tàng hiểm họa.

Năm 2019, đi qua hơn ba phần tư chặng đường, thế nhưng “bức tranh” môi trường Thủ đô liên tiếp bị phủ bóng bởi những gam màu “tối - xám”. Từ câu chuyện cháy Nhà máy Rạng Đông gây ô nhiễm không khí và đến cung cấp “nước bẩn” thực sự khiến người dân quặn thắt khi nghĩ về môi trường sống của mình.

Vụ việc đổ trộm dầu vào nguồn nước sông Đà từ ngày 8/10, mặc dù, đã được Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà - Viwasupco phát hiện, thế nhưng doanh nghiệp này lại không hề có động thái ngăn chặn kịp thời mà vẫn “bình thản” cung cấp nước cho người dân Thủ đô những ngày sau đó. Chỉ đến khi người dân phản ánh nước có “mùi lạ”, báo chí thông tin, các cơ quan chức năng mới vào cuộc kiểm tra.

Bảy ngày lặng im! - Ảnh 1
Người dân Thủ đô những ngày thiếu nước sạch.

Sau 7 ngày “lặng im” đáng sợ, kết quả xét nghiệm nguồn nước đã được UBND TP. Hà Nội công bố hôm 15/7. “Mùi lạ” trong “nước sạch” mà như khẳng định trước đó của ông Tổng Giám đốc Viwasupco với báo chí “do hàm lượng Clo cao” (?!) lại là Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 - 3,65 lần. Các chuyên gia cảnh báo, tiếp xúc lâu dài với Styren có khả năng gây ra tổn thương vĩnh viễn nếu thường xuyên bị ngộ độc: tổn thương mô gan và thần kinh, thậm chí ung thư.

Bảy ngày, có thể là khoảng thời gian cần có để đảm bảo một quy trình xét nghiệm, kiểm tra. Nhưng cũng thật đắng cay, trong 7 ngày ấy, cuộc sống của hàng vạn người dân Thủ đô thuộc 5 quận huyện đã xáo trộn khủng khiếp. Và không biết họ đã dung nạp bao nhiêu hàm lượng Styren? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm với chính sức khỏe, sinh mạng của người dân?!

Mặc dù, đã có khuyến cáo người dân không nên sử dụng “nước sạch” sông Đà để ăn uống hay tắm giặt, nhưng ở đó, chúng ta đang thấy sự vào cuộc “khá thận trọng” của chính quyền các cấp. Trong khi điều nhân dân cần nhất là sự quyết liệt, kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ; lên tiếng cảnh báo, đưa ra những khuyến cáo hoặc hỗ trợ khi cần thiết của các cơ quan chức năng thay vì để người dân “tự bơi” trong nỗi hoang mang, lo lắng và bức xúc.

Cũng chính từ câu chuyện “nước bẩn” được cung cấp bởi công ty “nước sạch” cho thấy, lỗ hổng lớn trong quy trình sản xuất rất lỏng lẻo, nguồn nước có thể bị “xâm hại” bất cứ lúc nào. Và hơn hết là thái độ vô trách nhiệm của doanh nghiệp và vô cảm của người đứng đầu lĩnh vực sản xuất này.

Thực tế, vô cảm giờ đây không chỉ là căn bệnh của cá nhân mà nó đã trở thành một vấn nạn xã hội. “Không nghe, không thấy, không biết” đã và đang ngấm ngầm làm băng hoại những giá trị đạo đức tốt đẹp.

Đã qua rồi cái thời “mình vì mọi người, trước mọi người vì mình”. Bây giờ là thời của “thân ai người nấy lo”. Những thông điệp của truyền thông chưa đủ sức thuyết phục để truyền cảm hứng cho những người làm việc tốt, trong khi những cảnh báo từ mặt trái vô tình lại tạo hiệu ứng ngược đối với những mong muốn làm việc tốt. Việc tốt, điều thiện bị lợi dụng, trục lợi khiến nhiều người nản lòng khi làm những điều tốt cho xã hội. Khi lòng tốt của con người bị lợi dụng và bị đặt câu hỏi quá nhiều khiến người ta không muốn làm điều tốt.

Đáng nói là “bệnh vô cảm” đang chiều hướng lan rộng ở không ít cơ quan công quyền. Đó là sự thờ ơ, thiếu thân thiện, chiêu trò “đánh võng”, gây khó khăn, cản trở, cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc để vụ lợi, gợi ý vụ lợi... gây bất bình, suy giảm lòng tin của nhân dân.

Không khó nhận ra “bệnh vô cảm”, nhưng làm sao để chữa được nó lại không hề đơn giản. Khi sự ích kỷ, lối sống thực dụng của một bộ phận xã hội gia tăng, sẽ làm cho “bệnh vô cảm” thêm trầm trọng.

Bạn đang đọc bài viết Bảy ngày lặng im!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới