Chủ nhật, 24/11/2024 06:46 (GMT+7)
Thứ năm, 27/05/2021 05:09 (GMT+7)

Bến Tre siết chặt vùng nuôi chim yến

Theo dõi KTMT trên

Ô nhiễm tiếng ồn từ các cơ sở nuôi chim yến bị người dân Bến Tre phản ánh nhiều năm qua, cơ quan chức năng cũng đưa ra những quy định để siết chặt vùng nuôi nhưng vẫn có trường hợp cố tình thực hiện, bất chấp sai phạm.

Bất chấp sai phạm xây nhà nuôi yến

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre cho biết, trong thời gian tới sẽ đề xuất UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra Công ty TNHH MTV Việt Úc - Bến Tre do người dân và báo chí phản ánh xây dựng nhà nuôi chim yến trên khu đất rộng 56,4ha ở ấp Thạnh Ninh, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri được cho thuê với mục đích nuôi trồng thủy sản.

Trên khu đất này Công ty TNHH MTV Việt Úc - Bến Tre xây dựng một căn nhà rộng hàng trăm m2 với thông tin ban đầu là nhà ở cho công nhân. Nhưng khi cơ quan chức năng xã Bảo Thuận vào cuộc kiểm tra, phát hiện công trình là nhà nuôi chim yến nên đã báo cáo UBND huyện Ba Tri xem xét giải quyết.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, Công ty TNHH MTV Việt Úc - Bến Tre còn bị người dân phản ánh, chiếm đoạt đường đi công cộng làm đường nội bộ, chuyên chở và tập kết vật liệu phục vụ cho việc xây dựng các công trình bên trong khu đất.

Bến Tre siết chặt vùng nuôi chim yến - Ảnh 1
Công trình được cho nhà nuôi chim yến của Công ty TNHH MTV Việt Úc - Bến Tre tại huyện Ba Tri (Ảnh TNMT).

Điều này đã khiến cho môi trường xung quanh thường xuyên khói bụi mù mịt, ảnh hưởng tới đời sống của người dân trên địa bàn.

Được biết, từ nhiều năm qua, người dân tỉnh Bến Tre phản ánh về việc các cá nhân, tổ chức tực hiện xây nhà nuôi chim yến, phát loa 24/24h để dẫn dụ chim yến tới làm tổ đã gây ra hiện tượng ô nhiễm tiếng ồn.

Tính đến tháng 4/2020, toàn tỉnh Bến Tre có 255 cơ sở nuôi chim yến, trong đó nhiều nhất là huyện Ba Tri 110 cơ sở, huyện Giồng Trôm 44 cơ sở, huyện Thạnh Phú 30 cơ sở, huyện Bình Đại 20 cơ sở, huyện Châu Thành 18 cơ sở, huyện Mỏ Cày Nam 9 cơ sở, huyện Mỏ Cày Bắc 8 cơ sở và TP.Bến Tre ít nhất với 7 cơ sở.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Trần Thành Hòa - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Đại lại cung cấp thông tin cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn nhiều hơn gấp nhiều lần mà Sở NN&PTNT Bến Tre nắm được.

Cụ thể trên địa bàn huyện Bình Đại tính tới tháng 4/2020 có 137 nhà yến, đa phần là xây dựng tự phát, không giấy phép (chỉ 43 nhà có giấy phép xây dựng), tập trung nhiều ở các xã ven biển. Trong đó, có nhiều cá nhân, doanh nghiệp bất chấp sai phạm thực hiện xây dựng nhà nuôi yến vì nhu cầu và lợi nhuận cao.

Siết chặt vùng nuôi

Trước thực trạng tràn lan nhà nuôi chim yến trên địa bàn, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bến Tre đã ban hành Nghị quyết về việc quy định khu vực không được phép chăn nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi chim yến ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn.

Bến Tre siết chặt vùng nuôi chim yến - Ảnh 2
Tiếng ồn từ nhà nuôi chim yến là nỗi ám ảnh của người dân trong nhiều năm qua.

Năm 2018 UBND tỉnh Bến Tre cũng đã có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Theo UBND tỉnh Bến Tre, trên địa bàn tỉnh phát sinh nhiều cơ sở thực hiện hoạt động dẫn dụ và gây nuôi chim yến, nhất là tại các đô thị, khu dân cư đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến đời sống và sinh hoạt của người dân khu vực nuôi chim yến.

UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng, sửa chữa nhà ở để nuôi chim yến, nhà nuôi yến không đúng quy định. Tạm thời ngưng phát triển mới, mở rộng nuôi chim yến tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung và các công trình công cộng trên địa bàn tỉnh.

Đối với các cơ sở nuôi chim yến đã hoạt động trước ngày văn bản này ban hành, UBND tỉnh Bến Tre lưu ý phải đảm bảo thực hiện tốt một số nội dung như: Cơ sở nuôi chim yến có sử dụng âm thanh dẫn dụ, thì thiết bị phát âm thanh dẫn dụ phải đảm bảo không vượt quá 70dBA và không được sử dụng âm thanh trong thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

Đối với các cơ sở nuôi chim yến gây ảnh hưởng môi trường và người dân sinh sống xung quanh thì chủ cơ sở nuôi chim yến phải có biện pháp khắc phục theo quy định.

Nhà nuôi chim yến phải thường xuyên làm vệ sinh và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng ít nhất một tuần/lần. Không sử dụng chất khử trùng ảnh hưởng đến chất lượng tổ yến. Trong trường hợp chống dịch, thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Bên cạnh đó, để hài hòa giữa lợi ích kinh tế và giải quyết tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, môi trường, quản lý dịch bệnh, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các cơ sở nuôi chim yến phải thực hiện đúng quy định các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Chất thải từ việc nuôi chim yến phải được thu gom, tiêu độc, khử trùng và xử lý bằng một trong các biện pháp ủ, đốt, chôn lấp hoặc phương pháp khác nhằm đảm bảo an toàn trước khi đưa ra môi trường. Các chủ cơ sở nuôi chim yến phải phối hợp chấp hành sự kiểm tra, thanh tra điều kiện vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi…

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Bến Tre siết chặt vùng nuôi chim yến. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới