Bến Tre và hành trình hướng đến mục tiêu Netzero cùng ngành dừa
Trái dừa, một đặc sản của tỉnh Bến Tre đã đi đến 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chưa dừng lại ở đó, theo các chuyên gia, ngành dừa của tỉnh này còn có vai trò quan trong trong hành trình hướng đến mục tiêu Netzero.
Bến Tre là một trong 13 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. “Xứ dừa” có diện tích tự nhiên là 2.394 km2, được hình thành bởi cù lao An Hoá, cù lao Bảo, cù lao Minh, và do phù sa của 4 nhánh sông Cửu Long bồi tụ mà thành (gồm sông Tiền dài 83 km, sông Ba Lai 59 km, sông Hàm Luông 71 km, sông Cổ Chiên 82 km).
Tỉnh Bến Tre được mệnh danh là “xứ dừa” nổi tiếng cả nước với diện tích trồng dừa lớn nhất nước và lâu đời nhất. Theo thống kê, hiện nay, tỉnh Bến Tre có diện tích dừa trên 79.000 ha.
Ngày 16/8, UBND tỉnh Bến Tre đã chủ trì, phối hợp Trường Đại học Cần Thơ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học ngành dừa với chủ đề “Bến Tre phát triển xanh và bền vững hướng tới Net Zero”. Tham dự hội thảo này, có các đại diện đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Bộ NN&PTNT, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trường ĐH Cần Thơ…
Về khách mời quốc tế có Tổng Lãnh sự Indonesia tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng lãnh sự danh dự - Cộng hòa Philippines tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP. Hồ Minh, Phó tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh…
Có thể nói, đây là một trong những hội thảo có tầm cỡ và quy mô rất lớn bàn về ngành dừa tại chính “xứ dừa” Bến Tre.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết: Tỉnh Bến Tre có diện tích dừa lớn nhất cả nước với hơn 79.000 ha, giúp địa phương thu về hơn 400 triệu USD mỗi năm. Tính đến nay, các sản phẩm từ dừa của Bến Tre đã xuất khẩu sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tiếp tục được các doanh nghiệp giữ vững và mở rộng.
Theo thống kê, hiện nay, diện tích dừa tại Bến Tre khoảng trên 79.000 ha. Bến Tre có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 đến 5,8 triệu tấn CO2. “Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã, đang tập trung để tiếp tục phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhờ tích cực đầu tư đổi mới công nghệ nên chất lượng các sản phẩm chế biến từ dừa của tỉnh không ngừng được nâng lên”, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhấn mạnh.
Ông Tam nói rằng, nhờ tích cực đầu tư đổi mới công nghệ nên chất lượng các sản phẩm chế biến từ dừa của tỉnh không ngừng được nâng lên. Bến Tre hiện có hơn 200 sản phẩm được sản xuất, chế biến từ dừa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, như: Cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, dầu dừa…Tính đến nay, các sản phẩm từ dừa của Bến Tre đã xuất khẩu sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Và, thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tiếp tục được các doanh nghiệp giữ vững và mở rộng.
Người đứng đầu UBND tỉnh Bến Tre chia sẻ: “Thông qua hội thảo, tỉnh mong muốn Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Bến Tre nói riêng và các tỉnh, thành trồng dừa nói chung về vấn đề liên quan đến phát triển bền vững cây dừa, cũng như tiềm năng và cơ hội tham gia thị trường Carbon của ngành dừa tỉnh Bến Tre”.
Có thể nói, tăng trưởng xanh là xu hướng của toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam. Nhiều chuyên gia khẳng định, việc Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050 thể hiện cho sự quyết tâm, trách nhiệm với vấn đề môi trường toàn cầu.
Cùng nhớ lại, cách đây không lâu, tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow (Scotland), Việt Nam, cùng với nhiều nước trên thế giới đã cùng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050. Chưa dừng lại ở đó, tại COP 28, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã một lần nữa cam kết với toàn thế giới: Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố cam kết mạnh mẽ của Việt Nam, trong nước, các Bộ, ngành địa phương đã vào cuộc để cùng Chính phủ thực hiện cam kết với quốc tế. Các ngành từ tài nguyên môi trường, công thương, giao thông, nông nghiệp…cho đến các tỉnh thành đều chuyển mình mạnh mẽ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững hướng đến Netzero. Và đó có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân Hội thảo khoa học ngành dừa với chủ đề: "Bến Tre phát triển xanh và bền vững hướng đến Netzero" được diễn ra tại “xứ dừa” Bến Tre.
Phát biểu tại hội thảo dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Trần Trung Tính - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ nói rằng, Hội thảo "Bến Tre phát triển xanh và bền vững hướng tới Netzero" là rất quan trọng, cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hội thảo này đã khẳng định vai trò, vị trí của cây dừa trong nền kinh tế nông nghiệp và khả năng thích ứng với biến đổi khi hậu cùng tiềm năng lưu giữ carbon của loại cây này.
Vị Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ thông tin, các nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định dừa là 1 trong 10 loài cây thích ứng biến đổi khí hậu tốt nhất, là 1 trong 5 loài cây thích nghi được tình trạng sa mạc hóa.
Ông cho hay, nghiên cứu cho thấy, tiềm năng tín chỉ carbon từ dừa rất lớn. Với diện tích canh tác chiếm trên 80% tổng diện tích trồng dừa của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm chế biến các sản phẩm từ dừa của Việt Nam. Cây dừa là nguồn nguyên liệu chủ yếu cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm phụ từ vỏ, xơ, gáo dừa ... đều có giá trị kinh tế cao và tạo nên chuỗi giá trị bền vững cho ngành dừa Việt Nam.
“Cây dừa, với sinh khối lớn và tuổi thọ lâu năm, có khả năng hấp thụ một lượng lớn CO2 từ khí quyển trong suốt vòng đời của nó. Các sản phẩm từ dừa cũng đóng góp vào việc giảm thiểu phát thải carbon và rất thân thiện với môi trường”, PGS.TS Trần Trung Tính nêu quan điểm.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Trúc - Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học Công nghệ Tiền Giang, cây dừa có khả năng lưu trữ carbon cao nhờ đặc điểm là cây lâu năm, cây dừa có thể tồn tại 50 - 60 năm. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, cây dừa có khả năng tích tụ carbon trong cơ thể cây của nó và đất trồng. Khả năng tích giữ carbon này sẽ biến động tùy thuộc vào giống dừa trồng, số năm tuổi của cây dừa, mật độ trồng trên mỗi đơn vị diện tích, trồng độc canh cây dừa hoặc có xen canh với những cây trồng khác và cả việc xem xét hàm lượng carbon hữu cơ trong đất trồng cây dừa.
Tại hội thảo, các địa biểu, khách mời đã được nghe chuyên gia trong, ngoài nước trình bày các nội dung như: Triển lãm thành tựu ngành dừa và hội thảo với các chuyên đề về phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành dừa; ngành dừa Bến Tre tham gia nền kinh tế carbon thấp; chính sách phát triển bền vững ngành dừa. Cụ thể, đại biểu đã trình bày các tham luận như: Xác định khả năng hấp thụ CO2 từ dừa; ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo và nhân giống dừa hướng đến sự phát triển bền vững cây dừa cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; tiềm năng và giải pháp phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng dừa ở đồng bằng sông Cửu Long; thị trường tín chỉ các-bon: kinh nghiệm quốc tế và khung chính sách của Việt Nam; phát triển liên kết vùng nguyên liệu, mở rộng diện tích trồng dừa chuyên canh, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; định hướng ngành dừa tham gia chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia hướng tới mục tiêu Net Zero…
Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đề nghị các ngành địa phương tiếp tục đề xuất, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành, định hướng trong xây dựng khung chiến lược, khung tiêu chuẩn, khung chính sách cho thị trường giao dịch chứng chỉ carbon cho ngành dừa tỉnh Bến Tre, góp phần thực hiện tốt hơn về phát triển xanh và bền vững hướng tới net zero.
Là một trong số các khách mời quốc tế, ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM cho biết, trong thời gian một năm, ông đã cùng các doanh nghiệp Trung Quốc đến tỉnh Bến Tre hai lần và có những ấn tượng sâu sắc. Bến Tre là quê hương dừa nổi tiếng ở Việt Nam, sản lượng 800 triệu quả mỗi năm. “Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam từng trao đổi với tôi rằng, giá dừa là “vấn đề dân sinh số một ở Bến Tre”. Ngành dừa có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế và xã hội, nâng cấp và chuyển đổi ngành nghề, giảm lượng khí thải carbon thấp và sinh kế của người dân tỉnh Bến Tre”, Tổng lãnh sự Ngụy Hoa Tường nói.
Ông Ngụy Hoa Tường nói thêm, đàm phán Nghị định thư Yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký tắt, sắp mở ra thị trường khổng lồ với 1,4 tỷ dân cho dừa Bến Tre. Khi nhu cầu về quả dừa tăng lên, nông dân trồng dừa ở Bến Tre và các doanh nghiệp chuỗi ngành dừa làm về chế biến, mua bán,… cũng sẽ tăng thu nhập, người tiêu dùng Trung Quốc được thưởng thức dừa có chất lượng cao và giá hợp lí, đây là minh chứng điển hình cho thấy Trung Quốc sẽ mở cửa ở mức độ cao với bên ngoài, làm sâu sắc hợp tác thực chất, đem lại lợi ích cho người dân Trung Quốc và Việt Nam.
“Trước khi sang Việt Nam công tác, tôi là chủ tịch một doanh nghiệp tài chính nông thôn ở Trung Quốc. Tôi có một cảm nhận từ đáy lòng, đó là nên làm công việc thiết thực cho ngành nông nghiệp, nông dân và nông thôn với tấm lòng biết ơn. Có hai khái niệm mà tôi hiểu sâu sắc: Một là chuyển đổi và nâng cấp ngành nông nghiệp, hai là xây dựng giá trị thương hiệu. Công nghệ sẽ chắp cánh cho việc chuyển đổi và nâng cấp của ngành dừa, công nghệ, vốn và thị trường sẽ mang lại cho quả dừa giá trị ngành nghề lớn hơn, nâng cao đáng kể sức ảnh hưởng thương hiệu của quả dừa Bến Tre. Tham gia Hội thảo hôm nay có Công ty TNHH Tập đoàn Haid Group, công ty sẽ đầu tư phát triển nhà máy sinh thái “nuôi vịt dưới tán dừa” tại Bến Tre, sẽ góp phần tích cực vào việc nâng cấp, chuyển đổi nền nông nghiệp Bến Tre và nâng cao giá trị ngành dừa. Hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Bến Tre, góp phần phát triển ngành dừa Bến Tre bằng những công nghệ mới, mô hình mới”, vị này nhấn mạnh.
Được biết, ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM là người từng tham gia rất nhiều chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và các doanh nghiệp ĐBSCL. Vào tháng 3/2024, ông Ngụy Hoa Tường cùng 60 doanh nghiệp là các tập đoàn, tổng công ty Trung Quốc đã đến Sóc Trăng để gặp gỡ các doanh nghiệp địa phương, tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Và, chỉ một tháng sau, ngày 24/4, UBND tỉnh Cà Mau và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM phối hợp tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Cà Mau. Hội nghị gặp gỡ này nhằm trao đổi, thảo luận, giao lưu, kết nối giao thương, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp tỉnh Cà Mau và doanh nghiệp Trung Quốc.
Cùng ngày, đoàn cũng đã đến thăm tỉnh Bạc Liêu. Bên cạnh các tiềm năng hợp tác về nông nghiệp, thủy sản và chế biến thủy sản, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng quan tâm đến việc phát triển năng lượng sạch tại Bạc Liêu
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS.Trần Khắc Tâm, Phó Chủ tịch Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng khẳng định, ngành dừa được xem là mũi nhọn của tỉnh Bến Tre trong việc phát triển nông nghiệp bền vững hướng đến Netzero. Hiện nay, trái dừa Bến Tre không chỉ chiếm thị phần lớn ở trong nước mà còn được xuất khẩu đi 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, định vị được thương hiệu nông sản Việt Nam. Đây là điều không nhiều sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng có thể làm được.
TS.Trần Khắc Tâm cho biết, ông rất ấn tượng với các quyết sách của tỉnh Bến Tre trong việc mở cửa, thu hút đầu tư trong thời gian qua. Trong đó, với sự quyết tâm của ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã giúp tỉnh này khắc phục khó khăn, hồi phục kinh tế sau Covid-19. Đặc biệt, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bến Tre cũng có sự phát triển vượt bậc.
“Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam là người rất tâm huyết với ngành nông nghiệp Bến Tre, trong đó có trái dừa. Nhờ tích cực đầu tư đổi mới công nghệ nên chất lượng các sản phẩm chế biến từ dừa của tỉnh không ngừng được nâng lên”, TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ tịch Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam chia sẻ.
Được biết, năm 2023, PCI của tỉnh Bến Tre đạt 69,2 điểm (tăng 0,8 điểm) và tăng 6 bậc so với năm 2022, xếp thứ hạng 7/63 tỉnh, thành phố của cả nước; xếp vị trí thứ 3/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Trong 10 chỉ số thành phần, có 2 chỉ số xếp hạng nhất và hạng nhì cả nước bao gồm: Tiếp cận đất đai (xếp hạng I) và Cạnh tranh bình đẳng (xếp hạng II). Trong đó, có 4 chỉ số tăng điểm so với năm 2022 là: (1) Gia nhập thị trường; (2) Tính minh bạch; (3) Cạnh tranh bình đẳng; (4) Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, tỉnh đạt 22,53 điểm (tăng 9,81 điểm) và tăng 43 bậc so với năm 2022, xếp thứ 19/63 tỉnh thành.
Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dừa đạt hơn 1 tỷ USD
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 200.000 ha dừa; trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 175.000 ha, tập trung chủ yếu ở Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang… Hiện nhu cầu tiêu thụ sản phẩm dừa trên thế giới ngày càng tăng, các sản phẩm chế biến từ dừa như kẹo dừa, dầu dừa, chỉ dừa, than hoạt tính được xuất khẩu với khối lượng và kim ngạch ngày càng tăng. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dừa đạt hơn 1 tỷ USD.
Nội dung: Văn Chương
Đồ họa: Hải An