Chủ nhật, 24/11/2024 09:23 (GMT+7)
Thứ hai, 03/06/2019 14:38 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu đe doạ sự sống toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Nền nhiệt toàn cầu được dự đoán sẽ tăng lên 5 độ C vào năm 2100. Nếu viễn cảnh này trở thành sự thật, hậu quả tàn khốc sẽ đe doạ sự sống của hàng tỉ người.

Thực trạng đáng báo động

Năm 2018, tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu ở Ba Lan, các nhà khí tượng dự báo nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2019 sẽ tăng 1,1 độ C, gần bằng mức tăng kỷ lục 1,15 độ C được ghi nhận năm 2016.

Biến đổi khí hậu đe doạ sự sống toàn cầu - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu gây hạn hán, cháy rừng và thiếu nước sạch ở khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Bloomberg.

Bà Samantha Stevenson, nhà khoa học khí hậu tại Đại học California (Mỹ) cho biết, hiện tượng ấm lên toàn cầu có thể biến 2019 thành năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại. Hiện tượng này phần lớn do con người gây ra.

Ngoài ra, sự ấm lên bất thường của nước biển ở Thái Bình Dương (được biết đến với tên gọi El Nino) cũng là nguyên nhân khiến Trái đất nóng lên, khi nhiệt độ trên mặt biển truyền vào khí quyển. Theo Trung tâm Dự báo Khí hậu, Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), El Nino hoạt động mạnh từ cuối năm 2015 và khả năng cao sẽ tiếp tục hình thành ở phía Bắc bán cầu vào năm 2019.

Những tác động của hiện tượng này sẽ càng tồi tệ hơn khi kết hợp với quá trình biến đổi khí hậu nhân tạo, khi chất thải và hoạt động sản xuất của con người diễn ra không ngừng.

Theo ghi nhận của NOAA, chỉ mới đầu hè năm 2019 nhưng nhiều nơi trên thế giới đã phải hứng chịu những đợt nắng nóng kỷ lục. Điển hình như ở Anh và Nga, nhiệt độ vào mùa xuân lên tới 25 - 26 độ C, chênh khoảng 10 độ so với cùng kỳ các năm trước.

Báo cáo của WMO cho thấy, trong vòng 22 năm qua, có tới 20 năm nhiệt độ được đánh giá là nóng nhất trong lịch sử nhân loại. Số liệu năm 2017 cho biết, khoảng 30% người dân trên thế giới phải sống trong nhiệt độ và độ ẩm không phù hợp với con người ít nhất 20 ngày/năm. Những thiên tai gây ra bởi biến đổi khí hậu đang ngày càng nhiều và mạnh hơn.

Bên cạnh đó, từ năm 1970 đến nay, thế giới đã chứng kiến sự tuyệt chủng của khoảng 60% các loài động vật có vú, chim, cá, bò sát và lưỡng cư.

Biến đổi khí hậu đe doạ sự sống toàn cầu - Ảnh 2
Nhiều loài động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: ShutterStock.

Viễn cảnh đáng sợ

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), trong khoảng thời gian từ 2030 đến 2032, nhiệt độ Trái đất được dự đoán sẽ tăng từ 1,5 - 2 độ C, gây hạn hán, “siêu” bão, lở đất, tuyệt chủng và làm mực nước biển dâng cao. Đến năm 2100, nhiệt độ trung bình sẽ tăng tới 3 - 5 độ C, đạt ngưỡng nguy hiểm, gây biến đổi khí hậu không thể đảo ngược, đe doạ cuộc sống của hàng tỉ người và động vật hoang dã.

Biến đổi khí hậu đe doạ sự sống toàn cầu - Ảnh 3
Biến đổi khí hậu gây thiên tai trên toàn thế giới. Ảnh: Thestar.com

Tốc độ biến đổi đang diễn ra rất nhanh và làm rối loạn chu kì khí hậu trong tự nhiên. Theo phân tích của WMO, nếu lượng khí nhà kính thải ra tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại, 74% dân số sẽ phải chịu sóng nhiệt nguy hiểm hơn 20 ngày/năm.

Biến đổi khí hậu đe doạ sự sống toàn cầu - Ảnh 4
Băng ở Bắc Cực tan nhanh, làm không khí nóng lên và đe doạ môi trường sống của nhiều loài vật. Ảnh: Paul Souders.

Bắc Cực cũng đang ấm dần lên với tốc độ nhanh gấp đôi những nơi khác trên hành tinh. Việc tiếp tục mất băng và tuyết bao phủ sẽ gây ra những thay đổi lớn trong nhiệt độ không khí do không còn băng làm mát mặt đất.

Cần những giải pháp cấp bách

Ngăn chặn biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách nhất của mọi quốc gia, yêu cầu hợp tác quốc tế chặt chẽ. Tuy nhiên, Báo cáo Rủi ro toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2019 cho thấy, sự chia rẽ gia tăng giữa các cường quốc đang trong tình trạng báo động, cản trở nghiêm trọng quá trình hợp tác hành động vì môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Trong khi các quốc gia “chìm đắm” trong xung đột thương mại và các bê bối chính trị, an ninh, thiên tai, các hiện tượng khí hậu bất thường đang đe doạ sự sống của hàng tỉ người dân.

Theo các nhà khoa học, để tránh trường hợp xấu nhất, lượng phát thải toàn cầu phải giảm một nửa vào năm 2030 và giảm xuống 0% vào năm 2050, tức phải giảm ít nhất 7%/năm. Để đạt được điều này, các khoản đầu tư mới vào phát triển năng lượng than, dầu khí,… cần phải chấm dứt vào năm 2020. Trong khi đó, mỗi năm cần đầu tư và tăng gấp ba hiệu quả của sản xuất năng lượng tái tạo. Những quốc gia đang phát triển và có thu nhập thấp là đối tượng cầu ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi sang năng lượng sạch, tránh tình trạng các cơ sở hạ tầng nhiên liệu hoá thạch lỗi thời gây ảnh hưởng tiêu cực.

Bên cạnh đó, đưa ra các điều luật và chính sách mới về bảo vệ môi trường cũng rất cận thiết. Ví dụ, đánh thuế carbon sẽ giúp giảm chi phí và lượng nhiên liệu hóa thạch được sử dụng, đồng thời tạo ra nguồn vốn cho nghiên cứu, phát triển và đổi mới các giải pháp giảm lượng carbon.

Ngoài việc chuyển đổi hệ thống năng lượng, các quốc gia cần giảm thải bằng cách thúc đẩy tái sử dụng, tái chế các sản phẩm và vật liệu, mở rộng hình thức sử dụng đất để giảm ô nhiễm,...; đồng thời đầu tư vào trồng rừng quy mô lớn, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển.

Các quốc gia trên thế giới cần hợp tác chặt chẽ, đưa ra biện pháp đồng bộ về công nghệ, kinh tế, xã hội,… để đẩy nhanh quá trình xử lý cấp bách các vấn đề về môi trường.

Biến đổi khí hậu đe doạ sự sống toàn cầu - Ảnh 5
Thị trưởng London (Anh) Sadiq Khan có những bước tiến táo bạo trong công cuộc bảo vệ môi trường. Ảnh: The Asian Today.

Chỉ khi các nhà lãnh đạo chịu hành động, con người mới có thể tránh được những thảm hoạ tồi tệ nhất. Tháng 12/2018, Thị trưởng thành phố London (Anh) Sadiq Khan đưa ra kế hoạch bảo vệ người dân khỏi lũ lụt, hỏa hoạn và biến động chính trị do biến đổi khí hậu. Ông đã đặt ra mục tiêu dài hại, giảm khí thải từ năm 2030 đến 2050 bằng cách đầu tư toàn diện, xây dựng thêm hàng trăm nghìn nhà và toà nhà công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, khử carbon trên toàn mạng lưới điện quốc gia, điện khí hoá phương tiện giao thông cá nhân và công cộng…

Kế hoạch của ngài Thị trưởng London được các tổ chức về môi trường trên thế giới đánh giá là thực tế và nhân văn. Những mô hình như vậy cần được nhân rộng trên khắp thế giới để tránh “kịch bản ngày tận thế”, giành lại sự sống cho nhân loại.

Diệu Anh

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu đe doạ sự sống toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới