Chủ nhật, 24/11/2024 09:39 (GMT+7)
Thứ bảy, 19/08/2023 15:28 (GMT+7)

Bình Thuận: Chủ động phòng, chống thiên tai để phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi KTMT trên

Thời gian qua, Bình Thuận đã và đang triển khai nhiều biện pháp ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giúp cuộc sống của người dân ổn định và yên tâm sản xuất để phát triển kinh tế-xã hội.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận mới đây, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xảy ra một số loại hình thiên tai như lốc xoáy, sét đánh cục bộ; mưa to gây lũ, ngập lụt; gió mạnh; sạt lở đất, sạt lở bờ biển, sự cố, tai nạn tàu thuyền…

Bình Thuận: Chủ động phòng, chống thiên tai để phát triển kinh tế-xã hội - Ảnh 1

Tình hình thiên tai ở Bình Thuận ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường (Ảnh: Báo Bình Thuận)

Tại các huyện vùng ven biển như: Hàm Thuận Nam, Tuy Phong… trong thời gian qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra ngày một thường xuyên và khốc liệt hơn, từ nắng nóng bất thường, lũ lụt hay những cơn lốc xoáy, bão mạnh đã gây thiệt hại lớn cho các địa phương này.

Trong đó, các khu vực biển, ven biển ngoài việc tàu thuyền bị chìm, đắm; lồng, bè nuôi trồng thủy hải sản dưới biển bị sóng mạnh đánh vỡ… thì ở trên bờ, ao nuôi thủy sản, đất nông nghiệp cũng bị xâm nhập mặn.

Còn đối với những huyện vùng cao, vùng miền núi của tỉnh Bình Thuận như: huyện Tánh Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc - nơi có rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo nhưng khu vực này lại thường xuyên xảy ra tình trạng hán hán, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt. Điều này không chỉ thiệt hại lớn về kinh tế do cây trồng bị chết, bị giảm năng suất, đất sản xuất bỏ hoang mà trong đời sống hàng ngày, người dân cũng chật vật xoay xở tìm nguồn nước sinh hoạt.

Về vấn đề này, theo ông Phan Văn Đăng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, thiên tai là trường hợp bất khả kháng nhưng nếu con người nâng cao tính chủ động phòng, chống thì sẽ giúp giảm nhẹ được thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng thời cũng góp phần hạn chế tác động tiêu cực đến thành quả của công tác xóa đói giảm nghèo.

Do đó, trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ tiếp tục triển khai các gải pháp như: rà soát, cập nhật bổ sung, xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo từng cấp độ rủi ro thiên tai và chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”.

“Tỉnh Bình Thuận cũng sẽ tiếp tục tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu cho người dân địa phương để chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, giảm thiệt hại, giúp cuộc sống của người dân ổn định và yên tâm sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững”, ông Đăng thông tin thêm.

Từ đầu năm 2023 đến nay tại tỉnh Bình Thuận, thiên tai đã khiến 5 người chết và 31 người bị thương, 21 hộ dân phải di dời. Mưa to, gió lớn đã làm 347 căn nhà bị sập, tốc mái, ngập, hư hỏng.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh Bình Thuận có hơn 14.700 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, 15 lồng bè và 36 ha nuôi cá truyền thống bị thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh hơn 135 tỷ đồng…

Yến Thanh

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận: Chủ động phòng, chống thiên tai để phát triển kinh tế-xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới