Chủ nhật, 24/11/2024 04:42 (GMT+7)
Thứ sáu, 05/08/2022 09:21 (GMT+7)

Bình Thuận: Hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai tại huyện Hàm Tân

Theo dõi KTMT trên

Trong quá trình thanh tra, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã phát hiện nhiều sai phạm về đất đai tại huyện Hàm Tân và đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh để điều tra theo thẩm quyền vì có dấu hiệu tội phạm.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận (TN&MT) đã ban hành Kết luận thanh tra về công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Theo kết luận thanh tra của Sở TN&MT Bình Thuận, trong 3 năm (2017-2018 và 2019), UBND huyện Hàm Tân cho phép 30 cá nhân chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở nông thôn, đất phi nông nghiệp) với tổng diện tích hơn 45.000m2 trái với các quy định của pháp luật, không đúng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Theo nội dung của kết luận thanh tra, tháng 11/2017, UBND huyện Hàm Tân đã ký 3 quyết định cho phép cá nhân ông Phạm Thanh T. được chuyển 3.421 m2 (Quyết định số 653) đất trồng cây lâu năm sang đất ở nông thôn trái quy định, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở với diện tích 2.417 m2 (Quyết định số 651) nhưng theo kế hoạch sử dụng đất thì đây là đất trồng cây lâu năm và chuyển đổi 3.118 m2 (Quyết định số 652) đất trồng cây lâu năm sang đất ở nông thôn.

Tiếp đó, đến tháng 4/2019, UBND huyện Hàm Tân tiếp tục ban hành Quyết định số 767 cho phép ông Phạm Thanh T. chuyển đổi 4.546 m2 đất từ đất trồng cây hằng năm khác để sử dụng vào mục đích đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp với hình thức “Nhà nước cho thuê đất trả tiền đất một lần” (mã loại đất SKC) tại xã Tân Phúc. Tuy nhiên theo kế hoạch sử dụng đất được duyệt, đây đều là đất trồng cây lâu năm.

Bình Thuận: Hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai tại huyện Hàm Tân - Ảnh 1
Theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm thì phần diện tích đất ông Phạm Thanh T. thuê là đất nông nghiệp nhưng được UBND huyện Hàm Tân cho phép chuyển mục đích thành đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp

Theo Thanh tra Sở TN&MT Bình Thuận, chỉ tiêu đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp ở huyện Hàm Tân là 132,77 ha (trong đó hiện trạng năm 2018 là 78,46 ha, diện tích cộng tăng là 54,31 ha). Trong đó, tại xã Tân Phúc chỉ tiêu đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp  năm 2019 là 5,52 ha (chỉ tiêu 2018 là 0,32 ha, cộng với diện tích tăng 5,20 ha). Toàn bộ diện tích tăng này là công trình phụ trợ khác thuộc mỏ đá Tân Phúc; không có phần diện tích của xưởng gia công may mặc mà huyện Hàm Tân đã cho ông Phạm Thanh T. thuê trả tiền một lần như đề cập.

Dù UBND huyện Hàm Tân đã có văn bản giải trình về việc diện tích đất cho ông Phạm Thanh T. thuê đã được cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất, nhưng đoàn thanh tra phát hiện các quyết định chuyển từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp được ban hành từ trước khi ông T. có đơn xin chuyển.

Ngoài ra, kết luận thanh tra còn xác định có tới 13 trường hợp xác định thông tin về vị trí đất không đúng quy định của pháp luật. Trong đó, có 9 trường hợp Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hàm Tân chuyển thiếu hoặc sai thông tin địa chính dẫn đến Chi cục Thuế huyện Hàm Tân ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất không đúng quy định của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất.

4 trường hợp còn lại là do cơ quan thuế có thông báo nộp tiền sử dụng đất sai với quy định tại Điều 6 Quyết định số 59 của UBND tỉnh Bình Thuận về bảng giá đất. Sau đó, Chi cục Thuế Khu vực La Gi - Hàm Tân tính toán lại và ban hành lại Thông báo thu tiền lệ phí trước bạ và Thông báo thu tiền sử dụng đất hơn 230 triệu đồng.

Từ những sai phạm nêu trên, Sở TN&MT đề nghị Thanh tra Sở chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan CSĐT để điều tra nhằm làm rõ dấu hiệu vi phạm theo quy định tại khoản 1, điều 229 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, Sở TN&MT còn đề nghị cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân và xử lý theo quy định pháp luật đối với những hạn chế, sai phạm được nêu trong kết luận như: xác định khu vực, vị trí, thửa đất vườn ao không đúng quy định; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng với Kế hoạch sử dụng đất được duyệt; chuyển mục đích sử dụng đất có tách kèm theo đất nông nghiệp…

Kết luận thanh tra của Thanh tra Sở TNMT nêu rõ: "Việc chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính và thông báo nộp tiền sử dụng đất không đúng quy định pháp luật, có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự".

Sáng ngày 04/08, thông tin với Phóng viên (PV) Tạp chí Kinh tế Môi trường, đại diện Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho biết: “Toàn bộ hồ sơ liên quan tới các vi phạm về đất đai trên địa bàn huyện Hàm Tân đã được Sở TN&MT chuyển sáng cơ quan cảnh sát điều tra để tiếp tục làm rõ”.

Cùng ngày, trao đổi qua điện thoại với PV, ông Hà Lê Thanh Chung, Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân cũng cho biết: “Liên quan đến những vi phạm về đất đai trên địa bàn trong thời gian qua, huyện đang triển khai thực hiện theo những nội dung mà kết luận thanh tra của Sở TN&MT đã nêu. Cụ thể, huyện đã tổ chức họp kiểm điểm các cá nhân có liên quan và hiện đang thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật”.

Trao đổi với Phóng viên Kinh tế Môi trường, Luật sư Phan Văn Tú ((Văn phòng Luật sư Nhật Bình – Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, Sở TNMT tỉnh Bình Thuận chuyển hồ sơ vụ việc nêu trên sang cơ quan điều tra để tiếp tục điều tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật quy định tại Điều 229 Bộ Luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 là hoàn toàn có cơ sở. Đó là hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai đối với việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Bởi, theo Luật sư Tú, Điều 229 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về: “Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai” có khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 229 Bộ luật hình sự cũng nêu rõ những yếu tố cấu thành tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai như sau:

Thứ nhất, khách thể của tội phạm: Khách thể của tội này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là các quy định của nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai về việc giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Đối tượng tác động của các tội phạm này là đất đai.

Thứ hai, mặt khách quan của tội phạm: Về hành vi, chủ thể lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi giao đất trái pháp luật; Thu hồi đất trái pháp luật; Cho thuê đất trái pháp luật; Cho phép chuyển quyền sử dụng đất trái pháp luật; Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật.

Về hậu quả: Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2);

Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp; Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.

Thứ ba, về chủ thể của tội phạm: Là người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý đất đai theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, mặt chủ quan của tội phạm: Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý

Bên cạnh đó, Luật sư Tú chia sẻ, thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành phố đã xảy ra không ít những vụ việc liên quan tới vi phạm đất đai, có nhiều cán bộ đã bị cho thôi chức vụ, bị khởi tố để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều này cho thấy, công tác quản lý đất đai ở một số nơi vẫn còn lỏng lẻo dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Chính vì thế, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận: Hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai tại huyện Hàm Tân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới