Chủ nhật, 24/11/2024 08:06 (GMT+7)
Thứ ba, 23/08/2022 16:50 (GMT+7)

Bình Thuận triển khai nhiều giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu diễn ra trên địa bàn, tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng hạn hán, sạt lở đất bờ sông, bờ biển... đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội.

Những năm qua, biến đổi khí hậu đã có nhiều tác động tiêu cực trực tiếp đến sự phát triển kinh tế xã hội, đời sống của người dân tại tỉnh Bình Thuận. Cụ thể như thời tiến biến đổi bất thường, nắng nóng kéo dài vào mùa khô, lượng mưa phân bố không đều, tình trạng sạt lở đất diễn ra tại nhiều nơi gây ra nhiều hệ lụy lớn cho tỉnh Bình Thuận.

Theo ghi nhận, thời gian qua, sau mỗi mùa gió Đông Bắc, đường bờ biển ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thường xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến các khu dân cư bờ biển, khu du lịch và bãi tắm, làm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các địa phương như TP. Phan Thiết, XT. Huyện Tuy Phong, TX. LaGi là những địa bàn thường xuyên xảy ra tỉnh trạng sạt lở bờ biển nghiêm trọng.

Bình Thuận triển khai nhiều giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Sạt lở bờ biển gây nhiều hệ lụy tại tỉnh Bình Thuận

Mới đây nhất, ngày 19/7, thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, do ảnh hưởng của trường gió Tây Nam có cường độ gió mạnh, gây sóng to, kết hợp triều cường đã khiến hơn 500m khu vực bờ biển thuộc khu phố C, phường Thanh Hải, TP. Phan Thiết bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện tượng sạt lở còn diễn ra tại phường Mũi Né với chuyền dài khoảng 300m.

Không chỉ gây sạt lở đất, biến đổi khí hậu còn gây ra nhiều hệ lụy đến môi trường, tài nguyên nước của tỉnh Bình Thuận. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, sau khi mùa mưa kết thúc các dòng chảy trên các sông, suối suy giảm nhanh, mực nước ngầm hạ thấp, nắng nóng kéo dài. Lượng mưa thấp hơn mức trung bình nhiều năm từ 20% - 90%. Nước tích trữ trong hệ thống thủy lợi thường xuyên thiếu hụt. Tình trạng sa mạc hóa ngày càng trầm trọng hơn ở các huyện ven biển. Tốc độ thoái hóa đất diễn ra ngày càng nhanh, đặc biệt tại các vùng trọng điểm khô hạn như huyện Bắc Bình.

Bình Thuận triển khai nhiều giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Tình trạng cát tặc hoành hành cũng là tác nhân gây sạt lở tại Bình Thuận

Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều văn bản chỉ đạo, giải pháp nhằm ứng phó với tình hình này. Cụ thể, đầu tháng 4/2021 UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch số 919 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21/01/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị; Quyết định phê duyệt Kế hoạch tổng thể dự án Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu tỉnh Bình Thuận vào tháng 5/2022; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển các đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận...

Mới đây nhất, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra. Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận giao cho UBND thành phố, thị xã, các huyện, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp và các sở, ngành liên quan căn cứ vào thẩm quyền, chức năng, tập trung rà soát, bổ sung, xác định rõ các vùng, khu vực, địa bàn xung yếu thường bị ảnh hưởng của thiên tai.

Bình Thuận triển khai nhiều giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu - Ảnh 3
Xây dựng bờ kè đang là giải pháp hữu hiệu đối phó với sạt lở bờ biển tại Bình Thuận

UBND tỉnh Bình Thuận cũng lưu ý các sở, ngành, các địa phương cần chú ý nhất là các vùng ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão mạnh, siêu bão; vùng mưa to gây lũ, ngập lụt, vùng trũng; vùng hạ du của các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện khi phải xả lũ; vùng có địa hình cao, đồi dốc để xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, điều chỉnh phương án ứng phó hợp lý theo phương châm “bốn tại chỗ”, tổ chức phòng ngừa, ứng phó, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai đạt hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, các sở ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thi công công trình chống hạn, cấp nước sinh hoạt, đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; chủ động theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn để chỉ đạo sản xuất hiệu quả, hạn chế thiệt hại; tăng cường kiểm tra, sửa chữa, kịp thời khắc phục các sự cố về cầu, cống xung yếu, đoạn đường có nguy cơ sạt lở cao, không bảo đảm an toàn trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ; có giải pháp khắc phục các công trình gây cản lũ, ngập úng khu dân cư, khu vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, các sở, ngành liên quan và các địa phương, đơn vị tăng cường kiểm tra, quản lý cấp phép, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông, ven biển, tránh gây sạt lở, tăng rủi ro thiên tai; tổ chức thu thập thông tin nhanh, kịp thời, chính xác các hình thế bất lợi của thời tiết, tình hình bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm trên biển, sóng mạnh, triều cường, cảnh báo mưa to, lũ lớn để phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, phục vụ tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Bình Thuận triển khai thực hiện Đề án Phát triển các đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030

Mục tiêu của Đề án là chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong cải tạo nâng cấp và phát triển đô thị, góp phần từng bước kiểm soát và giảm mức độ ô nhiễm không khí, nước, đất theo các tiêu chuẩn quốc tế; rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị trong bối cảnh gia tăng nguy cơ rủi ro từ biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong điều hành, quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhiệm vụ của Kế hoạch là điều tra, đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển hệ thống đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành mới trong giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh; khoanh vùng, xác định khu vực có nguy cơ chịu tác động cao của biến đổi khí hậu; tính toán khả năng và mức độ tự thích nghi, đề xuất giải pháp ứng phó; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro biến đổi khí hậu tại đô thị. Tích hợp nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch và chương trình, kế hoạch phát triển đô thị của tỉnh; cảnh báo các rủi ro tại các khu vực phát triển đô thị có khả năng chịu tác động từ biến đổi khí hậu. Hình thành hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ, lụt, ngập úng trong đô thị. Hình thành hồ chứa điều tiết ngập lụt, khai thông, nạo vét, cải tạo, gia cố, nắn dòng cho các đường thoát nước đô thị. Xây dựng đê, kè, tường chắn lũ, phân dòng lũ, công trình chứa nước ngầm hiện đại quy mô lớn. Khoanh vùng bảo vệ và có giải pháp tái định cư và di dời dân trong vùng cảnh báo rủi ro. Phát triển nhà ở vượt lũ, nhà ở có khả năng chống chịu cao với gió bão.

Nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các cấp về quản lý, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông tin truyền thông về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới người dân, tăng cường phối hợp cộng đồng và các bên liên quan trong triển khai thực hiện. Thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, thực hiện các dự án thí điểm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, kiến trúc xanh, sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tái sử dụng, tái chế. Xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục nhân dân biết và hiểu rõ bản chất của biến đổi khí hậu từ đó nhận thức, tự giác, chủ động tham gia và phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện, triển khai các chủ trương về công tác ứng phó biến đổi khí hậu.

Thư Anh

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận triển khai nhiều giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới