Chủ nhật, 24/11/2024 08:31 (GMT+7)
Thứ hai, 28/03/2022 17:00 (GMT+7)

Bình Thuận: Xử phạt dự án 2.300 tỷ đồng không có ĐTM

Theo dõi KTMT trên

Dự án rừng dầu Hồng Liêm có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.300 tỷ đồng dù đã triển khai nhưng không có ĐTM, chủ đầu tư dự án còn tự ý chuyển đổi mục đích đất rừng.

Loạt sai phạm tại siêu dự án

Ngày 28/3/2022, theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong vừa ký quyết định xử phạt số tiền 575 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Rạng Đông (địa chỉ 145 Tôn Đức Thắng, TP. Phan Thiết) do bà Trương Thị Phương Hiền là người đại diện pháp luật.

Công ty Cổ phần Rạng Động là chủ đầu tư dự án rừng dầu Hồng Liêm (huyện Hàm Thuận Bắc), được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt vào tháng 6/2008 có quy mô hơn 3.200 ha. Dự án này có thời gian thực hiện đến năm 2030, tổng vốn đầu tư khoảng hơn 2.300 tỷ đồng từ nguồn vốn của chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là quản lý, bảo vệ khoanh nuôi, tái sinh và phát triển rừng dầu, trong đó diện tích 1.645 ha đất rừng phòng hộ và 1.427 ha đất rừng sản xuất.

Tại buổi làm việc của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận với các bên tham gia dự án hồi giữa năm 2020, phía cơ quan chức năng yêu cầu việc xây dựng dự án rừng dầu Hồng Liêm phải đảm bảo mục tiêu bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phù hợp với các quy hoạch liên quan, không tác động xấu đến mục tiêu bảo về phát triển rừng…

Bình Thuận: Xử phạt dự án 2.300 tỷ đồng không có ĐTM - Ảnh 1
Tổng thể dự án rừng dầu Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận (Ảnh: TTO)

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Cổ phần Rạng Đông không có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt theo quy định đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc triển khai xây dựng dự án sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có quy mô, công suất tương đương với trường hợp phải lập ĐTM trình Bộ TN&MT phê duyệt.

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Rạng Đông đã thực hiện ba hành vi vi phạm hành chính gồm: Hành vi chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn với diện tích từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha vào mục đích khác khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép tại khu vực dự án rừng dầu Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc.

Công ty này lại có hành vi tiếp theo là chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn với diện tích từ 0,5 ha đến dưới 1 ha vào mục đích khác khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép tại khu vực dự án rừng dầu Hồng Liêm.

Với những vi phạm này, Công ty Cổ phần Rạng Đông bị UBND tỉnh Bình Thuận xử phạt 575 triệu đồng. Đồng thời, Công ty Cổ phần Rạng Đông phải rà soát lại sự phù hợp quy hoạch của dự án, cơ sở đã triển khai. Trường hợp đáp ứng yêu cầu thì phải lập dự án cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình bảo vệ môi trường (dự án này bao gồm cả các hạng mục đã được triển khai, đưa vào vận hành) trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định. Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 60 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.

Bộ Công an vào cuộc điều tra

Theo thông tin từ nhiều cơ quan báo chí đăng tải, dự án rừng dầu Hồng Liêm là 1 trong 9 dự án được bị Bộ Công an xác minh, điều tra làm rõ những dấu hiệu về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Trong ngày 24/3/2022, Bộ Công an đã cử lực lượng tới một số dự án trên địa bàn tỉnh Bình Thuận để đo đạc, kiểm tra thực địa xác định diện tích đất và hiện trạng. Tại dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương (thuộc TP. Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam) rộng 12, ha; Công ty TNHH Biển Quê Hương - Phan Thiết (trước đây là Công ty Cổ phần giao nhận vận tải và hóa chất Việt Nam) làm chủ đầu tư.

Trước đó, có ý kiến dư luận đề nghị làm rõ việc chuyển mục đích sử dụng 7,17 ha đất rừng nằm trong dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương sang mục đích khác có được thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định hay không?

Bình Thuận: Xử phạt dự án 2.300 tỷ đồng không có ĐTM - Ảnh 2
Cổng vào Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 6/11/2020, Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận từng đăng tải thông tin, diện tích rừng trồng trên khu đất dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương là rừng trồng có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng (không phải là rừng phòng hộ), đã thực hiện đầy đủ hồ sơ thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định tại Điều 19 Luật Lâm nghiệp, có dự án đầu tư được duyệt, phù hợp với quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, có phương án trồng rừng thay thế và nộp đủ tiền trồng rừng thay thế.

Đồng thời, dự án này đã được HĐND tỉnh thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trồng sang mục đích khác tại Nghị quyết số 79/NQ-HĐND ngày 25/7/2019 và phù hợp với Quy hoạch chi tiết xây dựng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Việc UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 2746/QĐ-UBND ngày 28/10/2019 chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để đầu tư xây dựng dự án là đảm bảo quy định Luật Lâm nghiệp.

Trước đó, Bộ Công an cũng đã phối hợp cùng VKSND Tối cao và các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận kiểm tra thực địa dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long và dự án Khu du lịch đô thị biển Phan Thiết, cả 2 dự án đều ở TP.Phan Thiết.

Dự án lấn biển còn gọi là Hamubay Phan Thiết có tổng điện tích đất hơn 129 ha, thuộc phường Đức Long, xã Tiến Lợi và xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải làm chủ đầu tư.

Dự án Khu du lịch đô thị biển TP.Phan Thiết của Công ty TNHH Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, thuộc Tập đoàn Rạng Đông có diện tích hơn 62 ha. Dự án này trước đây là sân Golf Phan Thiết được một tỉ phú nước ngoài xây dựng.

Quay trở lại với dự án rừng dầu Hồng Liêm, sau khi được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận đầu tư vào năm 2008, Công ty Cổ phần Rạng Đông đã lập khu bảo tồn thiên nhiên, nuôi thú hoang dã quý hiếm theo hình thức công viên động vật hoang dã Safari.

Tính đến ngày 31/10/2019, chủ đầu tư đã triển khai các hạng mục trên phần diện tích được UBND tỉnh Bình Thuậncho phép thực hiện như sau: Trồng mới, trồng dặm đối với diện tích đất trống khoảng 888 ha; xây dựng hệ thống tường rào xung quanh dự án khoảng 32 km; Làm đường nội bộ và các hồ chứa nước tự nhiên để bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; Khoanh nuôi, bảo vệ các loài động vật nhóm IIB và thông thường như gà rừng, thỏ, heo rừng, nhím, đỏ, hươu sao, nai đen, đà điểu, ngựa vằn… 

Công ty Cổ phần Rạng Đông sẽ tiếp tục triển khai hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan để điều chỉnh Trung tâm điều hành dự án và các công trình phụ trợ nhằm phục vụ dự án bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh, trồng và phát triển thực vật rừng dầu, một số loài động vật quý hiếm (nhóm IB, IIB) và thông thường tại xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc với diện tích 27,1 ha. 

Văn Long

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận: Xử phạt dự án 2.300 tỷ đồng không có ĐTM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới