Chủ nhật, 24/11/2024 05:16 (GMT+7)
Thứ tư, 11/10/2023 16:30 (GMT+7)

Bộ Công Thương nêu lý do muốn giảm chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu xuống 7 ngày

Theo dõi KTMT trên

Bộ Công Thương vừa có đề nghị giảm chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu xuống còn 7 ngày, thay vì 10 ngày như hiện nay.

Ngày 10/10, Bộ Công Thương có tờ trình gửi Văn phòng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83 và Nghị định 95 liên quan đến kinh doanh xăng dầu.

Theo Bộ Công Thương, để giá xăng dầu trong nước theo sát và cập nhật kịp thời biến động của giá xăng dầu thế giới, nên tiếp tục rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống còn 7 ngày và xác định thời điểm công bố cố định vào ngày thứ 5 hàng tuần.

Bộ Công Thương nêu lý do muốn giảm chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu xuống 7 ngày - Ảnh 1
Bộ Công Thương đề xuất giảm thời gian điều hành giá xăng dầu xuống 7 ngày.

Trước đó, tại Nghị định số 83 năm 2014, thời gian điều hành giá xăng dầu là 15 ngày và hiện nay theo Nghị định số 95 năm 2021 là 10 ngày.

Lý giải về đề nghị trên Bộ Công Thương cho hay, có những thời điểm, thị trường xăng dầu thế giới biến động liên tục với biên độ lớn. Các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng nhưng chưa được cập nhật kịp thời, dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong nhập khẩu.

Trong tờ trình gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương còn kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát, điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam từ 6 tháng/lần xuống 3 tháng/lần.

Giải trình về lý do đề xuất, Bộ Công thương cho rằng chu kỳ suy thoái kinh tế trên thế giới hiện nay đang có xu thế ngắn lại, tốc độ cũng như tần suất tăng giá từ hàng hóa đến dịch vụ thường xuyên hơn.

Vì vậy, việc rà soát, điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam định kỳ 6 tháng/lần (trừ trường hợp có biến động bất thường) trên thực tế chưa cập nhật kịp thời biến động của các loại chi phí, dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ.

Đối với đề xuất của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn, Bộ Công thương cho rằng cho rằng hiện nay thương nhân đầu mối đang nhập khẩu từ nhiều nhà cung cấp và mua từ hai nhà máy lọc dầu trong nước. Thương nhân phân phối cũng được phép mua xăng dầu từ các đầu mối kinh doanh xăng dầu và các thương nhân phân phối khác.

Thời gian qua nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu phản ánh về việc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu giao hàng cho các đại lý với mức chiết khấu không đủ trang trải các chi phí kinh doanh, thậm chí còn bị thua lỗ khi các chi phí này biến động tăng. Theo đó, nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu kiến nghị cần quy định rõ mức chiết khấu trong công thức giá.

Nhưng theo Bộ Công Thương, Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18/11/2021 của Bộ Tài chính quy định, chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là khoản chi phí tổng hợp tối đa chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại điều 1 Nghị định 95.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương nêu lý do muốn giảm chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu xuống 7 ngày. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới