Thứ năm, 09/01/2025 11:30 (GMT+7)
Thứ tư, 08/01/2025 09:18 (GMT+7)

Bộ Công Thương tạo sự đột phá trong hoạt động năm 2024

Theo dõi KTMT trên

Ngành Công Thương hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024.

Tại buổi Họp báo thường kỳ Quý IV/2024 và gặp mặt báo chí nhân dịp năm mới 2025, chiều ngày 7/1/2025, lãnh đạo Bộ Công Thương đã có nhiều chia sẻ cởi mở.

Nhiều điểm sáng nổi bật

Theo đó, Ngành Công Thương đã tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, trọng tâm là việc chủ trì, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), thông qua chủ trương tái khởi động các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và nhiều chính sách mới, tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, tạo đột phá chiến lược cho phát triển năng lượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bộ Công Thương tạo sự đột phá trong hoạt động năm 2024 - Ảnh 1
Lãnh đạo Bộ Công Thương cung cấp thông tin cho báo chí.

Các cân đối lớn được bảo đảm, nhất là an ninh năng lượng và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất... Đặc biệt là kỳ tích hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 với nhiều kỷ lục và các dự án trọng điểm ngành năng lượng.

Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15,4% so với năm trước, đặc biệt xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%, hơn 2 lần chỉ tiêu; Cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô; Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong khi khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,7%); Có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 02 mặt so với năm 2023), chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; Kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao.

Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục với IIP tăng 8,4%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay, trong đó IIP ngành chế biến chế tạo tăng 9,6% (so với mức tăng 1,5% trong năm 2023); Công nghiệp là ngành tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô: giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,32% so với năm trước, là mức tăng gần cao nhất trong giai đoạn 2019-2024 (chỉ thấp hơn mức tăng 8,52% của năm 2022), đóng góp 2,70 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả; khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) trong thời gian đàm phán ngắn kỷ lục (16 tháng), thúc đẩy tiến trình hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.

Công tác phòng vệ thương mại đạt kết quả tích cực, vững chắc, xử lý thành công hàng trăm vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại, góp phần quan trọng bảo vệ hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước. Các ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam được bảo vệ như: ngành sản xuất thép (14 biện pháp); thực phẩm (5 biện pháp); hóa chất (4 biện pháp); vật liệu xây dựng (2 biện pháp).

Thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc với tốc độ 9%, ổn định cung cầu sau 15 năm triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; là trụ đỡ đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô.

Thương mại điện tử vượt mốc doanh thu 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam. Công tác hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về thương mại điện tử được chú trọng; Tiếp tục tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới.

Chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp bộ máy “tinh, gọn, mạnh” theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương, Bộ đã đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong.

Xuất khẩu hướng đến hầu hết các thị trường

Cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô. Năm 2024 xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong khi khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,7%).

“Điểm nổi bật của lĩnh vực xuất khẩu năm 2024 là cả nước có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 2 mặt hàng so với năm 2023), chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các sản phẩm đã hướng tới hầu hết các thị trường, các đối tác thương mại lớn như Mỹ đạt 119,6 tỷ USD, tăng 23,3%; EU đạt 52,1 tỷ USD, tăng 19,3%; Hàn Quốc ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,7%...”, bà Hiền thông tin.

Chia sẻ thêm tại họp báo về thành công của hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đây là năm Việt Nam đạt kỷ lục từ trước đến nay về xuất khẩu gạo, khi lượng xuất khẩu lên tới 9,18 triệu tấn, đạt kim ngạch 5,75 tỷ USD tăng trưởng 12% về lượng và 23% về giá, với đơn giá xuất khẩu bình quân 627 USD/tấn, tăng 9% so với năm 2023.

“Thời gian qua, DN xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu gạo khá tốt, từ đó đã tìm kiếm được những thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines,… Hiện nay Ấn Độ đã bãi bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, lượng gạo Ấn Độ dồi dào tạo ra sức ép trên thị trường, khiến giá gạo có xu hướng giảm. Thời điểm này, các DN xuất khẩu gạo cần huy động sự hỗ trợ vốn từ các ngân hàng, cũng như cơ chế hoàn thuế xuất khẩu của Bộ Tài chính”, ông Hải lưu ý.

Báo chí đề cập đến dự báo khả năng thay đổi thuế xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ, khi Tổng thống Donald Trump chính thức nhậm chức từ ngày 20/1 tới, ông Hải cho biết, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác lớn thứ 8 của Mỹ chiếm 4,13% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Mục tiêu của ông Donald Trump sẽ giảm thâm hụt thương mại, thúc đẩy sản xuất trong nước và thu hút đầu tư. Trong bối cảnh tự do hoá thương mại toàn cầu, ông Donald Trump sẽ sử dụng biện pháp áp thuế cao với hàng hoá từ nhiều thị trường như Trung Quốc, EU…

“Trước đây chính sách thuế quan của Mỹ chưa ảnh hưởng nhiều đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng bước vào năm 2025, Bộ Công Thương đã vạch ra 2 kịch bản, với kịch bản khả quan là Mỹ duy trì chính sách thuế nhập khẩu hiện hành, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng”, ông Hải nói.

Ở kịch bản thứ hai, nếu Mỹ tác động thuế quan gắt gao có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ ảnh hưởng ít nhiều. Hoặc gián tiếp khi Trung Quốc gặp khó khăn do bị áp thuế cũng sẽ tạo ra sức ép với Việt Nam. “Đối với kịch bản này, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ DN sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hoá thị trường”, ông Hải cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, tại Nghị định số 01 năm 2025 của Chính phủ có sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, đề ra các giải pháp quản lý rõ ràng, mạch lạc hơn về tình hình xuất khẩu gạo, nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Đồng thời điều tiết giá gạo, đảm bảo chất lượng gạo, đặc biệt là xây dựng thương hiệu gạo.

“Với vai trò quản lý nhà nước, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.

Xuân Hòa

Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương tạo sự đột phá trong hoạt động năm 2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hà Nội và TP.HCM cần hành động quyết liệt để đưa chất lượng không khí về mức an toàn cho sức khoẻ
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân mà còn tác động xấu đến môi trường và kinh tế. Để đưa chỉ số chất lượng không khí về mức an toàn, 2 thành phố này cần có một lộ trình giải pháp toàn diện.