Thứ hai, 21/04/2025 14:23 (GMT+7)
Thứ hai, 21/04/2025 09:54 (GMT+7)

Hưng Yên tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện đại hóa nông nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Thời gian qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đang được tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh, bước đầu đã mang được hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nhờ linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao được mở rộng diện tích, cơ giới hóa áp dụng ở hầu hết các khâu trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Cụ thể, giá trị sản xuất trên 1 héc-ta canh tác của tỉnh từ hơn 173 triệu đồng/héc-ta năm 2017 lên 245 triệu đồng/héc-ta năm 2024. Nhiều mô hình chuyển đổi đã mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân, đồng thời là điển hình để nông dân các địa phương học tập kinh nghiệm. Trong đó, mô hình chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập trung bình từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/héc-ta/năm, đặc biệt mô hình chuyển sang sản xuất hoa chậu, cây cảnh tại các xã: Xuân Quan, Phụng Công (Văn Giang) cho thu nhập 1,5 - 3 tỷ đồng/héc-ta. Mô hình chuyển đổi từ trồng ngô, đậu đỗ... sang sản xuất giống cây ăn quả ở các huyện Khoái Châu, Kim Động... cho thu nhập bình quân 1 - 1,5 tỷ đồng/héc-ta/năm…

Hưng Yên tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện đại hóa nông nghiệp - Ảnh 1
Nhờ linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Ảnh  minh hoạ

Ông Nguyễn Quốc Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Giang cho biết: Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa, hiệu quả cao, huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, qua đó đã hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung như: Vùng sản xuất hoa, cây cảnh cho giá trị kinh tế cao tại xã Xuân Quan, xã Phụng Công với tổng diện tích trên 350 héc-ta... Đến hết năm 2024, toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 2,1 nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây công trình cho giá trị kinh tế cao. Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã nâng cao giá trị thu nhập một héc-ta canh tác của huyện năm 2024 đạt 416 triệu đồng.

Đánh giá hiệu quả của chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần thay đổi hình thức tổ chức sản xuất và tư duy sản xuất của nông dân, trong đó chuyển từ sản xuất quy mô nhỏ, hộ gia đình sang sản xuất tập trung theo quy mô lớn, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Các mô hình chuyển đổi đã từng bước chuyển theo hướng có tổ chức, sản xuất an toàn, bền vững. Các vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng được quan tâm, đầu tư theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Thời gian tới, để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Môi trường định hướng một số giải pháp để các địa phương thực hiện. Trong đó, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng ưu tiên chuyển đổi trước đối với những diện tích cấy lúa hiệu quả thấp và những diện tích trồng cây hằng năm (ngô, đậu, đỗ...) ở ngoài bãi sông Hồng, sông Luộc, trong đó trọng tâm chuyển đổi gắn với phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Nhóm cây ăn quả lâu năm, phát triển theo hướng chuyên canh, gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ. Tập trung ghép cải tạo bằng những giống nhãn chín sớm, giống nhãn cổ (cùi cổ, đường phèn...) đặc sản hoặc những giống nhãn đáp ứng các tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu. Mở rộng diện tích trồng vải trứng Hưng Yên, vải lai chín sớm Hưng Yên, ghép cải tạo giống vải trứng Hưng Yên... trên gốc cây vải lai. Nhóm hoa, cây cảnh, sản xuất cây giống cần chuyển đổi ở những chân ruộng cao, chất đất từ khá đến tốt; 100% diện tích sản xuất cây ăn quả, hoa, cây cảnh của vùng sản xuất tập trung từ 5 héc-ta trở lên và thực hiện theo chuỗi bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn, có thương hiệu và một phần lớn diện tích cây ăn quả được sản xuất, chứng nhận đáp ứng theo tiêu chuẩn VietGAP…

Đồng thời, tỉnh khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững; chuyển đổi đất lúa sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản phù hợp với sinh thái của địa phương.

Thu Hiền

Bạn đang đọc bài viết Hưng Yên tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện đại hóa nông nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phát triển xanh: Lấy con người làm trung tâm
Phát triển xanh lấy con người làm trung tâm là hướng tới việc cân bằng giữa các nhu cầu phát triển và bảo vệ thiên nhiên, tạo ra một tương lai mà sự thịnh vượng đời sống của con người được gắn kết mật thiết với sự hài hòa của hệ sinh thái.

Tin mới