Chủ nhật, 24/11/2024 08:10 (GMT+7)
Thứ hai, 03/08/2020 11:26 (GMT+7)

Bộ KH&ĐT đề xuất giải pháp thực hiện ‘mục tiêu kép’

Theo dõi KTMT trên

Từ phân tích, đánh giá, dự báo tình hình quốc tế và trong nước, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất nhiều giải pháp thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội những tháng cuối năm 2020.

Bộ KH&ĐT đề xuất giải pháp thực hiện ‘mục tiêu kép’ - Ảnh 1
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2020. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng hơn đối với kinh tế thế giới, đây là cú sốc lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay.

Nhiều nước đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đa chiều, phức tạp. Trong quý II, GDP của Mỹ giảm 32,9%, mức suy giảm lớn nhất kể từ năm 1947; kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu suy giảm 12,1%, trong đó Tây Ban Nha giảm 18,5%, Pháp giảm 13,8%, Italy giảm 12,4% và Đức giảm 10,1%.

Xu hướng kinh tế toàn cầu các tháng cuối năm 2020 và năm 2021 không rõ ràng, ẩn chứa nhiều rủi ro, phục hồi kinh tế sẽ cần nhiều thời gian và phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh và mức độ thành công trong kiểm soát dịch của từng quốc gia và toàn thế giới.

Trong 7 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp kịp thời, toàn diện hỗ trợ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Các chính sách tài khóa, tiền tệ được điều hành hợp lý, đã duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô và vẫn để lại dư địa chính sách cho giai đoạn tiếp theo. Các chính sách về huy động vốn đầu tư toàn xã hội gồm giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư tư nhân, vốn FDI, chính sách thúc đẩy nhu cầu trong nước, xuất nhập khẩu… được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì tăng trưởng dương của nền kinh tế và là động lực tăng trưởng cho giai đoạn tới.

An sinh xã hội được bảo đảm, ổn định an ninh trật tự, đời sống của nhân dân. Đặc biệt, các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được triển khai quyết liệt, đồng bộ giúp tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 tái phát trở lại trong cộng đồng, diễn biến nhanh, phức tạp trong thời gian ngắn, với nguy cơ lây nhiễm cao trên diện rộng đang tác động mạnh đến nền kinh tế và toàn xã hội, đặc biệt sau khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tử vong tại Việt Nam.

Từ sự phân tích, nhận định tình hình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã kiến nghị một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm 2020.

Theo đó, nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu hiện nay là cần tập trung mọi nguồn lực, về tài chính, máy móc, trang thiết bị, vật tư… để phòng, chống, kiểm soát tốt dịch Covid-19, không để dịch lây lan rộng, bảo đảm an toàn và ổn định tâm lý nhân dân.

Các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài, xử lý triệt để bên trong cho đến khi trở lại trạng thái “bình thường mới”. Nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ đạo về dịch Covid-19; không được chủ quan, nâng cao cảnh giác, trách nhiệm và đẩy mạnh tuyên truyền một cách đầy đủ về các biện pháp phòng chống dịch; nâng cao năng lực xét nghiệm, quyết liệt truy vết và cách ly nhanh; bảo đảm cung cấp đủ các hàng hóa thiết yếu cho người dân, không để xảy ra tình trạng tích trữ hàng hoá lương thực, thực phẩm.

Các cơ quan chức năng phối hợp kiểm soát chặt các đường mòn trên các tuyến biên giới, người nước ngoài nhập cảnh, tiến hành xử lý nghiêm các đường dây đưa người vượt biên nhập cảnh trái phép, kết hợp với việc kiểm soát di chuyển, cách ly trong trường hợp cần thiết đối với cá nhân di chuyển từ vùng đang có dịch đến những vùng khác.

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm. Đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa còn giúp nước ta tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đề nghị các cơ quan hữu quan quan tâm xây dựng kịch bản tăng trưởng và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về tài khóa, tiền tệ và các công cụ chính sách khác nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội cho các tháng cuối năm 2020 và năm 2021.

Bên cạnh đó, căn cứ theo tình hình và mức độ ảnh hưởng của dịch, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét thực hiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền việc gia hạn thời gian thực hiện một số chính sách, giải pháp nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, bảo đảm sản xuất và an sinh xã hội.

Trong đó, cần tiếp tục tập trung nghiên cứu các giải pháp về tài khóa như miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí và cân đối thu chi ngân sách Nhà nước. Nghiên cứu các chính sách nhằm giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các nguồn tín dụng. Tập trung các giải pháp về an sinh xã hội, lao động, việc làm… Trường hợp cần thiết, nghiên cứu bổ sung thêm một số chính sách cần thực hiện trong những tháng cuối năm 2020 và cả năm 2021 để hỗ trợ trực tiếp các đối tượng, các vùng mới bị ảnh hưởng của dịch để duy trì phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội người dân.

Để phục vụ chỉ đạo, điều hành của địa phương đạt kết quả tăng trưởng tốt nhất, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai rà soát, cập nhật số liệu 6 tháng và ước tính GRDP quý III, quý IV; giao Tổng cục Thống kê, các cục thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đầu mối tổng hợp công bố số liệu GRDP địa phương cập nhật trước 31/8.

Các bộ, ngành và địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 theo quy định tại Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 29/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Nguyễn Hoàng

Bạn đang đọc bài viết Bộ KH&ĐT đề xuất giải pháp thực hiện ‘mục tiêu kép’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới