Thứ năm, 28/11/2024 01:21 (GMT+7)
Thứ ba, 05/04/2022 22:00 (GMT+7)

Bỏ mục tiêu sản xuất điện, nhà máy xử lý rác ở Nam Định được tăng hơn 652 tỷ đồng vốn đầu tư?

Theo dõi KTMT trên

Theo quyết định điều chỉnh mới đây, ngoài phê duyệt điều chỉnh tăng hơn 652 tỷ đồng vốn đầu tư, tăng công suất, cho lùi thời gian hoàn thành, UBND tỉnh Nam Định còn phê duyệt bỏ mục tiêu sản xuất điện của dự án nhà máy rác xã Mỹ Thành đang chậm tiến độ.

Dự án chậm tiến độ lại được tăng thêm vốn

UBND tỉnh Nam Định vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện rác Greenity Nam Định tại xã Mỹ Thành (huyện Mỹ Lộc) của Công ty Cổ phần năng lượng Greenity Nam Định. Đây là lần thứ 3, UBND tỉnh Nam Định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án này.

Đáng chú, theo quyết định phê duyệt điều chỉnh, tổng vốn đầu tư dự án từ 785 tỷ đồng tăng lên 1.437,039 tỷ đồng (tăng hơn 652 tỷ đồng).

Trong đó, tiến độ thực hiện dự án cũng được điều chỉnh từ “tiếp nhận rác và xử lý rác bằng công nghệ cuốn bao bắt đầu từ ngày 31/10/2020; hoàn thành và đưa vào hoạt động Nhà máy điện rác Greenity Nam Định vào tháng 12/2021" thành “Khởi công dự án chậm nhất ngày 20/5/2022; hoàn thành, đưa vào hoạt động và tiếp nhận, xử lý rác thải trong năm 2023".

Trước đó, trong Tờ trình ngày 31/3, đề nghị UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trên, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Nam Định nêu lý do điều chỉnh mục tiêu đầu tư, quy mô dự án, tổng vốn đầu tư dự án là để phù hợp, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Việc tiến độ đầu tư của dự án phải điều chỉnh lùi lại, sở cho rằng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Bỏ mục tiêu sản xuất điện, nhà máy xử lý rác ở Nam Định được tăng hơn 652 tỷ đồng vốn đầu tư? - Ảnh 1
Bỏ mục tiêu sản xuất điện, nhà máy xử lý rác ở Nam Định được tăng hơn 652 tỷ đồng vốn đầu tư và gia hạn thời gian hoàn thành. (Ảnh: Zingnews)

Được biết, dự án được UBND tỉnh Nam Định ra quyết định chủ trương đầu tư (số 2322/QĐ-UBND ngày 22/10/2019), sau đó đã có 2 lần quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư (số 2889/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 và số 1823/QĐ-UBND ngày 27/07/2020) đối với dự án này.

Theo nội dung văn bản quyết định điều chỉnh lần thứ 3, ngoài phê duyệt cho nhà đầu tư điều chỉnh tăng hơn 652 tỷ đồng vốn đầu tư, tăng công suất, cho lùi thời gian hoàn thành, UBND tỉnh Nam Định còn phê duyệt bỏ mục tiêu sản xuất điện của dự án nhà máy rác đặt tại xã Mỹ Thành đang bị chậm tiến độ.

Bên cạnh việc thay đổi thông tin nhà đầu tư, UBND tỉnh Nam Định quyết định điều chỉnh tên dự án từ “Nhà máy điện rác Greenity Nam Định" thành “Xây dựng khu xử lý rác thải".

Mục tiêu dự án từ “Xử lý và tiêu hủy rác thải không độc hại, chưa qua phân loại; sản xuất điện từ chất thải; tạo thêm việc làm cho khoảng 100 lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương" điều chỉnh thành “Xử lý và tiêu hủy rác thải không độc hại, chưa qua phân loại; tạo thêm việc làm cho khoảng 100 lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".

Về quy mô dự án, tại quyết định trước đó phê duyệt công suất xử lý khoảng 300 tấn rác hỗn hợp/ngày đêm và phát điện với công suất khoảng 6MW. Trong đó công suất xử lý rác thải sinh hoạt chưa phân loại khoảng 250 tấn/ngày đêm, rác thải công nghiệp thông thường khoảng 50 tấn/ngày đêm; sử dụng công nghệ lò đốt nguyên khối sử dụng bộ ghi đốt động trên sàn nghiêng nhiều bậc của Hitachi, Nhật Bản".

Còn theo quyết định lần thứ 3, dự án được điều chỉnh thành "Xây dựng nhà máy xử lý rác thải với công suất xử lý khoảng 495 tấn rác hỗn hợp/ngày đêm bằng Công nghệ lò đốt nguyên khối sử dụng bộ ghi đốt động trên sàn nghiêng nhiều bậc của Hitachi, Nhật Bản".

Vì sao dự án “treo” nhưng vẫn được điều chỉnh quy hoạch

Tương tự dự án Nhà máy điện rác Greenity Nam Định, dự án Madison Hồ Tràm sau 20 năm không hoàn thành với điệp khúc điều chỉnh – gia hạn.

Được biết, năm 2001 UBND tỉnh có văn bản chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Long Sơn đầu tư dự án Khu du lịch Long Sơn – Hồ Tràm tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. Tuy nhiên, việc triển khai dự án quá chậm trễ so với tiến độ yêu cầu nên vào năm 2013 UBND tỉnh đã có văn bản thu hồi chủ trương đầu tư dự án.

Bỏ mục tiêu sản xuất điện, nhà máy xử lý rác ở Nam Định được tăng hơn 652 tỷ đồng vốn đầu tư? - Ảnh 2
Tính đến năm 2021, Dự án Madison Hồ Tràm vẫn dậm chân tại chỗ sau 20 năm không hoàn thành với điệp khúc điều chỉnh – gia hạn.

Sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương gia hạn thực hiện dự án và ban hành Quyết định số 660/QĐ-UBND ngày 22/3/2017 gia hạn sử dụng đất 24 tháng để tiếp tục triển khai dự án Khu du lịch Long Sơn – Hồ Tràm.

Tháng 4/2017, Nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh dự án Khu du lịch Long Sơn – Hồ Tràm với nội dung gồm điều chỉnh tên dự án thành Khu du lịch nghỉ dưỡng Madison Hồ Tràm, đồng thời điều chỉnh một số nội dung về quy mô của dự án.

Tháng 3/2018, UBND Bà Rịa Vũng Tàu chấp thuận cho Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Long Sơn đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Madison Hồ Tràm tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.

Theo đó, Công ty Xây dựng Long Sơn sẽ được đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Madison Hồ Tràm với tổng diện tích khoảng 6ha, tổng vốn đầu tư 288,1 tỷ đồng. Mục tiêu dự án nhằm xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của du khách. Thời gian thực hiện dự án là 24 tháng kể từ ngày được chấp thuận gia hạn sử dụng đất của dự án (tại Quyết định số 660/QĐ-UBND ngày 22/3/2017 của UBND tỉnh) theo văn bản số 12634/UBND-VP ngày 22/12/2017 của UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện dự án Khu du lịch Long Sơn - Hồ Tràm.

Thời điểm tháng 3/2018, UBND tỉnh cũng cho biết sẽ chấm dứt hiệu lực chủ trương của dự án trong trường hợp nhà đầu tư không triển khai dự án theo đúng tiến độ đã được tỉnh chấp thuận tại văn bản số 12634/UBND-VP ngày 22/12/2017.

Tiếp đó, vào năm ngoái UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Madison Hồ Tràm. Theo đó, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấp thuận điều chỉnh tên từ Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Long Sơn thành Công ty TNHH Madison Land và điều chỉnh thời gian đưa vào hoạt động là tháng 6/2022. 

Như vậy, kể từ khi được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2001 đến năm 2021, dự án đã trải qua gần 20 năm nhưng gần như vậy dậm chân tại chỗ.

Luật Đất đai 2013 quy định, đối với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo.

Quy định là vậy, song trên thực tế, nhiều dự án đã quá hạn, không triển khai tới hàng chục năm nhưng vẫn chưa bị thu hồi hay xử lý nghiêm; thậm chí có dự án “treo” vẫn tiếp tục được gia hạn không chỉ một lần mà còn nhiều lần, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để loại bỏ những dự án "treo", vi phạm Luật Đất đai, nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, giải pháp xử lý bằng công cụ thuế, đánh thuế sử dụng đất cao hơn nhiều vào các dự án “treo”, lũy tiến theo thời gian bị “treo” hoặc xử phạt tài chính mạnh đối với các dự án “treo” cũng lũy tiến theo thời gian bị “treo” là phù hợp hơn cả.

Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cũng cho rằng, cần phải có biện pháp xử lý dứt điểm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Với những dự án chậm triển khai do chủ đầu tư không đủ năng lực cần có biện pháp xử lý thu hồi để không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Bỏ mục tiêu sản xuất điện, nhà máy xử lý rác ở Nam Định được tăng hơn 652 tỷ đồng vốn đầu tư?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới