BR-VT: Hòa Phát đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Container hơn 2.000 tỷ đồng
Dự kiến đến đầu quý II/2022, những sản phẩm container rỗng đầu tiên mang thương hiệu Hòa Phát sẽ có mặt trên thị trường.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD, trong đó có dự án nhà máy sản xuất container chở hàng của Hòa Phát.
Năm 2021, tuy chịu tác động mạnh của dịch Covid-19 nhưng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn thu hút mới 76 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 2,2 tỷ USD. Như vậy, sau 30 năm, toàn tỉnh thu hút được 432 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 30 tỷ USD và 662 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 338.000 tỷ đồng, tương đương 14,9 tỷ USD.
Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Sản xuất Container Hòa Phát, việc chọn Bà Rịa - Vũng Tàu để đặt nhà máy sản xuất đầu tiên vì nằm trong khu vực động lực phát triển của vùng Đông Nam Bộ, gần các cảng biển lớn như Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải và có nhiều lợi thế để đảm bảo thành công cho dự án.
Dự kiến đầu quý II/2022, những sản phẩm container rỗng đầu tiên mang thương hiệu Hòa Phát sẽ có mặt trên thị trường.
Trước đó, vào tháng 4 năm nay, Tập đoàn Hòa Phát đã thành lập Công ty Cổ phần Sản xuất Container Hòa Phát có trụ sở tại KCN Phú Mỹ II mở rộng với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Kế hoạch của tập đoàn là khởi công nhà máy container trong tháng 6 nhưng do Covid-19 bùng phát đợt 4 và địa phương áp dụng nhiều biện pháp giãn cách để chống dịch nên thực tế đã khởi công vào cuối tháng 11.
Công suất của nhà máy là khoảng 500.000 TEU (đơn vị tương đương container dài 20 feet) mỗi năm. Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 180.000 - 200.000 TEU/năm, dự kiến cho ra sản phẩm từ quý II/2022. Nguyên liệu cho sản xuất vỏ container là loại thép cuộn cán nóng (HRC) mác SPA-H đặc chủng chống ăn mòn, kháng thời tiết.
Ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết chi phí sản xuất HRC để làm container đắt hơn khoảng 60 USD/tấn so với HRC thông thường và Khu liên hợp của Hòa Phát tại Dung Quất (Quảng Ngãi) là đơn vị duy nhất ở Việt Nam làm được loại thép này. Nhà máy container sẽ sử dụng khoảng 1 triệu tấn HRC mỗi năm, góp phần đảm bảo đầu ra cho Dung Quất.
Được biết, trong năm 2021 Tập đoàn Hòa Phát đã có sự trắng trưởng ấn tượng. Trong đó, doanh thu quý III năm nay của Hòa Phát đạt 38.900 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử (theo quý), đạt hơn 10.350 tỷ đồng và cao gấp 2,7 lần mức thức hiện trong quý III/2020. gấp 2,7 lần quý III năm ngoái. Đây cũng là lần đầu tiên lợi nhuận của Hòa Phát vượt mốc 10.000 tỷ trong một quý.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu của tập đoàn đạt hơn 105.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 27.100 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 60% và tăng gấp 3 lần 9 tháng năm 2020.
Tập đoàn Hòa Phát đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu hợp nhất mục tiêu là 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế mục tiêu là 18.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 33,15% và 33,27% so với thực hiện năm 2020.
Như vậy sau 9 tháng, Hòa Phát đã hoàn thành 88% kế hoạch về doanh thu và vượt 45% kế hoạch về lợi nhuận.
Các dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
1. Nhà máy sản xuất găng tay S&S GLOVE của Công ty Cổ phần S&S GLOVE, tổng vốn đầu tư 4.900 tỷ đồng.
2. Khách sạn - Căn hộ du lịch 5 sao Fivestar Poseidon của Công ty Cổ phần Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam, tổng vốn đầu tư 3.077 tỷ đồng.
3. Novaworld Hồ Tràm - The Tropicana của Công ty TNHH The Forest City, tăng vốn đầu tư từ 450 tỷ lên 4.408 tỷ đồng.
4. Ashton Furniture Consolidation Phú Mỹ của Công ty TNHH Ashton Furniture Consolidation, tổng vốn đầu tư 130 triệu USD.
5. Nhà máy sản xuất Container chở hàng của Công ty Cổ phần sản xuất Container Hòa Phát, tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng.
6. Khu phức hợp Cap Saint Jacques của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng, tăng tổng vốn đầu tư từ 1.294 tỷ đồng lên 3.574 tỷ đồng.
7. Cảng tổng hợp và Trung tâm Logistics Camil của Công ty Cổ phần Logistics Quốc tế Cái Mép, tăng tổng vốn đầu tư từ 1.200 tỷ đồng lên 2.600 tỷ đồng.
8. Dự án sản xuất linh kiện điện tử, gia công sản xuất các loại màn hình độ phân giải cao của Công ty TNHH Coretronic Technology, tổng vốn đầu tư 1.197 tỷ đồng.
Lan Anh (T/h)