BR-VT: Ban hành Kế hoạch Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn năm 2023
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Kế hoạch được ban hành nhằm tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai (PCTT), nâng cao nhận thức cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động của toàn dân trên địa bàn tỉnh; chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) để ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra; nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai có hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Theo đó, để thực hiện hiệu quả công tác PCTT&TKCN trong năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện một số nhiệm vụ sau: hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách; kiện toàn tổ chức, bộ máy tăng cường năng lực quản lý; lập, rà soát, cập nhật các kế hoạch, quy hoạch, phương án; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao nhận thức, kiến thức PCTT dựa vào cộng đồng; lập phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, phương án bảo vệ công trình hồ chứa; thực hiện Chương trình trồng, bảo vệ và phát triến rừng; tổ chức tập huấn, diễn tập công tác cứu hộ, cứu nạn; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác PCTT&TKCN; tổ chức trực ban PCTT&TKCN theo quy định để nắm chắc diễn biến tình hình, đề phòng tình huống xấu và chuẩn bị phương án ứng phó, đồng thời theo dõi và thông tin kịp thời diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai cho nhân dân trong khu vực biết để kịp thời ứng phó; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông qua Văn phòng thường trực.
Bên cạnh đó, đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi, tập trung nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa, đập dâng, tràn xả lũ bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng; công trình xây dựng có xem xét đến phòng chống thiên tai; đầu tư, nâng cấp công trình giao thông kết hợp phòng chống thiên tai nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, dân sinh; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp, thoát nước; xây dựng nâng cấp các khu neo, đậu tránh trú bão cho tàu thuyền.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị có thể nâng cao hiệu quả công tác PCTT&TKCN qua việc lồng ghép nội dung trong các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động của thiên tai đến con người và sinh kế (di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ nguy hiểm của thiên tai, nâng cao tiêu chuẩn an toàn các công trình cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức và kiến thức của cán bộ, người dân về an toàn phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cấp các công trình đê điều, thủy lợi kết hợp phòng chống thiên tai...); lồng ghép trong các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động của thiên tai đến các ngành kinh tế, xã hội; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, các chương trình dạy học... của tỉnh; lồng ghép thực hiện các nội dung phòng, chống đuối nước cho trẻ em nhất là trong thời gian học sinh nghỉ hè và trong mùa mưa lũ.
UBND tỉnh yêu cầu việc triển khai thực hiện Kế hoạch cần có sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang, lực lượng xung kích tại chỗ, phối hợp với một số lực lượng Trung ương, khu vực và các tỉnh lân cận; đặc biệt là huy động sức mạnh của toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh cho công tác PCTT&TKCN. Đồng thời thực hiện tốt phương châm “04 tại chỗ”, chủ động phân bổ các trang thiết bị, vật tư, phương tiện cho các sở, ban ngành, địa phương để đảm bảo tính chủ động, kịp thời, ứng phó hiệu quả khi xảy ra thiên tai.
T. T