Chủ nhật, 24/11/2024 06:18 (GMT+7)
Chủ nhật, 05/09/2021 13:05 (GMT+7)

Bức tranh ngành bảo hiểm năm 2021

Theo dõi KTMT trên

Dịch bệnh Covid-19 có tác động trái chiều với ngành bảo hiểm Việt Nam. Bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng mạnh trong khi các sản phẩm phi nhân thọ lại tăng chậm nhất trong vòng 10 năm.

Dịch bệnh giúp bảo hiểm nhân thọ lên ngôi

Theo Báo cáo mới nhất của BVSC, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước tính toàn thị trường đạt 102.614 tỉ đồng, tăng trưởng 23,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 29.592 tỉ đồng, tăng 9,31%. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 73.022 tỉ đồng, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bức tranh ngành bảo hiểm năm 2021 - Ảnh 1
Cơ cấu doanh thu bảo hiểm nhân thọ theo sản phẩm (Nguồn: BVSC).

Trong đó, sản phẩm liên kết đơn vị cho thấy tốc độ tăng trưởng đột biến, đạt 8.900 tỉ đồng, tương đương mức tăng 135,5% so với cùng kỳ. Theo đó, tỉ trọng trong tổng doanh thu phí trong nửa đầu năm 2021 tăng lên 12,2%, gấp đôi so với mức tăng từ mức 6,8% của cùng kỳ năm ngoái.

Bảo hiểm liên kết chung có mức tăng trưởng thấp hơn, nhưng vẫn ở mức cao so với cùng kỳ, đạt 40.162 tỉ đồng, tăng 34,72%.

Do đây là những sản phẩm vừa có tính bảo hiểm, vừa có tính đầu tư (phần phí dành cho đầu tư thường nhiều hơn), nên dễ dàng thu hút được khách hàng mới khi thị trường chứng khoán sôi động trong 6 tháng đầu năm.

Theo BVSC, hai sản phẩm này sẽ tiếp tục là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng của ngành trong nửa cuối năm nay.

Về bảo hiểm phi nhân thọ, hai nghiệp vụ chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất của ngành là bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới, với tổng tỉ trọng doanh thu là 57,9%,  Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các sản phẩm bảo hiểm trên lần lượt tăng 6,2% và 1,6% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Các sản phẩm bán buôn như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa và bảo hiểm cháy nổ đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, lần lượt tăng 17,7%; 22,3% và 16,44%, đều là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại.

Điều này là tương đối dễ hiểu khi chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giúp phục hồi lại hoạt động kinh doanh sau đại dịch. Các dự án đầu tư mới có giá trị lớn, hoạt động xuất nhập khẩu tăng mạnh. Do đó, nhu cầu cho các loại sản phẩm này đều gia tăng.

Triển vọng cuối năm

Thu nhập người dân giảm sút là thách thức lớn cho hoạt động khai thác bảo hiểm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính riêng trong quý 1/2021, số người bị giảm thu nhập lên tới 6,5 triệu người (xấp xỉ 1/3 tổng số người bị ảnh hưởng trong cả năm 2020). Vì vậy, hoạt động khai thác của các đại lý cũng bị hạn chế, tạm thời làm giảm nhu cầu cho các sản phẩm bảo hiểm cá nhân.

Thống kê này đã cho thấy túi tiền của khách hàng thực sự trở nên eo hẹp hơn rất nhiều so với năm trước, dẫn đến nhu cầu cho các sản phẩm bảo hiểm cá nhân tạm thời giảm sút trong giai đoạn này, nhất là khi các biện pháp giãn cách sẽ vẫn tiếp tục được áp dụng, và có thể kéo dài cho đến tháng cuối của quý 3/2021.

Bên cạnh đó, sức ép cạnh tranh trong ngành ngày căng gia tăng. Có thể thấy, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm trong ngành đều bị ảnh hưởng bởi đợt dịch, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng đối với mỗi doanh nghiệp là khác nhau. Trong khi các doanh nghiệp có tỉ trọng sản phẩm bảo hiểm cá nhân lớn có tốc độ tăng trưởng doanh thu phí ở mức âm so với cùng kỳ, thì các doanh nghiệp nghiệp có những sản phẩm đặc thù tác động có thể sẽ ít hơn. Trong những năm trở lại đây, do sự cạnh tranh gay gắt trong ngành, các doanh nghiệp trong top đầu đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại để tập trung nhiều hơn vào hiệu quả hoạt động kinh doanh, khiến thị phần liên tục bị chia sẻ cho các doanh nghiệp nhỏ hơn trong ngành.

Bức tranh ngành bảo hiểm năm 2021 - Ảnh 2
 Tăng trưởng doanh thu phí của một số Công ty Bảo hiểm (Nguồn: BVSC).

Về triển vọng, BVSC cho rằng, nghiệp vụ bán buôn sẽ dẫn dắt tăng trưởng doanh thu phí phi nhân thọ 6 tháng cuối năm. Trong khi sản phẩm cá nhân tăng trưởng chậm lại, các sản phẩm bảo hiểm bán buôn như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa sẽ dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành nhờ hưởng lợi gián tiếp từ những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, các hoạt động thương mại được mở rộng nhờ tận dụng cơ hội từ FTA. Nhờ đó, bảo hiểm hàng hoá sẽ là lựa chọn ưu tiên đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tuy tăng trưởng doanh thu phí và lợi suất đầu tư ở mức thấp, nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm phần nào cũng được bù đắp nhờ tỷ lệ bồi thường tiếp tục duy trì ở mức thấp. Trong nửa đầu năm 2021, tỉ lệ bồi thường toàn ngành chỉ là 32,7%, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 (33,5%). Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

BVSC cho rằng việc giãn cách xã hội trong quý 3/2021 ở một số tỉnh thành khiến tỉ lệ bồi thường có thể còn thấp hơn trong nửa cuối năm. Do đó, BVSC ước tính tỉ lệ bồi thường cả năm 2021 có thể giảm xuống 32%, tác động tích cực đến những doanh nghiệp có tỉ trọng sản phẩm bảo hiểm cá nhân lớn

Tuấn Thủy

Bạn đang đọc bài viết Bức tranh ngành bảo hiểm năm 2021. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới