Thứ tư, 18/12/2024 08:55 (GMT+7)
Thứ bảy, 07/10/2023 17:29 (GMT+7)

Cà Mau: Khẩn trương kiểm kê, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra

Theo dõi KTMT trên

Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Cà Mau thường xuyên xuất hiện mưa lớn, triều cường đã làm cho mực nước trên các tuyến sông, rạch dâng cao, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết từ ngày 2/10 đến sáng 5/10, toàn tỉnh có hơn 22.270ha lúa, 172,5ha rau màu, 13 ha cây ăn trái, 25ha chuối bị ngập do ảnh hưởng bởi mưa lớn kéo dài và triều cường dâng cao.

Thiên tai còn làm ngập 423 căn nhà và gây ngập sâu một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Cà Mau; 450ha diện tích ao nuôi thủy sản bị ngập tràn; xảy ra một vụ sạt lở, làm hỏng 10m lộ giao thông nông thôn và một cống xổ vuông nuôi tôm. Lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, thiên tai gây thiệt hại về tài sản trị giá trên 45,8 tỷ đồng.

Những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do ảnh hưởng của thiên tai là huyện U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình. Để giảm thiểu thiệt hại, các địa phương này đã phải vận động người dân tích cực bơm nước ra khỏi ruộng; chủ động kê cao những tài sản có giá trị; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và thống kê diện tích bị ngập và thiệt hại; gia cố bờ bao, khuôn hộ, bảo vệ sản xuất để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do nước dâng và mưa lớn.

Đồng thời, chỉ đạo các xã, phường thực hiện cấm biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm ngập sâu trên các tuyến đường giao thông nhằm phòng tránh xảy ra tai nạn; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường như xử lý, thu gom rác thải, khai thông cống thoát nước.

Cà Mau: Khẩn trương kiểm kê, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra - Ảnh 1
Tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là tình hình sạt lở bờ sông.

Chủ tịch UBND huyện Thời Bình cho biết, địa bàn huyện hiện nay có trên 15.000 ha lúa, 11,6 ha rau màu bị ngập, nhiều nhất ở các xã: Trí Phải, Biển Bạch Đông, Trí Lực. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường, trong những ngày qua, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn tổ chức huy động các lực lượng giúp dân khắc phục thiệt hại sau khi nước rút. Bên cạnh đó, chủ động theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về triều cường để kịp thời thông tin rộng rãi đến tổ chức, cá nhân và người dân biết, để chủ động phòng tránh và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Riêng tại hai huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh hiện đang phối hợp với Trung tâm Quản lý Công trình Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho vận hành tất cả các trạm bơm ở vùng ngọt nhằm phục vụ sản xuất; phân công cán bộ túc trực vận hành trạm bơm tiêu thoát nước ra sông cứu diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái bị ngập...; thường xuyên kiểm tra, gia cố bao tải cát tại các cầu kéo có nguy cơ bị tràn. Chính quyền hai huyện cũng vận động bà con sử dụng máy bơm để bơm nước ra khỏi ruộng, thu hoạch nhanh diện tích lúa Hè Thu còn lại nhằm giảm bớt thiệt hại.

Trước những nguy cơ thiệt hại do thiên tai có thể tiếp tục xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đã có công văn đề xuất, kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương hỗ trợ kinh phí khắc phục sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Nội dung công văn nêu rõ, những tháng đầu năm 2023, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tình hình sạt lở bờ sông. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra trên 230 vụ với tổng chiều dài sạt lở trên 6.000m. Trong đó, có hơn 2.400m là lộ giao thông nông thôn. Hầu hết, các vị trí sạt lở đều ảnh hưởng hoặc đe dọa trực tiếp đến nhà ở, tính mạng, tài sản của người dân, gây chia cắt các trục lộ giao thông nông thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, đi lại, sản xuất của người dân.

Để khắc phục hậu quả do sạt lở gây ra, các ngành, các cấp của tỉnh Cà Mau đã tập trung mọi nguồn lực, tuy nhiên do quy mô sạt lở quá lớn, tính chất phức tạp nên hiện còn rất nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng chưa xử lý được vì thiếu kinh phí. Ngoài ra, hiện nay tình hình sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại, các vụ sạt lở xảy ra liên tục, hàng ngày nên nguy cơ rủi ro về tính mạng con người và tài sản luôn hiện hữu nếu không khắc phục kịp thời.

Trước tình hình cấp bách nêu trên, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương xem xét, hỗ trợ từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương cho tỉnh Cà Mau với số tiền 200 tỷ đồng để xử lý khắc phục khẩn cấp sạt lở 03 tuyến kênh bằng công trình cơ bản, chiều dài 2.106m và công trình chỉnh trị dòng sông để giảm thiểu xói lở đối với 03 tuyến sông, kênh rạch.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Cà Mau: Khẩn trương kiểm kê, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Năm 2024 ghi nhận 463 trận động đất
Theo Viện Vật lý địa cầu, từ ngày 01/01/2024 đến ngày 5/12/2024, Việt Nam đã ghi nhận 463 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2,4 - 5,0.

Tin mới