Chủ nhật, 24/11/2024 08:44 (GMT+7)
Thứ năm, 27/05/2021 09:19 (GMT+7)

Các địa phương 'mạnh tay' xử lý cơn sốt đất ảo

Theo dõi KTMT trên

Thời gian gần đây, những cơn sốt đất cục bộ xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố gây ra nhiều hệ lụy. Trước vấn đề này, hàng loạt các địa phương đã gấp rút vào cuộc cắt “cơn sốt đất ảo."

Sốt đất là hiện tượng giá đất tăng với một tốc độ đột biến trên diện rộng trong thời gian ngắn. Đa phần các cơn sốt đất xuất phát từ hiệu ứng đám đông khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua và làm đẩy giá lên cao do nguồn cung có hạn.

Các cơn sốt đất dễ trở thành sốt đất ảo khi giá trị đất không còn phản ánh giá trị và nhu cầu thực tế mà được dựa trên những thông tin không rõ ràng và tin đồn thổi. Trong các cơn sốt đất, nhu cầu đất chủ yếu không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chỉ là để đầu cơ chờ thời.

Hàng loạt địa phương vào cuộc xử lý

Để tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất và thị trường bất động sản, tránh hiện tượng sốt ảo, bong bóng, đầu cơ đẩy giá, thổi giá đất để trục lợi, nhiều tỉnh/ thành phố tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Công văn số 6422/UBND-KTTC về việc tiếp tục tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất. Hơn 1 tháng trước, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành một văn bản liên quan tới vấn đề này.

Trong công văn thứ 2 này, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu phải tổ chức công bố công khai các thông tin về quy hoạch, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kịp thời khuyến cáo người dân những nguy cơ, hậu quả có thể xảy ra khi giao dịch đất đai, bất động sản mà chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép...

Đặc biệt, công văn chỉ rõ giao Công an tỉnh tăng cường công tác phòng chống, đấu tranh với các hành vi giao dịch đất đai, bất động sản trái quy định nhà nước. Kịp thời xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi tạo hiện tượng sốt ảo, bong bóng, đầu cơ đẩy giá, thổi giá đất, giá bất động sản để trục lợi.

Các địa phương 'mạnh tay' xử lý cơn sốt đất ảo - Ảnh 1
Một khu đất trên trục đường chính liên xã An Khương-Tân Lợi đang được giới "cò" san ủi để phân lô bán nền. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Mới đây, UBND TP.HCM cũng vừa chỉ đạo khẩn cho các sở, ngành, quận, huyện và TP.Thủ Đức chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất nhằm kiểm soát tình trạng thổi giá, đẩy giá đất lên cao để thu lợi bất chính.

Theo đó, Sở Xây dựng TP.HCM được giao tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa vào kinh doanh, chuyển nhượng phải đủ các điều kiện theo quy định. UBND TP.HCM cũng chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới tuân thủ đúng các quy định.

Sở Tài nguyên Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố, UBND TP.Thủ Đức và UBND các quận, huyện có trách nhiệm quản chặt các hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản. Ủy ban cũng đề nghị các cơ quan quản lý xử lý nghiêm hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư.

Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường, UBND TP.Thủ Đức và UBND các quận, huyện phải tiến hành công bố thông tin quy hoạch để người dân tiếp cận các nguồn tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất lên cao nhằm thu lợi bất chính.

Thành phố cũng yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Sở Tư pháp, Sở Thông tin Truyền thông, UBND TP.Thủ Đức và UBND các quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản thông tin kịp thời về quy hoạch của địa phương để người dân hiểu và thực hiện, tránh bị lợi dụng, trục lợi.

Đến trước ngày 31/5, Sở Tài nguyên Môi trường sẽ làm đầu mối tổng hợp kết quả tổng rà soát diễn biến thị trường địa ốc, biến động giá đất và giao dịch bất động sản từ các sở, ngành, quận, huyện và TP.Thủ Đức để trình UBND TP.HCM báo cáo Bộ Tài nguyên Môi trường.

Tại Quảng Trị, chính quyền cũng đánh giá thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng mua, bán, nhận chuyển nhượng đất đai chưa đúng với quy định của pháp luật, giá đất tại một số khu vực tăng đột biến, nguy cơ tạo ra các cơn sốt đất ảo về thị trường bất động sản, đặc biệt là các khu vực ven biển, khu vực quy hoạch sân bay, khu đô thị…

Để tăng cường công tác quản lý đất đai tại các khu vực quy hoạch công trình, dự án, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập quy hoạch đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021;

Bên cạnh đó, các Sở, ban ngành cấp tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, có văn bản hướng dẫn về chuyên môn, cung cấp các thông tin về quy hoạch.

Đồng thời, cảnh báo cho người dân đề cao cảnh giác về các hành vi lừa đảo, mua bán không lành mạnh, các thông tin sai sự thật…

Cùng với đó nhiều tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu, Gia Lai, Kon Tum, Bắc Giang… cũng đã quyết liệt vào cuộc để ngăn chặn tình trạng sốt đất, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất, thị trường bất động sản.

Đề xuất đánh thuế, công khai quy hoạch

Trước thực trạng “sốt đất ảo” và “thổi giá đất”, mới đây, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế phát triển của địa phương. Ngoài ra, các địa phương sẽ phải công khai thông tin quy hoạch, tiến độ dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính...

Đối với việc quản lý thị trường giá đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý về giá đất.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành có liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, trên cơ sở đó bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm những quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất cũng như giá bất động sản nói chung; quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất; xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/5/2021.

Sốt đất do mở rộng quy định về phân lô bán nền

Theo GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng "sốt đất" xảy ra một phần là do tác động của Luật Đất đai 2013 khi mở rộng quy định về phân lô bán nền.

“Các quốc gia trên thế giới họ dùng hình thức phân lô bán nền chỉ để giải quyết nhà ở ở đô thị, không đưa vào thương mại. Đưa đất nền vào thương mại là điều rất tối kỵ. Về nguyên tắc, thị trường bất động sản phải khai thác giá trị đầu tư trên đất chứ không phải chờ tăng giá đất để gặt hái lợi nhuận. Đầu tư bỏ tiền vào bất động sản để tăng giá bán đi là một hành động làm hại nền kinh tế", GS Đặng Hùng Võ đánh giá.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Các địa phương 'mạnh tay' xử lý cơn sốt đất ảo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới