Chủ nhật, 24/11/2024 05:42 (GMT+7)
Thứ ba, 27/10/2020 09:31 (GMT+7)

Các tỉnh miền Trung 'chạy đua' ứng phó với bão số 9

Theo dõi KTMT trên

Trước diễn biến phức tạp của bão số 9 (Molave), các địa phương ven biển miền Trung đang khẩn trương thực hiện công tác phòng, chống, sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ.

Thừa Thiên Huế yêu cầu di dời dân trước 15h ngày 27/10

Ngày 26/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức họp với các địa phương, sở, ban, ngành về công tác ứng phó với cơn bão số 9.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu các cấp, các  ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 9; khẩn trương triển khai các giải pháp để ứng phó, trong đó lưu ý đến việc đảm bảo phương châm "4 tại chỗ", di dời người dân vùng xung yếu nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát những trụ sở cơ quan, nơi đóng quân có nguy cơ sạt lở để di dời người đến nơi an toàn.

Trước 15h ngày 27/10, các địa phương phải hoàn thành việc di dời những hộ dân ở vùng xung yếu, vùng nguy cơ sạt lở đất, vùng có nguy cơ chia cắt, ven sông suối.

Các tỉnh miền Trung 'chạy đua' ứng phó với bão số 9 - Ảnh 1

Quảng Nam: Theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa

Trong ngày 26/10, UBND tỉnh Quảng Nam họp khẩn cấp với các địa phương để triển khai các phương án phòng chống bão số 9. Theo báo cáo sơ bộ, tính đến sáng cùng ngày, Quảng Nam có 60 tàu cá, 2.309 lao động đang hoạt động trên biển.

Để đảm bảo an toàn về người và tài sản, lực lượng chức năng đã hướng dẫn các tàu đã tránh trú an toàn tại các đảo ở Trường Sa. Riêng đối với khu vực TP.Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo chính quyền Hội An cần thực hiện các biện pháp gia cố kè, che chắn an toàn khu vực bờ biển bị sạt lở. Các khu du lịch ven biển, nhà máy có phương án đảm bảo an toàn cơ sở vật chất. Đồng thời, đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân trên đảo Cù Lao Chàm.

Ngoài ra, ở khu vực thượng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên; thực hiện tốt việc thông báo, điều tiết xả lũ linh hoạt và theo đúng quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Đà Nẵng: Di dời các hộ dân khu vực xung yếu

Tại Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu tất cả các công trình phải dừng hoạt động trước 15h chiều 27/10. Đối với ngành Du lịch, lãnh đạo Đà Nẵng yêu cầu Sở Du lịch có văn bản đối với tất cả khách sạn, resort ven biển phải có biện pháp đảm bảo an toàn. Riêng các huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ... tập trung di dời các hộ dân khu vực xung yếu ven sông, sát biển.

Chiều 26/10, Sở GD&ĐT Đà Nẵng có công văn gửi phòng GD&ĐT các quận, huyện; các trường, trung tâm trực thuộc sở; các trường đại học tư thục; các phòng thuộc sở về việc triển khai ứng phó với bão số 9 có tên Molave.

Quảng Ngãi: Cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển

Ngày 26/10, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành công điện khẩn nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 20h ngày 26/10, cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi.

Đồng thời, sẵn sàng kế hoạch và tổ chức sơ tán, di dời dân đến nơi tránh trú bão an toàn; kiên quyết di dời, sơ tán những hộ có nhà yếu, đơn sơ không bảo đảm an toàn, đối với trường hợp không hợp tác thì thực hiện cưỡng chế nếu cần thiết; tổ chức kiểm tra nhà, trụ sở... phải bảo đảm an toàn trước khi đưa người dân đến sơ tán; hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa; huy động lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai hỗ trợ người dân thực hiện, nhất là đối với những hộ chỉ có người già yếu, phụ nữ, neo đơn, khuyết tật. Hoàn thành trước 17h ngày 27/10.

Các tỉnh miền Trung 'chạy đua' ứng phó với bão số 9 - Ảnh 2
Người dân ven biển Quảng Ngãi dựng kè chống bão. (Ảnh: Internet)

Quảng Trị sẵn sàng các phương án phòng, chống bão, mưa lũ lớn

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các địa phương theo dõi, tổ chức kiểm đếm, thông báo và hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển, biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động về nơi trú ẩn an toàn; có phương án đảm bảo an toàn về người và phương tiện tại nơi tránh trú, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền khi bão đổ bộ, thực hiện cấm biển bắt đầu từ 18h ngày 26/10.

Các đơn vị và địa phương khác trên địa bàn tỉnh triển khai rà soát phương án bảo đảm an toàn các hồ đập, kiểm tra hệ thống cảnh báo lũ, thông tin liên lạc đối với vùng hạ du để chủ động việc sơ tán, di dời dân đảm bảo an toàn khi xả lũ; triển khai phương án bảo đảm an toàn các công trình trong mưa bão, nhất là đối với các công trình cột ăng ten, công trình đang thi công có sử dụng cần trục, giàn giáo cao tầng.

Ngoài ra, rà soát phương án, điều chỉnh kế hoạch sơ tán dân vùng trực tiếp có bão, vùng lũ ống, lũ quét, vùng sạt lở đất, vùng ngập sâu; triển khai công tác chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây, sẵn sàng các phương án phòng, chống bão, mưa lũ lớn có khả năng xảy ra; chú trọng kiểm tra, rà soát và thông báo, cảnh báo đến các khu vực dân cư đang sống ven biển, ven sông suối, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, ngập lụt sâu để chủ động tránh qua lại các vùng hạ lưu, tràn, sông suối.

Đặc biệt, tại hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, các lực lượng chức năng cần tổ chức di dời, sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ” để triển khai phương án ứng phó trong trường hợp bão đổ bộ vào đất liền gây mưa và lũ lớn.

Tỉnh Quảng Trị thông tin đến trên 2.300 tàu cá với hơn 7.000 thuyền viên về diễn biến và hướng di chuyển của bão số 9 để vào nơi tránh trú an toàn.

Các tỉnh miền Trung 'chạy đua' ứng phó với bão số 9 - Ảnh 3
(Ảnh: TTXVN)

Bình Định cấm tàu thuyền xuất bến

Ngày 26/10, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng ký lệnh cấm tàu thuyền trong tỉnh này xuất bến.

Ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn vận động 78 tàu vận tải trên vùng biển Quy Nhơn chờ làm hàng tại cụm cảng Quy Nhơn đi tránh trú bão tại các khu vực biển an toàn.

Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cần giữ liên lạc liên tục; hướng dẫn tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn gần nhất.

Lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn cho biết, để tránh thiệt hại có thể xảy ra do trong bão số 9, đơn vị đã vận động 38 tàu di chuyển đến các vùng biển an toàn như Phú Yên, Vân Phong (Khánh Hòa).

Phú Yên tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 9

Để ứng phó với bão số 9, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương có công điện gửi các ngành chức năng, chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống cơn bão được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo là rất mạnh và có tầm ảnh hưởng rộng này.

Chủ tịch UBND Phú Yên yêu cầu lực lượng chức năng triển khai các biện pháp rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, thông báo, hướng dẫn tránh trú an toàn, tổ chức sắp xếp, neo đậu để hạn chế thiệt hại tại nơi neo đậu; triển khai các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn đê kè, hồ đập, công trình xây dựng đang thi công dở dang, nhất là các tuyến đê kè biển, cửa sông, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có nguy cơ mất an toàn.

Các tỉnh miền Trung 'chạy đua' ứng phó với bão số 9 - Ảnh 4

Các địa phương trên địa bàn tỉnh cần chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu, nhà ở có cấu trúc yếu không bảo đảm an toàn, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... Thời gian di dời hoàn thành trước 18h ngày 27/10.

Chiều 26/10, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đi kiểm tra khu vực Vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) là nơi tập trung nhiều bè nuôi trồng thủy sản và yêu cầu: Các lực lượng chức năng tích cực đi kiểm tra và vận động người dân sớm vào bờ. Nếu có người cố tình ở lại trên bè thì phải thực hiện cưỡng chế.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, hồi 04h ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 320km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 04h ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông trên vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 118,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 04h ngày 29/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở 15,4 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Đông Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 ( dưới 40km/giờ).

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Các tỉnh miền Trung 'chạy đua' ứng phó với bão số 9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới