Chủ nhật, 24/11/2024 07:53 (GMT+7)
Thứ ba, 04/07/2023 11:10 (GMT+7)

Cải tạo môi trường bờ vở sông Hồng: Đồng lòng từ chính quyền tới người dân

Theo dõi KTMT trên

Hưởng ứng Tháng hành động vì Môi trường, ngày Môi trường Thế giới 2023, UBND quận Hoàn Kiếm đã thực hiện nhiều chương trình, dự án để hạn chế và giảm rác thải nhựa.

Hưởng ứng Tháng hành động vì Môi trường, ngày Môi trường Thế giới 2023, UBND quận Hoàn Kiếm đã thực hiện nhiều chương trình, dự án để hạn chế và giảm rác thải nhựa. Nổi bật trong đó là dự án cải tạo môi trường bờ vở sông Hồng (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm).

Hành động quyết liệt từ chính quyền

Ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Hàng năm, trên thế giới, ước tính có khoảng 19 - 23 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra hồ, sông và biển. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, nhưng chỉ khoảng 27% được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.

Cải tạo môi trường bờ vở sông Hồng: Đồng lòng từ chính quyền tới người dân - Ảnh 1
Lãnh đạo phường Phúc Tân tham gia trồng cây

Ô nhiễm nhựa gây ra những tác động bất lợi đối với sức khỏe, nền kinh tế và môi trường. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã thực hiện nhiều chương trình, dự án để hạn chế và giảm rác thải nhựa, cụ thể như triển khai Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 của UBND Thành phố ngày 07/01/2020, UBND quận ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND về triển khai thực hiện chương trình “Quản lý phân loại rác, phòng chống rác thải nhựa và túi ni lông trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Bên cạnh đó, trụ sở các phòng, ban đơn vị của Quận, phường và một số các cơ sở dịch vụ, kinh doanh trên địa bàn quận đã thực hiện việc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong đời sống hằng ngày, thực hiện tốt Ngày thứ Bảy xanh: tổ chức đổi rác lấy quà vào sáng thứ Bảy hàng tuần tại 5 địa điểm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; thu gom rác thải nhựa giá trị thấp, tái chế thành gạch, ngói, vật liệu xây dựng…

Đặc biệt, từ năm 2021, thực hiện Kết luận số 191-TB-QU ngày 04/11/2021 của Thường trực Quận ủy, ngày 10/11/2021, UBND quận đã xây dựng Kế hoạch số 235/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Dự án quản lý môi trường dựa vào cộng đồng tại ngách 43/32 Bạch Đằng và Dự án được khánh thành vào tháng 1/2022, với diện tích 1.500m².

Qua khảo sát, khu vực bờ vở sông Hồng là khu vực tiếp giáp lòng sông và được người dân sử dụng như một hành lang đê điều bảo vệ nội thành Hà Nội. Nhiều năm qua, do mực nước sông Hồng ít lên cao, khu vực này dần trở thành những khu đất hoang, bãi đổ trộm phế thải, rác thải sinh hoạt của người dân, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng nơi đây.

Sau hơn 3 tháng, với sự vào cuộc tích cực của đội ngũ tình nguyện viên của mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống và gần 200 cán bộ hội viên Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên phường, nhân dân tổ dân phố số 5 và số 6, gần 200 tấn rác đã được thu gom và vận chuyển, tạo mặt bằng xây dựng khu vườn với trên 100 loại cây được trồng. Dự án giai đoạn 1 tại ngách 43/32 Bạch Đằng bước đầu thành công, mang lại không gian sống xanh - sạch cho người dân bên bờ vở sông Hồng.

Đến tháng 7/2022, để mở rộng mô hình, UBND quận đã xây dựng Kế hoạch số 170/KH-UBND về việc thực hiện Dự án quản lý môi trường dựa vào cộng đồng tại phố Bạch Đằng, phường Chương Dương (đoạn từ đền Sơn Hải đến phố Hàm Tử Quan) với diện tích hơn 6.000m². Tại giai đoạn này, Vườn Giác quan trước cửa Đền Sơn Hải được triển khai với gần 200 loài cây, hoa các loại. Bên cạnh đó, dự án đã sử dụng gạch tái chế từ rác thải nhựa giá trị thấp để tạo thành một con đường dạo ven sông nối từ khu vườn rừng đến Vườn Giác quan, tạo nên điểm nhấn bên bờ vở sông Hồng.

Có thể thấy, Dự án đã biến khu vực ô nhiễm môi trường thành khu vực có sân chơi cho trẻ em, khu tập thể dục, sân chơi đa năng… giúp người dân địa phương có không gian sống lành mạnh.

Người dân tích cực hưởng ứng

Sau gần 3 năm triển khai, dự án đã giúp cải tạo bờ vở sông Hồng thành khu vườn rừng, khu sân chơi đa chức năng. Trong đó, sân chơi cộng đồng ở khu vực bờ vở sông Hồng được thiết kế với nhiều hạng mục, thiết bị vui chơi khác nhau, vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo sức hấp dẫn với trẻ nhỏ. Đặc biệt, tất cả những thiết bị chơi tại đây đều được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường thiên nhiên, tạo điều kiện cho con người được giao tiếp với nhau và giao tiếp với thiên nhiên.

Cải tạo môi trường bờ vở sông Hồng: Đồng lòng từ chính quyền tới người dân - Ảnh 2
Các bạn trẻ tham gia trồng cây tại khu vực bờ vở sông Hồng

Là người có nhiều đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ môi trường, Chị Phạm Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Chương Dương cho biết, nhờ sự quan tâm của UBND quận Hoàn Kiếm, phường Chương Dương, môi trường khu vực đã được cải thiện, người dân có môi trường sống xanh - sạch - đẹp. Hằng ngày, các bà, các chị, các cháu ra sân tập thể dục, vui chơi, cùng nhau chăm sóc, gìn giữ không gian khu vườn rừng để bờ vở sông Hồng luôn xanh - sạch - đẹp, thu hút người đến tham quan, trải nghiệm.Các buổi sáng thứ Bảy hằng tuần, chị em hội viên Hội Phụ nữ phường Chương Dương sau khi tham gia tổng vệ sinh tại các khu vực cùng nhau ra vườn rừng tưới cây, nhổ cỏ, bắt sâu... chăm sóc vườn rừng ngày càng xanh tốt.

Tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động vì Môi trường và Ngày Môi trường thế giới 2023 do UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp tổ chức vào tháng 6/2023, các hoạt động như đổi rác lấy quà, trồng cây, dọn rác ở khu vực lân cận bờ vở sông Hồng của địa bàn phường Chương Dương nhận được sự tham gia đông đảo của các tình nguyện viên, các em học sinh từ các trường trên địa bàn và người dân khu vực. Nhiều cây xanh đã được trồng bổ sung tại khu vực bờ vở sông Hồng, góp thêm màu xanh cho khu vực.

Sự kiện đã góp phần lan tỏa những hành động đẹp, nâng cao ý thức của cộng đồng và góp thêm màu xanh cho không gian thêm xanh - sạch - đẹp.

Hoàng Hiền

Bạn đang đọc bài viết Cải tạo môi trường bờ vở sông Hồng: Đồng lòng từ chính quyền tới người dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới