Chủ nhật, 24/11/2024 04:00 (GMT+7)
Thứ ba, 11/10/2022 14:01 (GMT+7)

Cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 đem đến thách thức, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, để đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngày 11/10/2022, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo: “Hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp” nhằm giúp các doanh nghiệp và các bên liên quan cập nhật chính sách của Chính phủ liên quan đến phát thải ròng bằng 0; cũng như nhận diện những cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh mới; đồng thời, góp phần đưa ra những kiến nghị, giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam giữ vững vị thế cạnh tranh, góp sức cùng Chính phủ hiện thực hóa các cam kết tại COP 26. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kỷ 55 năm ngày Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát hành số đầu tiên (tháng 10/1967).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu khai mạc Hội thảo “Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp”. (Ảnh: Anh Quyền)

Ngay sau khi Hội nghị ở Glasgow kết thúc, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng…

Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh, Thứ trưởng khẳng định.

Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 đem đến thách thức, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Đó là các cơ hội cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính xanh để đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững doanh nghiệp”.

Cũng tại hội thảo, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đòi hỏi phải chuyển đổi việc khai thác, sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng ít phát thải và tăng hấp thụ khí nhà kính.

Cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp - Ảnh 2
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: Huyền Diệu)

Theo ông Tấn, các vấn đề xã hội liên quan đến việc chuyển đổi là rất lớn và thế giới đã đưa ra đòi hỏi “Chuyển đổi công bằng - Just transition” đối với quá trình này.

Chia sẻ quan điểm, ông Tấn nêu nõ: “Chuyển đổi công bằng nhằm đưa ra và thực hiện các giải pháp cần thiết để bảo đảm quyền và sinh kế của người lao động khi nền kinh tế chuyển dần sang sản xuất bền vững nhằm mục tiêu chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học”.

Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước cũng cho biết, chuyển đổi năng lượng, thực hiện phát thải ròng bằng “0” là lựa chọn mang tính chiến lược của Việt Nam.

“Chính phủ đã và đang thực hiện các bước đi nhanh và chắc chắn. Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và góp phần tăng lợi thế cạnh tranh về mặt dài hạn”, ông Tấn nêu rõ và nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần sẵn sàng, trong đó cần chuẩn bị về con người có đủ năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng CNKT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói về Phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam: Cơ hội cho các doanh nghiệp. Có 6 vấn đề mà bà chia sẻ:

Cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp - Ảnh 3
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng CNKT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: Huyền Diệu)

1. Định hướng phát triển ngân hàng xanh

- Quyết định 1604/QĐ-NHNN ngày 07/08/2018 về Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam

+Tăng cường nhận thức và trách nhiệm của hệ thống ngân hàng về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

+Hướng dòng vốn tín dụng vào dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và

năng lượng tái tạo.

-Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

+Tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Thúc đẩy phát triển "tín dụng xanh", "ngân hàng xanh”.

+Tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon.

2. Xây dựng kế hoạch hành động của ngành ngân hàng

3. Ban hành các văn bản hướng dẫn về cấp tín dụng xanh, quản lý rủi ro

môi trường và xã hội

4. Triển khai chính sách tín dụng ưu đãi cho một số lĩnh vực xanh

Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinRatings – đơn vị Việt Nam được tổ chức Trái phiếu khí hậu Quốc tế ủy quyền các nhận trái phiếu xanh theo chuẩn quốc tế nói về vấn đề: Mở rộng không gian gọi vốn cho Doanh nghiệp Việt Nam bằng Chứng nhận Trái phiếu Xanh của Tổ chức Trái phiếu Khí hậu Quốc tế.

Cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp - Ảnh 4
Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinRatings – đơn vị Việt Nam được tổ chức Trái phiếu khí hậu Quốc tế. (Ảnh: Huyền Diệu)

Theo ông Thuân, thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu đạt quy mô 3,3 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 6, tăng gấp ba lần quy mô 1,1 nghìn tỷ USD từ tháng 12 năm 2019. Sau châu Âu, ASEAN + 3 chiếm 15,3% tổng số toàn cầu.

Thị trường ASEAN có sự hiện diện đáng kể trong thị trường trái phiếu bền vững (19,2% / 16,7% của đang lưu hành / phát hành trong khu vực) và thị trường trái phiếu liên kết bền vững (18,5% / 23,2% của đang lưu hành /phát hành trong khu vực) vào tháng 6//2022.

Nhìn chung, thị trường trái phiếu bền vững trong khu vực đã có sự đa dạng hóa được cải thiện về các loại tráiphiếu khác nhau.

Tại buổi hội thảo này, PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường đã luận giải về thị trường carbon,  chỉ rõ, thị trường carbon về nguyên lý được xây dựng dựa trên những nguyên tắc vận hành của thị trường cạnh tranh “thuận mua, vừa bán” và đôi bên cùng có lợi.

Cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp - Ảnh 5
PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường. (Ảnh: Huyền Diệu)

“Khi tham gia vào thị trường carbon không bên nào bị thiệt, các bên cùng có lợi và thu được lợi nhuận”, vị chuyên gia này nhấn mạnh và cho biết, có một hạn mức nhất định giấy phép xả thải (hạn ngạch) được quy định phát hành cho các doanh nghiệp từ Nhà nước.

 Ông cũng nêu một số kiến nghị nhằm phát triển thị triển thị trường carbon và sự chủ động tham gia của doanh nghiệp. Thứ nhất, hoàn thiện quy định của pháp luật về phát triển thị trường carbon. Thứ hai, vai trò chủ động của doanh nghiệp. Thứ ba, sự vào cuộc các bên liên quan. Thứ tư, công tác truyền thông. Thứ năm, sự vào cuộc của chính quyền.

Đồng thời vị chuyên gia này đề xuất: “Phát triển thị trường carbon với sự tham gia chủ động của doanh nghiệp có một vai trò hết sức quan trọng, muốn vậy doanh nghiệp phải nắm bắt được nguyên lý vận hành của thị trường carbon, các quy định của pháp luật liên quan đến thị trường carbon từ đó chủ động trong việc cân đối với năng lực và khả năng sẵn sàng của doanh nghiệp để tham gia thị trường này khi đi vào vận hành, nhất là đăng ký tham gia trên sàn giao dịch tín chỉ carbon”.

Theo như phân tích của các nhà quản lý, các chuyên gia cũng như các doanh nghiệp tại Hội thảo, những cơ hội và thách thức, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, công nghệ, đào tạo… nhằm góp sức thực thi giảm phát thải khí nhà kính; Phân tích kinh nghiệm và một số ý tưởng sáng tạo/công nghệ mới đang giúp các chuỗi sản xuất tiên tiến chuyển mình theo hướng giảm phát thải; Những nỗ lực/khó khăn, thách thức/kiến nghị từ các doanh nghiệp trong thực thi giảm phát thải nhà kính hiện nay.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới