Cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập từ ngày 1/7
Từ ngày 1/7/2019, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 chính thức có hiệu lực. Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật này là tất cả cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập theo đúng quy định.
Bắt đầu từ ngày 1/7, cán bộ, công chức phải kê khai tài sản - Ảnh Internet |
Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 do Quốc Hội ban hành có 10 Chương, 96 Điều, quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Hôm nay (1/7/2019), Luật này chính thức có hiệu lực.
Luật Phòng chống tham nhũng 2018 (thay thế Luật Phòng chống tham nhũng 2005) quy định tất cả cán bộ, công chức có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập. Nếu kê khai không trung thực, cán bộ có thể bị xử lý kỷ luật bằng cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc...
Theo Luật này, sẽ có một số điều chỉnh về người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Sự thay đổi đáng chú ý nhất đó chính là đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập.
Cụ thể, Điều 44 Luật phòng, chống tham nhũng cũ quy định đối tượng phải kê khai tài sản là cán bộ từ Phó trưởng phòng của UBND cấp huyện và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; một số cán bộ, công chức cấp xã; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Tài sản phải kê khai bao gồm: Quyền sử dụng đất, nhà ở, kim loại quý, đá quý, giấy tờ có giá và bất động sản, tài sản khác có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài.
Ngoài ra, người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên hoặc người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công… thì phải thực hiện kê khai tài sản hằng năm và phải kê khai trước ngày 31/12.
Nếu có hành vi kê khai không trung thực, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc phòng, chống tham nhũng: Điều 4 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định:
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; thực hiện quy định khác của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng; Tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, tin báo về hành vi tham nhũng.
- Kịp thời cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng.
Điều 34. Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập 1. Cán bộ, công chức. 2. Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp. 3. Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 4. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. |
Nguyễn Luận