Chủ nhật, 24/11/2024 11:06 (GMT+7)
Thứ ba, 29/06/2021 11:12 (GMT+7)

Cần làm rõ hoạt động khai thác nước khoáng nóng tại dự án Vườn Vua Resort & Villas

Theo dõi KTMT trên

Chuyên gia về khoáng sản địa chất cho rằng, cần làm rõ các hoạt động khai thác nguồn nước khoáng nóng của chủ đầu tư tại dự án Vườn Vua Resort & Villas.

Chưa có giấy phép vẫn ngang nhiên khai thác khoáng nóng ?

Gần 3 năm nay, dự án Vườn Vua Resort & Villas do Công ty CP Đầu tư Thăng Long Phú Thọ - Thành viên của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long làm chủ đầu tư chính thức đi vào hoạt động kinh doanh thương mại.

Tại dự án này, 3 năm nay, dịch vụ bể bơi khoáng nóng cũng được vận hành đồng thời với các hạng mục khác. Như vậy, nguồn khoáng nóng đã được chủ đầu tư khai thác, sử dụng trong suốt thời gian qua dù chưa có giấy phép trong lĩnh vực này của Bộ TN&MT.

Cần làm rõ hoạt động khai thác nước khoáng nóng tại dự án Vườn Vua Resort & Villas - Ảnh 1
Bể bơi khoáng nóng được xây dựng và đi vào hoạt động gần 3 năm nay tại dự án Vườn Vua Resort & Villas, Thanh Thủy, Phú Thọ. Ảnh: Đ.B

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam thuộc TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, cần làm rõ hoạt động khai thác nước khoáng nóng tại dự án Vườn Vua Resort & Villas.

“Nếu chưa có giấy phép mà vẫn tiến hành khai thác là vi phạm Luật Khoáng sản”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhấn mạnh.

Chuyên gia địa chất và khoáng sản cũng cho rằng các cơ quan chức năng cần vào cuộc để rà soát, đánh giá và điều tra về việc khai thác nguồn khoáng nóng tại dự án Vườn Vua. Nếu để việc khai thác tự do kéo dài sẽ gây thất thoát nguồn khoáng sản và nguy cơ về lỗ hổng quản lý sẽ ngày càng nghiêm trọng.

Đánh giá về thực trạng quản lý nguồn nước khoáng nóng đang bị buông lỏng tại địa bàn huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, ông Hoàng Xuân Cơ cho rằng, một phần là do có nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ kinh doanh tự phát.

“Tuy nhiên, đối với dự án Vườn Vua, một dự án có quy mô lớn với hàng trăm căn biệt thự nghỉ dưỡng, kinh doanh du lịch với lượng khách hàng năm có thể lên đến hàng nghìn người thì việc quản lý càng phải được thắt chặt. Nếu bể bơi khoáng nóng được phát triển thành mô hình công viên khoáng nóng thì việc khai thác nguồn nước khoáng cần phải được đăng ký, phê duyệt và cấp phép bởi Bộ TN&MT”.

Để có thể khai thác nước dưới đất, các cá nhân, cơ sở phải được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền, dựa trên những quy định của pháp luật, bao gồm những giấy tờ chính là Giấy phép khai thác nước dưới đất, Giấy phép kinh doanh, Xác nhận thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường. Vì vậy khi xem xét vi phạm của các cá nhân, cơ sở khai thác nước dưới đất phải chú ý đến các giấy phép kể trên.

Về nguyên tắc, theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, muốn được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ có sử dụng nước dưới đất phải có Giấy phép khai thác nước dưới đất và Xác nhận thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong thực tế không chỉ chú ý đến giấy phép kinh doanh mà còn phải quan tâm cả các loại giấy phép khác có liên quan.

Biệt thự dịch vụ nghỉ dưỡng không thể có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Dự án Vườn Vua đang được chủ đầu tư quảng cáo rầm rộ trên nhiều kênh truyền thông khác nhau. Tại nội dung của chính sách bán hàng giai đoạn 2 do ông Dương Mạnh Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thăng Long Phú Thọ ký đều khẳng định việc sẽ bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng khi mua các căn hộ biệt thự tại dự án.

Cụ thể, tại tiến độ đóng tiền đối với tất cả các hạng mục căn hộ (chưa xây, đang xây và đã xây xong) được chia thành 8 đợt, chủ đầu tư nhấn mạnh việc khách hàng cần thanh toán 5% giá trị hợp đồng còn lại ở đợt cuối, đồng thời nộp các khoản phí khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, các căn hộ biệt thự tại dự án Vườn Vua có được cấp “sổ đỏ” hay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài hay không?

Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số CG030737 do Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ cấp cho Công ty CP Đầu tư Thăng Long Phú Thọ, dự án có tổng diện tích là hơn 82ha với 3 loại đất chính bao gồm: đất thương mại, dịch vụ; đất nuôi trồng thủy sản; đất mặt nước chuyên dùng, thời hạn sử dụng đến ngày 4/9/2062.

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm cho biết, đối với dự án Vườn Vua Resort & Villas, việc cấp "sổ đỏ" cho các căn biệt thự nghỉ dưỡng tại đây (nếu có) là trái với quy định của Nhà nước.

Cần làm rõ hoạt động khai thác nước khoáng nóng tại dự án Vườn Vua Resort & Villas - Ảnh 2
Phân tích của luật sư cho thấy, việc cấp "sổ đỏ" cho các căn biệt thự nghỉ dưỡng tại dự án Vườn Vua Resort & Villas (nếu có) là trái với quy định của Nhà nước.

Luật sư Trương Anh Tú phân tích: Nếu Nhà nước giao cho một dự án dịch vụ, dự án xây dựng khách sạn nghỉ dưỡng lưu trú, mà lại tiến hành xây dựng nhà ở hay xây dựng các căn biệt thự có kết cấu nhà ở, và cuối cùng rao bán như một dạng bất động sản nhà ở và hứa hẹn cấp "sổ đỏ" thì chắc chắn không phù hợp với quy định của Nhà nước. Chắc chắn Nhà nước sẽ không cấp "sổ đỏ", không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chủ đầu tư nếu biết rõ điều đó mà vẫn ra các chính sách bán hàng, đồng thời tiến hành các hoạt động quảng cáo, rao bán với khách hàng là các căn hộ vẫn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là trái quy định với pháp luật. Khi xây dựng xong, các căn hộ không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lúc đó khách hàng có quyền tố cáo hình sự chủ đầu tư về tội lừa dối khách hàng. Lúc đó hậu quả sẽ rất khôn lường với chủ đầu tư.

Cũng theo Luật sư Trương Anh Tú, việc Nhà nước giao đất cho doanh nghiệp tùy từng mục đích sử dụng, yêu cầu của doanh nghiệp.

Một số doanh nghiệp được giao đất để sản xuất kinh doanh, như làm nhà xưởng, xây dựng nhà máy. Một số doanh nghiệp lại có nhu cầu phát triển đất đai dịch vụ như xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn, resort, các khu vui chơi giải trí. Khái niệm “đất 50 năm” ở đây là được Nhà nước giao thuê 50 năm. Đất này là được Nhà nước giao cho doanh nghiệp thuê, doanh nghiệp có thể trả tiền thuê một lần hoặc trả tiền hàng năm. Điều này cũng giống hình thức Nhà nước bán đất nhưng dùng thuật ngữ “giao đất”, thu tiền sử dụng đất.

Vẫn theo Luật sư Trương Anh Tú, việc thu tiền sử dụng đất có mấy dạng, một là thu theo khung giá của Nhà nước do chính quyền địa phương hàng năm ban hành, hai là thông qua việc đấu giá đất công khai, giá này tiệm cận với giá thị trường.

Việc Nhà nước giao đất cho các doanh nghiệp, dù theo hình thức nào cũng phải được đặt trong tình trạng chung, đó là dựa vào việc quy hoạch sử dụng đất hàng năm tại địa phương.

Bản đồ một địa phương nếu nhìn ở góc độ quy hoạch thì sẽ có đất rừng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, đất trồng lúa, khu công nghiệp, dịch vụ trong đó có khách sạn, siêu thị, tòa nhà cho thuê, đất dân cư, đất quy hoạch làm nhà ở. Nghĩa là đã có nền tảng quy hoạch đất chung ở các địa phương. Trên cơ sở đó mới có căn cứ giao cho các doanh nghiệp theo đúng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương.

Như vậy, không thể nào giao một dự án xây dựng resort – dự án khu khách sạn du lịch lưu trú ở giữa rừng phòng hộ hay giao đất khu công nghiệp ở giữa vùng lõi khu dân cư đã được quy hoạch làm nhà ở. Tương tự như vậy thì cũng không thể nào giao đất để xây dựng căn hộ để bán, làm nhà ở, mục đích ở cho một vùng đất đã được quy hoạch là khu thương mại dịch vụ ưu tiên cho phát triển du lịch.

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin. 

Đào Bích

Bạn đang đọc bài viết Cần làm rõ hoạt động khai thác nước khoáng nóng tại dự án Vườn Vua Resort & Villas. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới