Chủ nhật, 24/11/2024 04:00 (GMT+7)
Thứ hai, 27/11/2023 15:58 (GMT+7)

Cần tạo động lực để doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội

Theo dõi KTMT trên

Vấn đề pháp lý, chính sách, nguồn vốn... đang là những điểm nghẽn khiến các doanh nghiệp không mặn mà phát triển NOXH. Do đó, các chuyên gia BĐS cho rằng, cần tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực và có cơ chế đặc thù với doanh nghiệp phát triển NOXH.

Cần tạo động lực để doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội - Ảnh 1
Nhiều doanh nghệp bất động sản mong muốn sớm được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, phát triển NOXH.

Thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội (NOXH) đang được rất nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm, nhất là sau khi xảy ra vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp bất động sản, hiện nay việc phát triển nhà ở xã hội đang vướng phải rất nhiều những bất cập, điểm nghẽn khiến các doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn khi triển khai phát triển NOXH. Vậy các điểm nghẽn là gì?

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu: " Với những quy định về điều kiện vay vốn như hiện nay của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, tôi cho rằng đây không phải gói tín dụng ưu đãi dành cho nhà ở xã hội".

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại -Xây dựng Lê Thành chia sẻ, doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định để được những cơ chế ưu đãi, trong đó vướng mắc nhất liên quan đến công tác điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư cũng phải lần lượt thông qua ý kiến của các sở, ngành liên quan.

"Vậy nên hiện nay, dù chính sách ưu đãi về vay vốn, lãi suất đã được thông qua nhưng tiến độ gỡ vướng về pháp lý, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội vẫn rất chậm. Vì vậy, rất khó để doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn vay để được giải ngân", ông Nghĩa bày tỏ.

Đồng quan điểm trên, đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, để triển khai một dự án nhà ở xã hội thực sự rất khó khăn từ vấn đề pháp lý, chính sách ưu đãi đến xác định đối tượng được mua, vay ưu đãi và giải ngân vốn vay...

“Dù dự án thuộc đối tượng được vay ưu đãi, đã thông qua hết các thủ tục pháp lý, thậm chí, để đảm bảo khoản vay xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp còn phải thế chấp nhiều tài sản khác có giá trị lớn hơn nhiều khoản vay. Tuy nhiên, để được ngân hàng thông qua và giải ngân cũng là cả một vấn đề nan giải đối với doanh nghiệp”, đại diện một doanh nghiệp BĐS chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho hay, với những quy định về điều kiện vay vốn như hiện nay của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, tôi cho rằng đây không phải gói tín dụng ưu đãi dành cho nhà ở xã hội.

Bởi nếu là ưu đãi cho NOXH thì phải đáp ứng được tiêu chí: về lãi suất, không vượt quá 50% lãi suất cho vay thương mại (hiện nay đang xác định từ 4,8 – 5%/năm và được xác định hàng năm), về thời hạn, quy định tối đa là 25 năm đối với người mua.

"Những quy định về tiêu chí của gói 120.000 tỷ đồng chỉ phù hợp với dự án quy mô nhỏ, chưa có nhiều khuyến khích đối với dự án quy mô lớn", ông Lê Hoàng Châu nhận định.

Cần tạo động lực để doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội - Ảnh 2
Tiếp cận gói vay 120.000 tỷ là vấn đề nan giải với nhiều doanh nghiệp BĐS

Trước đó vào năm 2022, Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa từng cho biết, trong 5 năm tới, Vinhomes sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội vì vậy để tạo điều kiện thực thi hiệu quả  rất cần nhiều giải pháp.

Thứ nhất, chủ doanh nghiệp có đất hoặc thu mua đất làm NOXH xin được cơ chế chỉ định thầu, chứ không đấu thầu, còn các chỉ tiêu do cơ quan nhà nước phê duyệt.

Thứ hai, hiện nay, tất cả đề án có NOXH liên quan đến các chỉ tiêu mới về diện tích nhà ở xã hội từ 25-70 m2. Do vậy tất cả các đề án quy hoạch, quy hoạch chi tiết 1/500 phải điều chỉnh lại vì sẽ tăng chỉ tiêu dân số, tăng cả tiện ích xã hội, tiện ích hạ tầng xã hội…, dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, nhưng nếu làm sẽ rất lâu. Do đó rất cần Chính phủ vào cuộc, cho phép song song với các địa phương điều chỉnh quy hoạch phân khu. Quy hoạch chi tiết thì cho phép doanh nghiệp tài trợ hoặc tham gia.

Thứ ba, đề nghị rút ngắn thủ tục phê duyệt dự án NOXH (hiện mất tối thiểu khoảng 600 ngày) xuống từ 90 đến 120 ngày để các địa phương công bố các đề án, dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ…

Cần tạo động lực để doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội - Ảnh 3
Cần có cơ chế đặc biệt cho doanh nghiệp phát triển NOXH

Còn theo ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng, tại Việt Nam rất khó để tìm ra một mô hình đầu tư phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa cho các bên khi phát triển dự án NOXH. Có nhiều yếu tố cần xem xét kỹ lưỡng như điều kiện để mua NOXH, cách thức phân phối cũng như quy định chuyển nhượng NOXH.

“Một vấn đề khác là những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư NOXH hiện tại chưa đủ hấp dẫn, rất khó để đại bộ phận các chủ đầu tư trên thị trường tạo ra lợi nhuận từ dòng sản phẩm này. Đứng trước bài toán lợi nhuận, khối tư nhân vẫn đang tập trung ở các phân khúc cao hơn mà chưa chú trọng đến thị trường quan trọng này”, ông Troy chia sẻ. 

Để tháo gỡ vấn đề phát triển NOXH, TP.HCM đã đưa ra 5 giải pháp bao gồm: Về tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các Dự án NOXH; Về Trình tự thủ tục thực hiện quy trình đầu tư xây dựng NƠXH; Về Quy trình xác nhận hoàn thành nghĩa vụ NOXH trong có dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha; Về thúc đẩy đầu tư công các dự án NOXH bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Về phân công trách nhiệm theo dõi, giải quyết thủ tục đầu tư các dự án NOXH cho các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng NOXH, nhà ở công nhân trên địa bàn, UBND TP.HCM đã giao Sở Xây dựng là đơn vị đầu mối tổng hợp báo cáo UBND thành phố các khó khăn vướng mắc đối với các dự án NOXH và phân nhóm các vướng mắc báo cáo đề xuất UBND thành phố chủ trì họp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) cho hay, thời gian qua, chúng ta đã cố gắng thiết kế nhiều chính sách hấp dẫn hỗ trợ các nhà đầu tư các nhà dự án nhà ở xã hội nhưng vẫn rất ít doanh nghiệp mặn mà, còn người mua nhà chưa thể mua vì mức giá không phù hợp, thủ tục rườm rà, vị trí không phù hợp.

“Với một “rừng” quy định hành chính cùng với những rủi ro pháp lý khác là nguyên nhân căn bản làm nản lòng nhà đầu tư. Do vậy cần tháo gỡ ngay nút thắt điểm nghẽn, cần xem doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội là đối tượng ưu tiên đặc biệt thì mục tiêu cao cả mới trở thành hiện thực…” - đại biểu Hoàng Đức Thắng nêu quan điểm.

Sáng 27/11, Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với 423/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 85,63%).

Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 198 điều, quy định quy định chung; sở hữu nhà ở; chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; phát triển nhà ở; phát triển nhà ở thương mại theo dự án; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; chính sách về nhà ở xã hội; tài chính để phát triển nhà ở; quản lý, sử dụng nhà chung cư; giao dịch về nhà ở; quản lý nhà nước về nhà ở giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về nhà ở; điều khoản thi hành.   

Điểm nhấn của Luật Nhà ở (sửa đổi) là luật quy định, có 12 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Đồng thời, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê.

Song Anh t/h

Bạn đang đọc bài viết Cần tạo động lực để doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới